Cách đây ít năm, thuốc lá điện tử đã du nhập vào Việt Nam. Và hiện nay việc hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ rộ lên như một thú vui “thời thượng”, trào lưu lan rộng dần từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, hiểm họa tiềm ẩn từ loại thuốc lá này cũng đang rất e ngại…
Một buổi tối ngồi uống nước ở phố Đồng Me, Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), trong số đông thanh thiếu niên phì phèo hút thuốc lá điện tử, tôi được thanh niên Phạm Ngọc Cường, sinh năm 1996, nhà gần đó chia sẻ về thuốc lá điện tử.
Theo Cường, hút loại thuốc lá điện tử “ngon” hay không phụ thuộc vào 2 thứ, đó là tinh dầu và bộ đồ hút. Thông thường một bộ đồ (gồm hộp đựng kiêm sạc pin và tẩu) có chất lượng, giá từ 5 triệu đồng trở lên, bộ cao cấp giá cả chục triệu, bộ hút bình dân giá dao động khoảng 1,2 – 2 triệu đồng nhưng hút sẽ không “phê” như đồ chất lượng.
Tinh dầu cũng có nhiều loại tùy vào khẩu vị từng người, nhưng phổ biến nhất là tinh dầu vị hoa quả, như: chuối, xoài, dâu, cam, táo, nho…có người thì lại ưa mùi tinh dầu vị xì-gà. Hàng tinh dầu có chất lượng phải nhập từ Malaysia, Thái Lan giá từ 130 – 500 nghìn đồng/lọ, còn trên thị trường hiện nay chủ yếu là các loại tinh dầu có xuất xứ từ Trung Quốc có giá dao động từ 35 – 80 nghìn đồng/lọ. Nói xong Cường đưa cho tôi xem lọ tinh dầu có dán mác hình quả xoài, với thông tin ghi hoàn toàn bằng chữ nước ngoài và không hề có thông tin nào nói rõ về thời gian sử dụng, xuất xứ sản phẩm.
Lê Tuấn Linh, 24 tuổi, hiện đang làm cho một công ty chuyên phân phối các linh kiện xe đạp thể thao của Pháp, đóng trụ sở trên đường Trung Văn, Hà Nội cho biết: “Những người hút thuốc lá trong lứa thanh niên trẻ bọn em hiện nay đa số đã chuyển sang sử dụng loại thuốc lá điện tử. Bởi như những gì em biết được thì sử dụng loại thuốc lá này ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống…”
Và khi đã thành trào lưu, hiện nay ra đường người ta không khó bắt gặp những người sử dụng loại thuốc lá công nghệ mới này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc lá điện tử là loại thuốc cung cấp dạng khí dung được tạo ra bởi nhiệt do đốt cháy dung dịch mà người dùng hít vào cơ thể. Bên cạnh nicotine, các thành phần chính của dung dịch theo thể tích là propylene glycol, có hoặc không có glycerol và các chất tạo hương.
Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư cùng nhiều bệnh tật khác và không giúp cai nghiện thuốc lá mà còn gây nghiện. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: dantri.com.vn |
Thuốc lá điện tử có thể được thiết kế giống các loại thuốc lá bình thường (ví dụ như thuốc lá, xì-gà, xì-gà mi ni, tẩu hay điếu), nhưng chúng cũng có thể được thiết kế các hình dạng khác như bút, USB và các dụng cụ hình trụ hoặc chữ nhật có kích thước lớn hơn. Sự đa dạng về hiệu điện thế của pin và kết cấu mạch điện có thể tạo ra sự khác biệt trong khả năng đốt cháy dung dịch thành dạng phun sương.
Thuốc lá điện tử có nhiều biến thể, hình dạng, công dụng khác nhau tùy dòng nhưng phổ biến hiện nay vẫn là 2 dạng: thuốc lá điện tử và thuốc vape (cũng là một dạng thuốc lá điện tử). Với vape, nó còn có tên gọi khác là shisha điện tử, shisha pen, e hookah, e-cig…tức là 1 thiết bị sử dụng công nghệ để hóa hơi tinh dầu lỏng thành dạng khói, và được xử lý thông qua chip điện tử thông minh nên lượng khói ra rất nhiều và tạo những đám mây rất nhanh. Vape được xem như 1 hàng công nghệ với thiết kế thời trang đầy sức hấp dẫn nhất là giới trẻ hiện nay.
Thuốc lá điện tử được phát minh ra với mục đích phát triển thành một loại thuốc thay thế cho thuốc lá truyền thống và được cho là ít gây hại đến sức khỏe người dùng, không gây tác hại cho những người xung quanh, mang lại cảm giác “phê” như thuốc lá thông thường, đồng thời cũng tạo ra khói mà tác hại không đáng kể.
Không như nhận định chung của đa số người sử dụng hiện nay, thuốc lá điện tử an toàn hay không vẫn là việc chưa rõ ràng, còn những nguy hiểm cùng những nguy cơ bệnh tật mà thuốc lá điện tử gây ra đã có cơ sở.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa rõ liệu các chất hóa học có trong thuốc lá điện tử nguy hiểm đến mức độ nào. Theo đó, cơ quan này chưa đưa ra quy định quản lý. Từ năm 2015, Sở y tế California tuyên bố loại thuốc mới này là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng.
Một báo cáo được các nhà nghiên cứu công bố gần đây cho thấy những loại thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn những gì mà chúng ta biết hiện nay. Các phát hiện trong nghiên cứu này đã được trình bày trong Tạp chí chuyên ngành National Meeting & Exposition of the American Chemical Society (ACS).
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá mức độ phá hủy các DNA khoang miệng mà các đối tượng nghiên cứu phải chịu (họ là những người hút thuốc lá điện tử) bằng cách sử dụng phương thức trắc khối phổ. Kết quả của nghiên cứu đã làm cho nhiều người cảm thấy hoang mang.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng các chất acrolein, fomandehit và chất methylglyoxal ở những người hút thuốc lá điện tử - là những thành phần cơ bản gây tổn hại đến DNA - tăng lên một cách toàn diện so với những người không hút. Sự thoái hóa tế bào liên tục do sự tương tác giữa các thành phần này và DNA của con người là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư.
Và sự khác biệt giữa những người hút thuốc lá điện tử và những người không hút là không hề nhỏ. Cứ 5 người hút thuốc lá điện tử thì có 4 người bị có mức độ tổn hại DNA cao do các chất acrolein, fomandehit và chất methylglyoxal gây nên so với những người không hút.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để biết được tác hại thực sự mà thuốc lá điện tử gây ra cho người dùng như thế nào, và làm rõ những chất hóa học nào mà người hút thuốc lá điện tử hít phải, và những tổn hại đến DNA mà những chất này gây nên là gì?
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phân tích, trong thuốc lá điện tử sử dụng nicotin là chất gây nghiện mạnh. Hơn nữa, chất lượng nicotin được sử dụng trong thuốc lá điện tử hiện nay chưa được kiểm soát, vì vậy, một số sản phẩm có thể chứa các chất độc nguy hiểm khác.
Một số mẫu mã thuốc lá điện tử trên thị trường hiện nay. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: vtv.vn |
Theo BS Lâm, không chỉ riêng nicotin là chất gây nghiện được cảnh báo, mà trong thuốc lá điện tử còn sử dụng chất aerosol với mục đích làm giả khói thuốc khi hút. Đây là một chất độc hại và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh khác. Những chất độc này không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng thuốc lá mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh với những người hít phải khói thuốc lá điện tử thụ động. "Việc hết hợp giữa nicotin và aerosol sẽ mang đến sự lạm dụng nguy hiểm cho người hút thuốc lá điện tử", BS Lâm cảnh báo.
PGS.TS Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ: Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, hút thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện và có hại. Thậm chí nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao gấp 15 lần thuốc lá điếu…Với hàng nghìn chất độc hại từ khói thuốc, khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư,… vì thế, PGS.TS Phan Thu Phương đưa ra cảnh báo giới trẻ, người dân không nên hút thuốc điện tử.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hiện nay thuốc lá điện tử được quảng cáo một cách công khai, tràn lan trên các trang mạng. Có một điều tuyệt nhiên, các hãng sản xuất không hề công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi hương trong các lọ tinh dầu là các hợp chất hóa học nào với lý do đó là "bí mật thương mại". Với trọng tâm quảng bá là loại thuốc lá thay thế, và cai nghiện thuốc lá truyền thống nên khiến không ít người, nhất là giới trẻ lầm tưởng hút thuốc lá điện tử là an toàn, không gây nghiện, nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử để tự giải phóng mình khỏi thói quen hút thuốc truyền thống.
Trong khi đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học khẳng định, hút thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư cùng nhiều bệnh tật khác và không giúp cai nghiện thuốc lá mà còn gây nghiện.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh thuốc lá điện tử, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng về tác hại mà thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử có thể gây ra.
Cạnh đó, cần kịp thời chấn chỉnh nghiêm và có biện pháp xử lý triệt để các hoạt động quảng cáo thiếu trung thực, bởi đây là một trong các nhân tố đang vô tình hoặc hữu ý “cổ súy” tích cực cho phong trào hút thuốc lá điện tử, khiến cho không ít người lầm tưởng về sự an toàn để rồi “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”!.
.