Với mùi vị hấp dẫn, mẫu mã phong phú và giá cả phải chăng, những đồ ăn, uống vặt không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan trước cổng trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là mối đe dọa về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tràn lan đồ ăn vặt nơi cổng trường
11h trưa, chúng tôi có mặt tại cổng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội). Đã có 5, 6 xe hàng rong sẵn sàng phục vụ học sinh chuẩn bị tan trường.
Trên xe đều là những món rất được các em học sinh yêu thích như: Nem chua rán, tôm viên, cá viên, đủ loại nước giải khát, các loại bánh, kẹo có hình thù, màu sắc sặc sỡ với giá cực rẻ, chỉ vài nghìn đồng. Trà sữa, nước ngọt sirô xanh, đỏ chỉ có giá từ 3.000 - 10.000 đồng/cốc.
Các cửa hàng bán đồ ăn cho học sinh "mọc lên" san sát. |
Sau tiếng trống trường tan học, hàng chục học sinh tụ tập mua đồ ăn bên những xe hàng bán đồ ăn vặt. Khi được hỏi tại sao lại yêu thích những món ăn ngoài cổng trường đến vậy, một em nhỏ trả lời rất vô tư: "Vì các món ở đây rất ngon mà lại còn rẻ nữa, chúng cháu mỗi đứa góp 10 nghìn là được ăn thoải mái".
Đây cũng là hình ảnh quen thuộc tại những ngôi trường như: Tiểu học Nghĩa Tân, THCS Nghĩa Tân, Tiểu học Láng Thượng, THCS Láng Thượng, THCS Nguyễn Trãi…
Điều đáng nói, các que xiên rán được bày bán ở những xe hàng đều được lấy ra từ trong những bao bì tự đóng gói không rõ của công ty nào hay đến từ đâu. Xem kỹ bao bì, những gói bim bim hay bò khô giá rẻ hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc, không có thành phần hay hạn sử dụng rõ ràng.
Các loại quà vặt, thực phẩm này đều được bày bán, chế biến ngay lề đường khói bụi, thiếu vệ sinh và nguyên liệu thì không rõ nguồn gốc. Nói riêng về món khoái khẩu của các em học sinh, xúc xích và nem chua được bán rong hầu hết đều không có nguồn gốc rõ ràng.
Dầu dùng để chiên rán thường là dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cho đến khi chuyển màu đen kịt, loại dầu chiên lại này sẽ tạo thành axit béo dạng xấu (trans fat) gây khó tiêu, đầy bụng. Không chỉ thế, tương ớt dùng để chấm cùng với những món chiên rán này đều là loại tương ớt không tên được đựng trong chiếc can nhựa mà trên miệng can còn dây rớt mốc bẩn. Không chỉ có các xe di động, các quầy bán hàng tạp hóa gần trường cũng bán nhiều loại đồ chơi, đồ ăn, uống…
Điểm chung của các mặt hàng này là giá rất rẻ: Nước ngọt, bánh tráng, bánh kẹo được bày bán ngập tràn. Thậm chí, những loại như thịt bò khô cũng có giá chỉ 3 đến 5.000 đồng. Chị Thiên Nga phụ huynh tại Trường THCS Nghĩa Tân (TP Hà Nội) cho biết: "Tôi thường xuyên đưa đón con hằng ngày nên tôi biết các cháu học sinh rất thích ăn quà vặt trước cổng trường. Khi hỏi con, tôi mới biết các cháu được bố mẹ cho tiền ăn sáng thường để dành mua quà ăn chung với nhau cho vui. Đôi khi có một số người bán còn tìm cách chuyển đồ qua hàng rào để bán cho các cháu trong giờ ra chơi".
Chị Thanh Hiền, phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) chia sẻ: "Vẫn biết các mặt hàng đó không có xuất xứ rõ ràng nhưng rất khó cấm được con mình. Mỗi khi bạn bè mua là cháu lại khóc đòi ăn nên tôi cũng đành chiều theo ý cháu, thôi thì… ăn một vài miếng chắc cũng chẳng sao cả"!
Mỡ bóng nhẫy dính cả vào tay tôi khi cầm túi sườn bò sấy khô có màu đỏ sẫm, thấy tôi có vẻ nghi ngại về chất lượng sản phẩm, chủ cửa hàng gần Trường THCS Láng Thượng nói: "Chú yên tâm đi, thịt bò này rất thơm ngon, học sinh nào cũng thích ăn. Tôi bán rất chạy, cứ một tuần lại nhập hàng mới một lần nên không sợ hết hạn đâu, chú ăn thử mà xem". Tôi từ chối khéo với lý do nhiều mỡ quá!
Nguy cơ tiềm ẩn
Cô Diệu Thúy, giáo viên Trường THCS N.T than phiền với chúng tôi là thường xuyên khuyên học sinh của mình không ăn uống đồ không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều em vẫn lén ra ngoài mua.
Theo cô Thúy, muốn giải quyết triệt để vấn đề học sinh ăn quà vặt tại cổng trường thì rất cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường có những biện pháp thiết thực đối với con em mình trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn, những trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Hiện nay, việc kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng hiện mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Việc kiểm tra ở trường học thường chỉ tập trung vào bếp ăn, căng-tin, những địa điểm nằm trong khuôn khổ của nhà trường. Vậy nên, các quán ăn, xe hàng di động, gánh hàng rong trước cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để.
Vì vậy cùng với gia đình, nhà trường nên tuyên truyền và giáo dục ý thức cho học sinh về thực phẩm bẩn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đồng thời phối hợp với địa phương để kiểm tra các địa điểm kinh doanh ngay ngoài cổng trường.