Gia đình xã hội

Xây dựng quy định để từ chức trở thành văn hóa

08:38, 09/11/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
“Từ chức" là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trên truyền thông và ngay cả tại nghị trường trong những kỳ họp Quốc hội gần đây. Đáng chú ý, trong phiên chất vấn tại nghị trường kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, vấn đề từ chức một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Từ chức được hiểu xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Và như vậy, từ chức chỉ có thể xảy ra ở những người có chức, có quyền.
 
Từ chức khi không còn đủ uy tín là một việc làm tự nguyện, tự giác khi thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, hay nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ thì họ sẽ từ chức. Đây là thái độ trung thực với chính mình, là biểu hiện của sự tự trọng.
 
Thời gian gần đây, vấn đề này đã được nhắc lại liên tục. Tại phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, liên quan đến việc “chủ động từ chức khi không còn uy tín”, sẽ được thực hiện ra sao?
 
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, từ chức là vấn đề mới và rất rộng, không chỉ trong Chính phủ, mà còn ở trong cơ quan Đảng, Quốc hội. Sau Nghị quyết Trung ương 8, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể thể hóa vấn đề từ chức ở các văn bản quy phạm pháp luật. Trong Luật Cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm.
 
Pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức. Do đó, sau khi có Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII, có quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì Chính phủ sẽ cụ thể hóa quy định của Đảng trong những văn bản quy phạm pháp luật. Từ chức không chỉ trong cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, hệ thống chính trị, đoàn thể chính trị - xã hội.
 
Quả thật, vấn đề từ chức hay nói rộng ra là "có lên có xuống, có vào có ra" là phần việc rất bình thường trong công tác cán bộ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, vấn đề này cũng có nhưng khách quan thì số cán bộ có tự trọng, đạo đức chủ động xin từ chức khi thấy mình làm không tốt chưa nhiều. Đặc biệt, vấn đề này càng không thể có đối với những người chạy chức, chạy quyền... Có người năng lực, trình độ yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí “dính chàm” còn chạy tội, chạy thành tích để tiếp tục “bám trụ”, “giữ ghế”... Tình trạng nói trên đã gây ra nhiều tiêu cực, hệ lụy trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác cán bộ…. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, làm mất niềm tin trong nhân dân.
 
Chính vì thế, Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.
 
Điều đáng nói, vấn đề "có lên có xuống, có vào có ra" không phải đến hội nghị này mới được Trung ương đề cập. Từ năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đã chỉ ra yêu cầu cần kíp: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”. Thế nhưng, suốt hai thập niên qua, chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này.
 
Có thể nói, để vấn đề "từ chức" trở thành tự nhiên, bình thường, ngoài việc nêu cao tinh thần gương mẫu, dám tự nguyện từ chức của cán bộ lãnh đạo cần có những quy định mang tính pháp lý để bắt buộc những người không tự giác vẫn phải từ chức. Mới đây, khi chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con trạch”. Ngay từ quy hoạch ban đầu sẽ lựa chọn được những “hòn sỏi” đẹp, loại bỏ những “hòn sỏi” mục ruỗng. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng…
 
Chúng ta tin tưởng rằng, Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" cùng với việc chuẩn bị, quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, cộng với quy định về từ chức, tới đây, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể thể hóa vấn đề này ở các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Đây sẽ là cơ sở pháp lý mở toang "cánh cửa" mà lâu nay "then khóa" vẫn bị cài trong công tác cán bộ.

Nguồn: Thu Hà/Dangcongsan.vn

Các tin khác