Gia đình xã hội
Giới trẻ dễ sa vào ma túy khi quá cô đơn
16:11, 05/11/2018 (GMT+7)
Phần lớn những thanh thiếu niên sử dụng ma túy bị bạn bè lôi kéo, đó chỉ là bề nổi. Lý do sâu hơn là những khủng hoảng từ trong gia đình…
Chị Nguyễn Thùy Linh, quản lý chương trình Trẻ em và thanh niên của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) là một trong những người thực hiện cuộc khảo sát đối với 600 thanh thiếu niên sử dụng ma túy ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM để phục vụ cho một dự án. Bên ngoài cuộc hội thảo cung cấp thông tin báo chí chủ đề “Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên - Thấu hiểu và hỗ trợ” do SCDI tổ chức, chị Thùy Linh đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM một câu chuyện đặc biệt nhưng điển hình về một bạn trẻ đến với ma túy từ năm 15 tuổi.
“Không có ai giúp em vui trừ ma túy”
Bạn trẻ đó tên là A., sống ở Hà Nội. Khi trò chuyện với chị Thùy Linh, A. cho biết: “Bạn bè rủ em chơi heroin, nói chơi cái này phê lắm. Nhưng em chơi chẳng phải vì bạn bè đâu. Gia đình làm em mệt mỏi quá rồi, buồn quá rồi”.
Cha mẹ A. ly hôn khi A. đang học THCS. A. vẫn đang buồn chán thì mẹ A. đi thêm bước nữa. A. sống cùng mẹ và cha dượng. A. luôn có cảm giác cô đơn, thừa thãi. A. đi đâu, làm gì cũng không ai quan tâm. Nhưng về nhà A. hay bị mẹ rầy mắng, dượng cằn nhằn. Cuộc sống của mẹ và dượng cũng không mấy suôn sẻ. Trong một lần chứng kiến mẹ và dượng cãi nhau, A. “dạt vòm” với đám bạn và được rủ hít heroin. A. nhận lời.
Sau lần phê ma túy đó, A. thích gặp bạn hơn về nhà. Đến khi mẹ phát hiện, A. bị la mắng một trận tơi bời. Quá buồn chán, cậu quyết định… bỏ học luôn. Để có tiền chơi ma túy, A. đi làm thuê kiếm tiền và… ăn trộm vặt ngoài chợ. Cuộc đời A. cứ thế trôi đi ngoài chợ đời. Năm nay A. đã 23 tuổi.
Chị Thùy Linh cho biết: “A. không phải là bạn trẻ duy nhất tìm đến ma túy bởi buồn chán chuyện gia đình. Thực ra đây mới là nguyên nhân sâu xa nhất. Có nhiều cha mẹ không nhận ra nhu cầu được yêu thương, được lắng nghe, thấu hiểu của các em. Họ nói tôi cho con tôi không thiếu thứ gì. Khi phát hiện ra con em sử dụng ma túy, họ ngay lập tức trách mắng, trừng phạt, thất vọng. Điều này càng làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Càng buồn bã, ức chế, các bạn trẻ càng dễ quay lại với ma túy. Thực ra không phải ai thử sử dụng ma túy cũng bị nghiện. Nếu được giúp đỡ sớm, các bạn hoàn toàn có thể đoạn tuyệt với ma túy sớm”.
ThS-BS Nguyễn Sang Chí Trung (thứ hai từ trái qua) chia sẻ kiến thức về các loại ma túy tại hội thảo. Chị Thùy Linh (thứ ba từ trái qua) và anh Hoàng (bìa phải) chia sẻ cách tiếp cận, giúp đỡ không kỳ thị người sử dụng ma túy |
Yêu thương nhiều hơn và không kỳ thị
Anh Thành, một người từng chơi tất cả các loại ma túy và nghiện, sau khi cai thành công, anh hoạt động trong một dự án cộng đồng giúp đỡ người sau cai. Anh cho biết vừa qua anh tiếp nhận và hỗ trợ một người nghiện ma túy đá 22 tuổi. Anh đưa người này về quê, dắt đi câu cá. Nửa tháng sống ở quê, người này đã bình tâm, tinh thần vui vẻ thư thái, anh đã dứt khỏi ma túy mà không cần can thiệp thuốc. Anh Thành nói: “Tôi không phải bác sĩ chuyên gia, tôi không có phác đồ nào hết. Tôi chỉ thấy nếu họ được giúp đỡ, tin tưởng, không bị kỳ thị thì họ có thể cai. Tôi hay đề nghị và tư vấn cho các phường mở ra những nhà vui chơi cộng đồng cho người sau cai. Ở phường 8, quận Tân Bình có nhà Hướng Dương cho người sau cai đến vui chơi rất lành mạnh, rất tốt. Rất cần những không gian như vậy”.
Anh Thuận đến từ một tổ chức cộng đồng khác cho biết nhiều người sử dụng lao động khi biết nhân viên của mình sử dụng ma túy là cho nghỉ việc ngay, dù có thể là người lao động đang cai nghiện. Bị đối xử bất bình đẳng và kỳ thị, nhiều người càng chán nản và quay lại ma túy. “Càng kỳ thị, tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn mà thôi”.
Những hiểu lầm phổ biến về ma túy
Theo Ths.BS Nguyễn Sang Chí Trung, chỉ có những chất bị cấm mua bán sử dụng mới là ma túy. Theo lý thuyết y học, những chất có khả năng gây nghiện, làm biến đổi tâm thần như rượu, thuốc lá, trà, cà phê, đường, chất béo đều có thể là ma túy. Trà sữa cũng có thể gây nghiện như các loại ma túy khác.
Chỉ khi nghiện mới có tác hại. Có những chất ma túy khi thử sử dụng là đã gây hại, dù chưa gây nghiện.
Nghiện hành vi có tác động như ma túy chỉ bao gồm nghiện bài bạc-cá độ.Thực ra có rất nhiều chứng nghiện hành vi khác nhau như nghiện công việc, nghiện shopping, chỉ là người mắc không biết đó là nghiện. Chứng nghiện nào cũng gây hại cho sức khỏe cả.
Theo báo cáo của SCDI, gần 60% người sử dụng ma túy tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh, hơn 40% trong số các bạn trẻ thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử. Kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy.
Nguồn: Tiengchuong.vn