Gia đình xã hội

Làm gì để ngăn ngừa tình trạng trẻ hóa người phạm tội?

09:41, 02/11/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Sát hại bạn gái rồi phân xác phi tang, giết người thân chỉ để cướp vài trăm nghìn đồng chơi game... những vụ án rúng động tưởng như chỉ có trên phim nhưng lại đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Đáng ngại hơn, hung thủ của những vụ án chấn động đó lại là những đứa trẻ mới 13 - 15 tuổi.
 
Kể từ sau vụ sát thủ dưới 18 tuổi Lê Văn Luyện (Bắc Giang) gây ra vụ cướp, giết hại gia đình chủ tiệm vàng ở phố Sàn (Tân Yên, Bắc Giang) khiến dư luận chấn động, đã xuất hiện thêm nhiều vụ án phạm tội kinh hoàng khác, mà hung thủ chính là những người dưới 18 tuổi.
 
Mới đây, công an TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) vừa triệt phá một vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn phường 6. Khi tên đạo chích bị bắt, nhiều người trong đó có cả lực lượng trinh sát dày dạn kinh nghiệm không khỏi bất ngờ. Bởi kẻ gây ra 25 vụ trộm cắp trên địa bàn khiến bà con xôn xao, lo lắng lại chính là 2 đứa bé. Một đứa mới 9 tuổi, đứa còn lại chỉ mới 7 tuổi.
Người phạm tội đang có xu hướng trẻ hóa
Người phạm tội đang có xu hướng trẻ hóa
Chỉ vì thiếu tiền chơi game, 2 đứa trẻ này đã cùng nhau thực hiện 25 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn. Sau khi bị bắt giữ, vì quá nhỏ tuổi, 2 đạo chích nhí này đã được gia đình bảo lãnh, đưa về giáo dục, kèm cặp.
 
Cũng ở độ tuổi cắp sách tới trường, nhưng vụ việc mà Hà Văn Nhượng (13 tuổi, học sinh lớp 7) ở xã Mường Kim, Than Uyên (Lai Châu) gây ra khiến dư luận thực sự lo ngại. Ở cái tuổi “như búp trên cành” nhưng Nhượng lại có hai hành vi đặc biệt nghiêm trọng là giết người, hiếp dâm. Khi sự việc được phanh phui, Nhượng bị triệu tập lên để lấy lời khai, nhiều người ngỡ ngàng, bởi không ai nghĩ một đứa bé mới học lớp 7 lại gây ra vụ án rúng động như thế.
 
Tại cơ quan công an, Nhượng khai, vào khoảng 14h chiều 27/10, thiếu niên này đi bẫy chim về thì nhìn thấy cháu Lò Thị T. (14 tuổi, học sinh lớp 9, sống cạnh nhà Nhượng) đi hái rau một mình. Nhượng nảy sinh ý định đồi bại nên đã dùng dao rựa khống chế, thực hiện hành vi giao cấu với nữ sinh cạnh nhà.
 
Sau khi thỏa mãn, Nhượng sợ bé T. về nhà mách người lớn nên nghĩ đến việc sát hại cháu T. để bịt đầu mối. Sau đó, Nhượng dùng dao cứa 2 nhát vào cổ cháu T. rồi bỏ chạy về nhà.
 
Đến chiều, không thấy cháu T. về, gia đình cô bé đi tìm thì phát hiện cháu nằm bất động, cổ có vết đứt nên vội vàng đưa vào bệnh viện để cấp cứu, đồng thời trình báo công an.
 
Sau khi vào cuộc điều tra, công an đã xác định được nhiều nghi vấn xung quanh Hà Văn Nhượng. Cùng thời điểm, cháu T. cũng tỉnh dậy trong viện và ghi tên kẻ đã hãm hại mình ra tờ giấy. Ngay lập tức, công an triệu tập Nhượng lên để đấu tranh làm rõ. Thiếu niên 13 tuổi đã lạnh lùng khai nhận toàn bộ hành vi.
 
Đừng để trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ hóa người phạm tội, tuy nhiên theo cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính đó là việc trẻ em đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
 
Thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) thì tội phạm trong độ tuổi chưa thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng người chưa thành niên gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng tăng.
 
Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đa số có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực. Trong số trẻ chưa thành niên phạm tội thì dưới 14 tuổi chiếm 13%, 14-16 tuổi chiếm 34,7%, 16-18 tuổi chiếm 52%.
 
Kết quả nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện (đa số cha mẹ ly hôn). Trẻ em hiện nay ngày càng bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui trên mạng Internet, sống ích kỷ hơn, thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn, gia đình không thật sự hòa thuận.
 
Lý giải về tình trạng trẻ hóa tội phạm, TS.Chu Văn Đức - Phó trưởng Bộ môn Tâm lý học tội phạm (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng, người chưa thành niên phạm tội thường mang tính bột phát, nghĩa là chịu tác động nhiều của tình huống, hiếm khi có chủ động từ trước. Ý định phạm tội của họ thường xuất hiện rất nhanh và thường thực hiện ngay, nghĩ là làm, không tính toán lợi hại, không cân nhắc hậu quả. Vì vậy, hành vi phạm tội của người vị thành niên rất manh động, khó lường, nguy hiểm.
 
TS. Đức cho rằng, trong công tác phòng ngừa hiện nay, nhiều biện pháp được áp dụng nhưng hiệu quả không cao bởi vì không thường xuyên, không quyết liệt, không nhất quán và thường mang tính phong trào, ít thực chất và quan trọng là phương pháp cũng chưa đúng.
 
“Chúng ta cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất từ gia đình tới xã hội. Trong gia đình, bố mẹ cần quan tâm đến con toàn diện hơn: Không chỉ việc học mà cả những việc khác như vui chơi, giải trí, cả vật chất và tinh thần; bố mẹ cần đề cao các giá trị về sự thật, nói đi đôi với làm, phải thật sự là tấm gương để các con học tập”, TS. Chu Văn Đức nhấn mạnh.
 
Trả lởi câu hỏi người dưới 14 tuổi phạm tội bị xử lý thế nào? Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, mMặc dù hành vi của Hà Văn Nhượng là cố ý, hành vi đó đặc biệt nguy hiểm, là hành vi khách quan của 2 tội là giết người, hiếp dâm. Tuy nhiên, vì Nhượng mới 13 tuổi cho nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi mà mình gây ra. Theo quy định của BLHS 2015, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, căn cứ vào khoản 1, Điều 92, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nhượng sẽ bị áp dụng biện pháp buộc đưa vào trường giáo dưỡng.
 
* Theo Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 40.000 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tính chất vẫn nghiêm trọng, mức độ bạo lực gia tăng. Tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội tăng, tình trạng bạo hành, xâm phạm trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em xảy ra trên nhiều địa phương. Theo thống kê, 1/3 số lượng tội phạm do người chưa thành niên gây ra trong các vụ phạm tội. Hàng năm có khoảng 15.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý, 2.000 người bị đưa vào trường giáo dưỡng và khoảng 1.200 người phải chấp hành án hình sự tại các trại giam.

Nguồn: Tiengchuong.vn

Các tin khác