Gia đình xã hội

Thực hiện Chương trình 90-90-90 và chuyển giao bền vững hướng tới kết thúc đại dịch HIV

Nhiều chuyển biến tích cực

14:52, 15/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với diện tích lớn và dân số đông, Nghệ An phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và y tế cộng đồng, trong đó có đại dịch HIV. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện Chương trình 90-90-90 và chuyển giao bền vững hướng tới kết thúc đại dịch HIV, công tác phòng, chống HIV đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền góp phần quan trọng làm nên những chuyển biến lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Việc đẩy mạnh tuyên truyền góp phần quan trọng làm nên những chuyển biến lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tính đến ngày 30/6/2018, toàn tỉnh đã phát hiện có 9.594 trường hợp nhiễm HIV, hiện còn gần 5.000 người nhiễm HIV còn sống, được quản lý. Là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước được lựa chọn triển khai Chương trình 90-90-90, Nghệ An đã tăng cường nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình 90-90-90, hệ thống mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã được mở rộng và phát triển có chiều sâu. 100% các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã thành lập các phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS, tiếp nhận, điều trị ARV và kết nối khám, chữa bệnh bằng BHYT cho người nhiễm. Cùng với đó, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên môn các tuyến từng bước được nâng cao.

Ngày 24/1/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm có đủ điều kiện để được hưởng 100% BHYT trong khám, chữa bệnh. Theo đó, các hoạt động lưu động về tư vấn, xét nghiệm, điều trị và cấp phát thuốc ARV về tuyến xã… được triển khai hiệu quả. Đến cuối quý II/2018, toàn tỉnh có 82,6% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 79,6% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 92,5% số người đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Cũng trong giai đoạn 2015 - 2018, nhờ có các dự án thuộc Chương trình PEPFAR nên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Các dự án thuộc Chương trình PEPFAR đã hỗ trợ tập huấn, nâng cao chất lượng hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật, vật tư tiêu hao, giúp hoạt động tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao. Đến ngày 30/6/2018, tất cả các huyện, thành, thị đều có dịch vụ tiếp cận, xét nghiệm và điều trị HIV; 7 huyện miền núi có trạm y tế xã cấp thuốc ARV cho gần 500 bệnh nhân. Đồng thời, đã triển khai xét nghiệm và theo dõi tải lượng vi rút thường quy cho gần 100% bệnh nhân; thực hiện việc xét nghiệm khẳng định HIV tại TP Vinh và 5 huyện.

Cùng với đó, 100% cơ sở điều trị đã hoàn thành kiện toàn, ký hợp đồng với BHXH tỉnh và thực hiện thanh toán khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT; 87% bệnh nhân được theo dõi và tư vấn về kế hoạch duy trì điều trị AVR, tham gia BHYT; 92,3% bệnh nhân có thẻ BHYT; 77,8% bệnh nhân có thẻ BHYT sử dụng thẻ BHYT thanh toán cho dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS.

Theo lộ trình thực hiện, các dự án thuộc Chương trình PEPFAR sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay. Theo đó, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn cả về mặt tài chính, quản lý hoạt động và triển khai thực hiện. Vì vậy, ngày 21/9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 617 tiếp nhận kết quả chuyển giao các dự án thuộc Chương trình PEPFAR và giải pháp đảm bảo duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự kiến hàng năm phải chi hơn 40 tỉ đồng cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh (trong đó ngân sách tỉnh bố trí dự kiến gần 7 tỉ đồng/năm).

Thùy Dương

Các tin khác