Gia đình xã hội
Nhức nhối tình trạng tranh chấp đất rừng tại Khe Đá
(Congannghean.vn)-Phần đất rừng nằm trên địa giới hành chính xã Phú Sơn đã được giao cho các công dân của xã này quản lý, sử dụng. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân của xã Nghĩa Hành đã xâm lấn, phát rừng và trồng cây lên phần đất này. Chính quyền 2 xã và các ban, ngành của huyện Tân Kỳ đã nhiều lần vào cuộc nhưng tình trạng xâm lấn vẫn tái diễn.
Khu vực Khe Đá, nơi xảy ra tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất rừng |
Bất lực nhìn người khác canh tác trên đất của mình
Ông Trần Văn Tý trú tại xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ phản ánh: Gia đình ông cùng với một số hộ dân khác được UBND huyện Tân Kỳ giao quản lý, sử dụng diện tích đất rừng sản xuất tại khu vực Khe Đá thuộc địa phận xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn. Phần đất này giáp ranh địa giới hành chính với xã Nghĩa Hành, ngăn cách với xã Phú Sơn bởi dòng sông Con, trước đây do đường sá đi lại chưa thuận tiện nên khu vực rừng này chưa được bà con nhân dân Phú Sơn chú trọng. Sau khi có cầu bắc qua sông Con, nối xã Nghĩa Hành với Phú Sơn, các hộ gia đình được giao đất bắt đầu sử dụng, canh tác trên phần đất được Nhà nước giao.
Cụ thể, gia đình ông Trần Văn Tý đã có đơn xin mở đường vào phần đất của mình, đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở đường và thuê người phát quang, dọn thực bì để trồng keo. Khi công việc đang tiến hành thì khu vực này xảy ra cháy rừng, việc canh tác bị yêu cầu tạm đình chỉ. Trong thời gian này, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Hành đã âm thầm tổ chức lực lượng vào phát rừng, trồng cây keo trên diện tích đất rừng đã được giao cho người dân xã Phú Sơn, bất luận chính quyền đã vào cuộc và từ tháng 3/2018 đến nay đã có 7 lần ra biên bản đình chỉ nhưng sự việc vẫn tái diễn.
Không những không trồng được cây theo kế hoạch, một phần diện tích đất đã được Nhà nước giao sử dụng của gia đình ông Tý, đến nay đã bị người dân xã Nghĩa Hành lấn chiếm để trồng keo. Tương tự, tại khu vực Khe Đá, ngoài hộ ông Trần Văn Tý, có 3 gia đình khác là ông Bùi Văn Hoành, Bùi Văn Hậu và bà Nguyễn Thị Mơ, hiện nay cũng đã bị người dân xã Nghĩa Hành xâm lấn, trồng cây keo lên phần đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.
Trước tình trạng này, UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo các ban, ngành vào cuộc để giải quyết. Ngày 4/5/2017, Ban chỉ đạo 513 của huyện Tân Kỳ ban hành Thông báo số 55 về tuyến địa giới hành chính giữa 2 xã. Trong đó nêu rõ: Phần đất xảy ra tranh chấp, xâm lấn thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn, do đó UBND xã Nghĩa Hành có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân trên địa bàn không được xâm canh, xen lẫn nhau. Xã Nghĩa Hành cũng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân Phú Sơn được canh tác trên phần đất đã được Nhà nước giao quyền sử dụng.
Tuy nhiên, sau khi có thông báo này, tháng 7/2017, bà con xã Phú Sơn vào canh tác sản xuất thì UBND xã Nghĩa Hành đã ra văn bản đình chỉ, sau đó một số người dân xã Nghĩa Hành đã tự ý phát sẻ và xâm lấn trên địa giới hành chính của xã Phú Sơn đã giao cho các hộ dân quản lý, dẫn đến mâu thuẫn, làm ảnh hưởng đến ANTT.
Theo kết luận của UBND huyện Tân Kỳ, phần đất xảy ra tranh chấp thuộc địa giới hành chính của xã Phú Sơn. Cụ thể, theo kết quả đo đạc của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tân Kỳ, khu vực đất đang tranh chấp thuộc các thửa 248, 254, 273, 277, 284, 288 và 292, tờ bản đồ số 2, tiểu khu 859, khoảnh 13, lô số 3, diện tích 21 ha. Vị trí xảy ra tranh chấp thuộc khu vực Khe Đá, xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn (Tân Kỳ), phần đất này đã được UBND huyện Tân Kỳ giao cho tập thể 11 hộ gia đình vào năm 1997 theo Quyết định số 255 ngày 1/10/1997 (ông Nguyễn Bá Hòa, Xóm trưởng xóm Trung Sơn đứng tên). Đến năm 2002, phần đất rừng này đã được UBND huyện Tân Kỳ giao đất thực địa cho 6 hộ dân xóm Trung Sơn (nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ) và từ năm 2007, khu vực này được chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất.
Ông Trần Văn Tý bất lực khi bị người khác xâm lấn, trồng cây trên phần đất đã được Nhà nước giao quản lý, sử dụng |
Chính quyền xã có bao che?
Sự việc bắt đầu rắc rối kể từ năm 2016, khi 2 hộ Đỗ Đức Hợp và Hồ Văn Công, công dân xã Phú Sơn tổ chức phát sẻ để trồng cây tại vùng đất này thì UBND xã Nghĩa Hành yêu cầu không được thực hiện khi cho rằng, phần đất này thuộc địa giới hành chính xã Nghĩa Hành. Sau khi 2 xã làm việc và UBND huyện có Thông báo số 55 về tuyến địa giới hành chính của 2 xã, chính quyền xã Phú Sơn đã cho phép người dân vào khu vực này để canh tác. Có 3 hộ dân là các ông Trần Văn Tý, Đinh Văn Thanh và Hồ Sỹ Linh đã xin mở đường, phát quang để trồng keo. Do nắng nóng dẫn đến xảy ra cháy rừng, cơ quan chức năng đã yêu cầu dừng việc canh tác. Lợi dụng điều này, người dân xóm 1, xã Nghĩa Hành đã vào khu vực này, tổ chức phát quang, trồng cây lên phần đất của một số hộ dân xã Phú Sơn, chính quyền xã này 3 lần lập biên bản đình chỉ nhưng sự việc vẫn tiếp tục tái diễn.
Ngày 11/7/2018, UBND huyện Tân Kỳ ban hành Quyết định 2521/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành giải quyết xâm lấn tại xã Nghĩa Hành với xã Phú Sơn. Quá trình kiểm tra, phía xã Phú Sơn đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan, trong khi đó xã Nghĩa Hành không có hồ sơ liên quan đến vùng đất đang xảy ra tranh chấp này.
Trên cơ sở đó, ngày 7/8/2018, UBND huyện Tân Kỳ có Công văn số 1207 xử lý việc xâm lấn đất nông nghiệp giữa 2 xã Nghĩa Hành và Phú Sơn, nội dung: Trong thời gian huyện đang giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai tại khu vực Khe Đá, đề nghị 2 xã Nghĩa Hành và Phú Sơn chỉ đạo, thông báo người dân 2 xã, trong thời gian Đoàn kiểm tra liên ngành đang làm việc, kiểm tra xác minh, yêu cầu bà con nhân dân không được phát sẻ, trồng rừng tại khu vưc này, tránh để xảy ra tình trạng “điểm nóng”. UBND huyện Tân Kỳ cũng yêu cầu Đoàn kiểm tra liên ngành tham mưu cho huyện để giải quyết dứt điểm việc xâm lấn.
Trong khi người dân xã Phú Sơn nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo nói trên thì vào ngày 7/10 vừa qua, người dân xóm 1, xã Nghĩa Hành lại tiếp tục tổ chức vào phát quang cây trên phần đất đã được giao cho ông Trần Văn Hóa, công dân xã Phú Sơn. Biết tin, ông Hóa đã tìm đến hiện trường và 2 bên xảy ra tranh cãi, suýt dẫn đến ẩu đả. Công an 2 xã đã có mặt kịp thời để lập biên bản sự việc, yêu cầu các hộ dân rời khỏi khu vực tranh chấp để đảm bảo ANTT.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là các hộ dân xóm 1, xã Nghĩa Hành cho rằng, phần đất này đã được giao cho người dân của xã theo Nghị định 02/CP. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy, sổ lâm bạ được giao cho người dân theo Nghị định này gồm các lô 184a, 184b, 259b thuộc Tiểu khu 870 tại Quyết định số 250 ngày 10/10/1995, nay là thửa số 849, tờ bản đồ số 1, diện tích 43,7 ha thuộc địa giới hành chính xã Nghĩa Hành. Phần diện tích này được giao cho 13 hộ gia đình xóm 1, xã Nghĩa Hành, trong sổ mục kê ông Thái Bá Tam đại diện đứng tên. Như vậy, địa giới hành chính đã được phân định rõ ràng, các cấp chính quyền cũng đã nhiều lần đứng ra giải quyết, tuy nhiên, UBND xã Nghĩa Hành vẫn để cho các hộ dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép, gây nên những bất ổn về ANTT tại vùng giáp ranh.
Nguồn tin riêng của chúng tôi được biết, phần đất giáp ranh với vị trí tranh chấp thuộc địa giới hành chính xã Nghĩa Hành hiện nay đã được người dân chuyển nhượng cho một số cán bộ đang công tác tại UBND xã. Vậy, liệu đây có phải là nguyên nhân khiến chính quyền xã Nghĩa Hành đã thiếu quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu bao che, “ngó lơ” để cho công dân xã mình hết lần này đến lượt khác, tổ chức xâm canh vùng đất thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn trong thời gian qua?
Thiện Thành