Gia đình xã hội
Nhân viên Ngân hàng BIDV bị 'tố' chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng
(Congannghean.vn)-Người gửi tiền tiết kiệm cho rằng, lợi dụng khách hàng tuổi cao, lại tin tưởng vào uy tín của ngân hàng nên nhân viên đã tìm cách hợp thức hóa để chiếm đoạt 32 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm. Sự việc xảy ra tại Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Phòng giao dịch BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh, nơi xảy ra sự việc |
Gửi tiết kiệm 48 triệu đồng, đến kỳ hạn còn 16 triệu đồng?
Trong đơn kêu cứu gửi Báo Công an Nghệ An, bà Phạm Thị Lục (68 tuổi) trú tại thôn Thọ Tiến, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết: Gần 10 năm nay, bản thân bà Lục đã tin tưởng chọn PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh để gửi tiền tiết kiệm. Là khách hàng thân thiết và tin tưởng các nhân viên giao dịch tại đây nên mọi hồ sơ, thủ tục đều do nhân viên thực hiện, bà Lục chỉ việc ký vào hồ sơ.
Ngày 10/7/2017, bà Lục đến Chi nhánh ngân hàng này làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm đến hạn AAB 3486082, với số tiền 32.271.400 đồng (trong đó 30 triệu đồng tiền gốc, số còn lại là tiền lãi phát sinh). Bà Lục chỉ nhận về số tiền lãi 271.400 đồng, còn lại 32 triệu đồng bà tiếp tục lập sổ tiết kiệm mới AAB 3511719, cộng với số tiền 16 triệu đồng từ nhà mang theo. Tại đây, chị Trần Thị Thủy, cán bộ làm công tác kho quỹ trực tiếp huy động và chăm sóc khách hàng đã tiếp nhận, sau đó chuyển đề nghị đến giao dịch viên Phạm Thị Tiến để thực hiện các thủ tục nói trên. Điều này thể hiện trong sổ tiết kiệm của bà Lục, trong cùng ngày 10/7/2017, tại dòng thứ 1 có mã giao dịch 3100 có số tiền và số dư là 32 triệu đồng, lãi suất 6,8%/năm, đầy đủ chữ ký của giao dịch viên và kiểm soát viên. Tại dòng thứ 2, với mã giao dịch là 3040, có số tiền là 16 triệu đồng, cùng lãi suất 6,8%/năm, có chữ ký của kiểm soát viên nhưng không có chữ ký của giao dịch viên. Yên tâm với số tiền gửi 48 triệu đồng, bà Lục ra về.
Một thời gian sau, nhân viên của PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh gọi điện cho bà Lục, bảo xuống ký bổ sung hồ sơ. Ngày 9/7/2018, đến kỳ hạn, bà Lục đến ngân hàng rút sổ tiết kiệm thì mới ngã ngửa khi nhân viên cho biết, sổ của bà chỉ có 16 triệu đồng chứ không phải 48 triệu đồng.
“Khi tôi đưa 16 triệu đồng cho chị Trần Thị Thủy để nộp thêm vào sổ mới, chị Thủy đã cất giấu số tiền này, đồng thời lừa tôi ký vào phiếu đề xuất rút tiền để nhận tiếp 16 triệu đồng trong số tiền 32 triệu đồng mà tôi vừa gửi xong, dẫn đến tôi bị mất 32 triệu đồng”, đơn bà Lục trình bày. Theo nguyên tắc, nếu thực hiện giao dịch rút tiền trong sổ tiết kiệm khi mới gửi trong vòng 3 ngày thì phải nộp phí phạt với số tiền 11.000 đồng, nhưng ngày mà phía BIDV Hà Tĩnh cho rằng bà Lục rút 16 triệu đồng tại sổ tiết kiệm vừa lập xong, bà này không hề được phía ngân hàng yêu cầu nộp phí phạt.
Khách hàng bảo có, Ngân hàng nói không
Ngay sau khi phát hiện sự việc, bà Phạm Thị Lục đã khiếu nại đến lãnh đạo Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, cả nhân viên Trần Thị Thủy lẫn lãnh đạo ngân hàng này đều phủ nhận sự việc. Cho rằng, tại thời điểm giao dịch, chính bà Lục đã rút về 16 triệu đồng trong số 32 triệu đồng vừa gửi thêm, ngoài ra không có bất cứ giao dịch tiền gửi nào phát sinh từ phía bà này.
Cụ thể, tại Báo cáo trả lời số 422 ngày 20/8/2018 của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, thì ngày 10/7/2017, bà Lục đã gửi sổ tiết kiệm với số tiền 32 triệu đồng, sau đó rút về 16 triệu đồng. Lý do nhân viên không yêu cầu nộp số tiền phí phạt theo quy định, Ngân hàng này cho rằng, thời điểm đó giao dịch viên đã quên không thu khoản phí. Đến cuối ngày mới nhớ và báo lại cho chăm sóc khách hàng Trần Thị Thủy, chị Thủy vì không muốn làm phiền tới khách hàng vì số phí phải nộp là số tiền nhỏ nên đã chủ động tự nộp thay cho bà Lục. Hóa đơn thu phí này không có chữ ký của bà Lục nên kiểm soát viên đã cho nợ, sau đó chị Thủy mới gọi điện cho bà Lục đến ký bổ sung sau.
“Liên quan đến việc quý khách hàng phản ánh số tiền 16 triệu đồng được mang đến để gửi thêm vào sổ tiết kiệm đến hạn chứ không phải rút về như thể hiện trên chứng từ, Ngân hàng xác định ngày hôm đó không có bất kỳ giao dịch thu tiền nào từ quý khách. Không có hồ sơ chứng từ thể hiện điều đó mà chỉ có giấy yêu cầu rút, phiếu hạch toán và phiếu chi tiền. Việc quý khách nhiều lần khẳng định nhân viên Trần Thị Thủy đã dùng thủ đoạn gian dối, lập hồ sơ, chứng từ giả để chiếm đoạt tài sản theo chúng tôi là không có căn cứ, làm ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả làm việc của cán bộ ngân hàng. Chúng tôi đề nghị quý khách cân nhắc lại sự việc, biết đâu trong cùng một thời điểm quý khách giao dịch tại nhiều ngân hàng, trong khi các ngân hàng đó có dịch vụ gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm đã có nên quý khách nhầm lẫn, nhớ chưa chính xác sự việc”, công văn trả lời của BIDV Hà Tĩnh gửi bà Lục cho biết.
Bà Phạm Thị Lục không đồng ý với ý kiến phản hồi từ BIDV Hà Tĩnh |
Nếu Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh khẳng định nhân viên của họ không chiếm đoạt tiền của khách hàng, tại sao đích thân Giám đốc PGD BIDV Hồng Lĩnh và nhân viên Trần Thị Thủy đã phải trực tiếp đến nhà của bà Phạm Thị Lục để xin lỗi, thậm chí vợ chồng nhân viên này còn nhiều lần tìm đến nhà bà Lục để trao đổi, thương lượng. Ngoài ra, có hay không việc nhân viên Trần Thị Thủy trong quá khứ cũng đã có những lần làm thất thoát tiền gửi như đơn tố cáo của khách hàng? Những vấn đề này đang còn bỏ ngỏ vì không nhận được sự hợp tác từ phía Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh cũng như PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh.
Thiện Thành