Gia đình xã hội
Lá phiếu lòng dân
08:21, 08/10/2018 (GMT+7)
Chỉ 3 tuần nữa, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc. Trong nội dung của kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ dành 1 ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ 3 Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Đây có thể coi như một cuộc "sát hạch" giữa nhiệm kỳ của cử tri mà đại biểu Quốc hội là người đại diện.
Với mục đích nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình, thay mặt nhân dân giám sát người có chức vụ; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc.
Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đồng thời, khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, có một thực tế là, qua người dân, kết quả lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 người vào năm 2013 và 50 người vào năm 2014, các cử tri nói chung chưa thật sự kỳ vọng nhiều vào việc này. Bởi sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, hầu như chẳng có chuyện gì thay đổi, vì vẫn chưa loại bỏ, bãi miễn được bất kỳ một quan chức nào yếu kém về năng lực, đạo đức.
Nó cũng giống như quy định về việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức dường như chỉ làm cho có. Ai khai thế nào thì cứ khai, tất cả trông chờ vào sự "trung thực" của người khai và hầu như chẳng có sự kiểm soát nào.
Do vậy, sau 10 năm thực hiện việc kê khai, các cơ quan chức năng không hề phát hiện được bất cứ một trường hợp nào "tham nhũng". Thực tế cho thấy, các vụ đại án tham nhũng gần đây, phần lớn người phạm tội đều là những cán bộ, công chức nằm trong diện kê khai tài sản và đều có lượng tài sản lên đến cả chục, cả trăm tỷ đồng mà không hề bị phát hiện.
Một chủ trương, chính sách lớn như vậy nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng mà mục đích, kết quả đạt được chẳng là bao.
Việc tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là rất cần thiết nhằm thể hiện sự đánh giá một cách khách quan, trung thực, dân chủ... của Quốc hội đối với các chức danh lãnh đạo, đồng thời tạo điều kiện cho các vị lãnh đạo nhìn nhận lại mình để phấn đấu phục vụ nhân dân tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ làm mang tính hình thức như việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập, thì những vị lãnh đạo có phiếu tín nhiệm thấp đồng nghĩa với việc không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn tiếp tục tại vị, bình an thì sẽ là phản tác dụng.
Một thực tế buồn trong thời gian qua là sau nhiều vụ việc được cơ quan thanh tra, kiểm tra kết luận sai phạm ở mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nhưng chưa thấy người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương nào xin từ chức như ở các nước tiên tiến người ta đã làm! Phải chăng lòng tự trọng là một thứ "của hiếm" ở nước ta?
Muốn nội dung thay đổi thì cần phải thay đổi hình thức, người dân mong rằng cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này, Quốc hội chỉ nên đưa ra 2 loại: Tín nhiệm và không tín nhiệm. Bởi vì, sự vật, hiện tượng nào cũng chỉ có hai mặt mà thôi! Chứ nếu vẫn theo lối cũ "Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp", thì mức tín nhiệm nào cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai.
Trong mỗi một nhiệm kỳ, nếu vị tư lệnh ngành, người đứng đầu cơ quan, địa phương có thời gian lãnh đạo, chỉ đạo được nửa nhiệm kỳ mà ở đó vẫn trì trệ, lẹt đẹt, không sửa chữa, khắc phục được những yếu kém của nhiệm kỳ trước thì dứt khoát phải bị thay thế bởi những người có đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh chính trị, đủ tinh thần chiến đấu cao, đủ lòng tự trọng để nhận về mình những trách nhiệm cụ thể khi để các vụ việc xấu, tiêu cực xảy ra tại nơi mình phụ trách. Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu trong việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Một nền quản trị xã hội trong sạch, vững mạnh dứt khoát không có chỗ cho những "mắt xích" tiềm ẩn những nguy cơ "hỏng hóc", tha hóa, biến chất...
Xin hãy làm một cuộc điều tra xã hội học, thử bỏ phiếu tín nhiệm những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có nhiều vụ tiêu cực "nổi cộm", thử xem các vị ấy còn được cán bộ, đảng viên bình thường và nhân dân tín nhiệm mấy phần trăm?
Thực tế đã chỉ ra cho chúng ta thấy: Quốc gia nào mà quan chức có lòng tự trọng cao, dám mạnh dạn từ chức khi không làm tốt nhiệm vụ, thì quốc gia đó luôn phát triển lớn mạnh, phồn vinh.
Nguồn: Cù Tất Dũng/CAND