Gia đình xã hội

Hơn 23.000 trẻ nhập viện bởi bệnh tay - chân - miệng

09:46, 30/09/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Cùng với dịch sởi đang có dấu hiệu gia tăng, dịch tay –chân – miệng cũng có diễn biến phức tạp với số trẻ mắc và nhập viện tăng cao với 6 trẻ từ vong. Điều này đặt ra khả năng dịch chồng dịch ở trẻ nhỏ nếu các địa phương không thật sự quan tâm phòng, chống các bệnh này.
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, đã có khoảng 50.000 ca mắc tay –chân –miệng ở cả 63 tỉnh thành, trong đó có 23.344 trường hợp nhập viện. 
 
Riêng tuần trước đã có gần 5.000 trẻ mắc tay –chân –miệng, tăng hơn 30% cả về số mắc lẫn số nhập viện. Tại một số bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đã bị quá tải, khiến bệnh nhân điều trị trẻ phải nằm ghép. Các địa bàn có trẻ tử vong là Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, trong đó Tây Ninh chiếm 2 ca.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, chỉ riêng các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3.200 ca mắc tay – chân – miệng, cùng với 15.500 ca điều trị ngoại trú. Các ca bệnh tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 với hơn 200 ca nhập viện mỗi tuần, có tuần gần 300 ca bệnh. 
 
Đồng Nai đã có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay – chân – miệng, có nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Bình Dương số ca mắc tay – chân – miệng cũng đang tăng gấp đôi so với tháng trước. 
 
Tại Khánh Hòa, số ca mắc tay –chân –miệng không chỉ tăng gấp đôi so với tháng 8 mà còn có nhiều trẻ đều ở thể nặng và là các bệnh nhi dưới 6 tuổi. 
 
Báo cáo của địa phương này cho hay, chưa khi nào bệnh nhân nhập viện đã ở tình trạng nặng nhiều như những tuần qua, trong đó nhiều trường hợp diễn tiến quá nhanh, phải chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh để  điều trị.
Vụ dịch năm nay, nhiều trẻ bị tay – chân – miệng đều ở mức độ nặng.
Vụ dịch năm nay, nhiều trẻ bị tay – chân – miệng đều ở mức độ nặng.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hầu hết các trẻ mắc tay – chân – miệng đều nhiễm chủng EV 71 là chủng nguy hiểm nhất của bệnh này. Thông qua hệ thống giám sát, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nhận thấy có sự quay trở lại của nhóm gen C4. 
 
Năm 2011, nhóm gen C4 của chủng virus EV 71 đã bùng phát thành dịch, gây nên hơn 100 ca tử vong. Từ năm 2012 tới năm 2016, nhóm gen C4 giảm dần, nhóm gen B5 chiếm ưu thế. Nhưng từ năm 2017 tới nay, nhóm gien C4 lại bắt đầu tăng dần. 
 
Nhóm gen C4 làm bệnh nhân bị nặng hơn các chủng khác, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Sự dịch chuyển nhóm gen khiến những người chưa có miễn dịch dễ bị mắc bệnh hơn.
 
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh) từ đầu tháng 9 đến nay, số ca tay - chân - miệng vào điều trị tăng cao dẫn đến các bệnh nhi phải nằm ghép vì quá tải. 
 
Ngoài một cháu đã tử vong, còn 10 bệnh nhi phải thở máy, trong đó có cháu mới có vài tháng tuổi. Với diễn biến hiện nay, dự báo số trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
 
Việc điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, hơn 50% ca nhập viện do nhiễm chủng virus EV 71. Theo bác sĩ Khanh, đã có rất nhiều bệnh nhi bị biến chứng do virus EV71, là loại virus lây lan nhanh, gây sốt cao và nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp có thể dẫn tới tử vong. Phác đồ điều trị virus EV71 đã có từ lâu. 
 
Song năm nay, với sự quay lại của nhiều ca mắc phải virus EV71, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình để có thể phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.
 
Theo các bác sĩ của các bệnh viện đang có đông bệnh nhân tay –chân –miệng, đợt dịch tay –chân –miệng lần này có số lượng ca bệnh tăng nhanh và số trẻ bị nặng cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này không phải do cha mẹ không biết cách chăm sóc trẻ, hay trẻ được đưa đến viện muộn, mà do bệnh tự diễn biến nặng.
 
Tại miền Bắc, số ca bệnh tay –chân –miệng cũng tăng ở nhiều địa phương. Như nhiều tỉnh khác, các bé nhập viện cũng đều ở tình trạng khá nặng là đã sốt ly bì trên 38,5 độ, nôn, khó ngủ, quấy khóc, nổi mụn nước đỏ ở chân, tay, miệng. Nếu không nhập viện điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ co giật, sốc, viêm não, ngừng tim bất cứ lúc nào.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo các phụ huynh là khi trẻ bị tay – chân – miệng, không nhất thiết phải đưa trẻ nhập viện, mà vẫn có thể chăm sóc tại nhà, nếu trẻ bị bệnh nhẹ. Điều này tránh cho trẻ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. 
 
Khi chăm sóc trẻ tại nhà, các phụ huynh lưu ý việc dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao và thuốc sát khuẩn ngoài da bôi lên các nốt phổng để tránh bội nhiễm; vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn và cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, bù nước khi trẻ bị sốt. 
 
Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường như sốt cao 2 ngày không dứt và nôn, nốt phỏng nhiều, chân tay lạnh, giật mình liên tục … thì phải nhanh chóng đưa trẻ nhập viện ngay.
 
Bênh tay –chân –miệng lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi mầm non, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. 
 
Các bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phải luôn đảm bảo rửa tay đúng cách cho trẻ nhỏ: Rửa tay trước khi ăn, sau khi từ lớp học trở về. Khi trẻ mắc bệnh phải cho trẻ nghỉ học để cách ly, tránh lây bệnh cho trẻ khác, đồng thời báo với giáo viên để vệ sinh lớp học.

Nguồn: Thanh Hằng/CAND

Các tin khác