Gia đình xã hội
Không tăng biên chế Công an và sử dụng, đãi ngộ hợp lý lực lượng hiện hành
10:30, 28/09/2018 (GMT+7)
Việc tăng cường Công an chính quy cho Công an xã dựa trên lực lượng hiện có, không làm tăng thêm biên chế. Đồng thời, có chế độ sử dụng, đãi ngộ hợp lý lực lượng Công an xã và các lực lượng khác như bảo vệ dân phố, dân phòng…
Căn cứ pháp lý và thực tiễn
Công an xã là một trong những công cụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước ở xã, thị trấn để đảm bảo ANTT, an toàn xã hội; được hình thành và hoạt động liên tục ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Sự ra đời, phát triển của lực lượng Công an xã gắn liền với quá trình xây dựng, củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, đảm bảo ANTT ở cơ sở. Từ năm 1989, Bộ Công an đã có chủ trương tăng cường Công an chính quy xuống làm Công an xã cho các địa phương.
Ngày 12-10-1989, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có Quyết định số 137 về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Công an xã. Về tổ chức, trong số Phó Trưởng Công an xã có 1 Phó trưởng Công an xã thường trực là cán bộ Công an chính quy. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành quy định về một số chế độ, chính sách đối với Công an xã như: phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng, chính sách thương binh, liệt sĩ, chế độ hưởng khi tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật...
Công an chính quy đến tận thôn bản vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn ANTT. |
Ngày 2-11-1991, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có Quyết định số 1360 điều chỉnh tổ chức, biên chế Công an huyện và điều chỉnh nhiệm vụ Công an xã, trong đó có quy định: Chỉ đưa cán bộ Công an huyện về làm Trưởng hoặc Phó trưởng Công an xã ở những xã trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Ngày 9-11-1991, Tổng cục XDLL CAND đã có công văn hướng dẫn, trong đó có quy định ngoài những xã nêu trên, các xã miền núi, vùng cao, hải đảo tiếp tục bố trí cán bộ Công an huyện là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an xã thường trực. Những xã trọng điểm về ANTT có thể bố trí từ 2 đến 3 cán bộ để cùng Ban Công an xã giải quyết tình hình ANTT, xây dựng phong trào. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của lãnh đạo Bộ Công an giúp lực lượng Công an nắm chắc, bám sát, đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở tốt hơn.
Việc chính quy hóa lực lượng Công an xã xuất phát từ những căn cứ pháp lý - thực tiễn. Việc chính quy hóa lực lượng Công an xã để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn ANTT tại địa bàn cơ sở được thuận lợi (thực hiện theo Luật CAND), vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013. Luật CAND hiện hành cũng khẳng định CAND là lực lượng vũ trang nhân dân với cơ cấu gồm lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng lực lượng Công an xã chính quy để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của Công an xã tương xứng với vị trí của Công an xã. Bộ Chính trị đã đồng ý với đề xuất của Đảng ủy Công an Trung ương về chủ trương nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó có nội dung xây dựng lực lượng Công an xã chính quy.
Từ khi bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, công tác nắm tình hình tại địa bàn cơ sở được tăng cường; hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT tại địa bàn xã được nâng cao rõ rệt. Thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT ở cơ sở. Công an xã từng bước được củng cố vững mạnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã được nâng lên.
Các vấn đề phức tạp cơ bản được giải quyết kịp thời từ cơ sở, tình hình ANTT ở cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét, tích cực. Qua tổng kết 7 năm công tác Công an thực hiện Pháp lệnh Công an xã, hiện có 38/63 Công an địa phương đã bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở 828 xã, chiếm 21,5% tổng số xã được công nhận là xã trọng điểm, phức tạp về ANTT và 8,5% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc (trong đó 747 xã đã được Bộ công nhận là xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, có 81 xã chưa được công nhận) với tổng số 1.290 CBCS trong đó có 693 Trưởng Công an xã, 367 Phó Trưởng Công an xã và 230 Công an viên.
Cán bộ Công an chính quy được điều động đảm nhiệm các chức danh Công an xã thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo đúng chức danh được giao theo quy định tại Pháp lệnh Công an xã và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm công tác.
Do đó, việc nắm, tổ chức, triển khai các chủ trương của Công an cấp trên về công tác đảm bảo ANTT ở xã; tổ chức triển khai các kế hoạch, các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm đạt hiệu quả cao hơn; đảm bảo đúng pháp luật, quy định của Bộ Công an.
Việc đưa Công an chính quy xuống làm Trưởng, Phó Công an xã, Công an viên đảm bảo tính tương đối ổn định của Công an xã và có lực lượng thường trực chiến đấu ở xã; khắc phục được những tồn tại, yếu kém của việc bố trí Công an xã bán chuyên trách như: lực lượng thường biến động, thiếu kinh nghiệm, trình độ năng lực còn hạn chế. Mặt khác, thông qua việc cùng cán bộ Công an chính quy trực tiếp thực hiện các biện pháp công tác và giải quyết tình hình, cán bộ Công an xã bán chuyên trách cũng học hỏi, rút được nhiều kinh nghiệm, nắm bắt các quy trình giải quyết công việc đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Không tăng biên chế; công tác đối với Công an xã hiện tại được đảm bảo
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội, tổ chức bộ máy Công an xã sẽ được bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn. Hiện nay, số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy là 1.065; số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516.
Như vậy, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn.
Một số ý kiến băn khoăn: Khi đưa Công an chính quy về xã thì lực lượng bán chuyên trách hiện nay đi đâu, còn sử dụng không, đồng thời các đội dân phòng, dân phố, tự quản sẽ hoạt động thế nào? Bộ Công an cho biết, đối với các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở: Hiện nay, ở địa bàn cơ sở (xã, phường, thị trấn) ngoài lực lượng Công an phường, Công an thị trấn, Công an xã còn có nhiều mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, như: đội dân phòng, tổ hòa giải, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp...
Khi bố trí Công an xã là Công an chính quy sẽ tiếp tục huy động lực lượng Công an viên hiện nay và các tổ chức này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, ấp, bản, làng... Theo đó, lực lượng Công an viên hiện nay ở xã và lực lượng bảo vệ dân phố ở phường sẽ là lực lượng chủ yếu hỗ trợ Công an phường, Công an xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng chưa có một quy định thống nhất. Vì vậy, để huy động bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách hiện nay và các tổ chức quần chúng khác tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về tổ chức và hoạt động của các lực lượng này (có thể đề xuất Quốc hội cho xây dựng dự án Luật lực lượng trị an cơ sở).
Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Công an xã, như: Luật Công an nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, thay thế Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự cho phù hợp; xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng bán chuyên trách và tổ chức quần chúng tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở (địa bàn cấp xã).
Trao đổi với báo chí về dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định theo hướng Công an xã là lực lượng chính quy thay vì bán chuyên trách như lâu nay và Bộ Công an sẽ điều 25.000 Công an chính quy về xã, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Đưa lực lượng Công an chính quy về hoạt động ở cấp xã nhưng không xin thêm một suất biên chế nào mà chỉ điều chỉnh trong ngành. Tất cả vẫn theo tinh thần Bộ tinh gọn, tỉnh, huyện cũng phải gọn. Trước đây huyện có Đội Công an phụ trách xã. Bây giờ huyện về xã nên không cần đội phụ trách xã thuộc Công an huyện.
Theo Bộ Công an, bố trí Công an xã chính quy thì khi đó đồng chí Trưởng Công an xã (có tiêu chuẩn cán bộ tương đương Trưởng Công an phường), nếu được cơ cấu tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã (tương tự như Trưởng Công an phường cơ cấu vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường) sẽ bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Công an xã, đồng thời, vị trí, vai trò của Công an xã được nâng lên (hiện Trưởng Công an xã là công chức cấp xã chỉ được cơ cấu tham gia Ban Chấp hành).
Nguồn: CAND