Gia đình xã hội
Bất an vì thủy điện
08:41, 04/08/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những ngày vừa qua, khi Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ chính thức xả lũ, người dân thượng nguồn nháo nhào chạy khỏi vùng ảnh hưởng để bảo vệ tính mạng và tài sản thì người dân vùng hạ du cũng hoang mang, lo lắng tìm mọi cách để đối phó. Thực tế cho thấy, không phải đến bây giờ, người dân mới bất an vì các dự án nhà máy thủy điện.
Khổ vì sống cạnh các dự án thủy điện
Từ ngày 30/7, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ chính thức xả lũ với lưu lượng khoảng 600 m3/s để giữ an toàn cho công trình và chủ động khi lũ về nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Trước thời điểm xả lũ, tại huyện Tương Dương vẫn còn 34 hộ dân với gần 300 nhân khẩu của xã Lượng Minh sinh sống trong vùng nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp đến định cư tại nơi ở mới.
Dự án Thủy điện Bản Vẽ xả lũ từ ngày 30/7 |
Thông báo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An gửi tỉnh Hà Tĩnh và các huyện vùng hạ du của tỉnh Nghệ An, khuyến cáo các đơn vị liên quan thông báo đến chính quyền các cấp, người dân và các tổ chức đang hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy hải sản; các bến đò… biết được thông tin xả lũ để phòng tránh, đảm bảo an toàn. Đồng thời, rà soát phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.
Sau khi thông báo xả lũ được phát đi, ngay trong tối 29 và sáng 30/7, UBND huyện Tương Dương và xã Lượng Minh đã phải sơ tán, di chuyển các hộ dân trên địa bàn ảnh hưởng đến nơi an toàn. Hàng chục hộ dân sinh sống ven sông ở vùng hạ du cũng đã vội vã di chuyển đồ đạc, tài sản, thậm chí tháo dỡ cả nhà cửa để sơ tán đến nơi ở mới an toàn hơn, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cũng không phải đến mùa mưa lũ, người dân sống quanh các lòng hồ thủy điện mới bất an, mà cứ đến khi nhà máy tích nước, người dân sống quanh vùng lại chịu ảnh hưởng nặng nề. Điển hình, tháng 2/2017, công trình Thủy điện Bản Ang trên địa bàn huyện Tương Dương tích nước đã khiến Taluy dương QL7A phần tiếp giáp với hồ thủy điện bị sạt lở, nước dâng cao làm ngập hoàn toàn thượng, hạ lưu cống, dẫn đến nguy cơ đứt đường vào mùa mưa lũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Ngày 10/10/2017, Thủy điện Châu Thắng trên địa bàn huyện Quỳ Châu xả lũ đã làm ngập 18 ngôi nhà ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Không những thế, từ khi đi vào hoạt động đến nay, dọc bờ sông Hiếu khoảng 30 ha diện tích đất sản xuất và đất thổ cư bị sạt lở, cuốn trôi, thậm chí có những đoạn bờ sông bị sạt lở sâu trên 15 m. Trước đó, vào tháng 5/2016, Nhà máy Thủy điện Chi Khê tại huyện Con Cuông tích nước khiến hơn 8,6 ha lúa, hoa màu tại xã Cam Lâm bị thiệt hại và 1 cụ bà bị chết đuối.
Bất an và bất cập
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm này có 32 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất 1.356,9MW. Trong số này, có 12 dự án đã phát điện với tổng công suất 739,5MW, sản lượng điện phát lên lưới điện Quốc gia 2,2 tỉ kWh/năm và 11 dự án đang triển khai xây dựng, theo cam kết của các nhà đầu tư sẽ được đưa vào vận hành khai thác trong những năm từ 2017 - 2020, với tổng công suất lắp máy 219,4MW.
Trong đó, huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án, Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 2 dự án. Đặc biệt, trên 1 km dòng sông Nậm Mộ đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Không thể phủ nhận các dự án thủy điện này đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, việc có quá nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng đã kéo theo không ít hệ lụy đối với người dân, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: “Dự án thủy điện ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, làm ngập rừng, ngập đất sản xuất, khi di dân tái định cư thì lại mất thêm rừng để xây nhà, giao đất sản xuất cho dân. Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiều đại biểu đã chất vấn và kiến nghị về những bất cập khi tỉnh Nghệ An tiếp nhận đầu từ hàng loạt dự án thủy điện trong những năm qua, gây ra nhiều hệ lụy đến nay chưa thể giải quyết.
Trong đó, theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay tại 3 dự án thủy điện lớn nhất tỉnh là Bản Vẽ, Hủa Na và Khe Bố, có đến 25 tồn tại vướng mắc chưa được giải quyết. Những tồn đọng chủ yếu vẫn là giải quyết các chế độ, chính sách; thiếu đất sản xuất tại nơi tái định cư; bất cập cơ sở hạ tầng tại các nơi ở mới; thậm chí tại một số nhà máy thủy điện, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri có ý kiến đề nghị không phát triển thêm thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. “Vấn đề tái định cư thực hiện còn dở dang, đời sống người dân còn khó khăn, đất đai và nước sạch còn thiếu, hạ tầng bất cập, chính sách đền bù, hỗ trợ còn thiếu… là những tồn tại có thật. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tích cực giám sát, kiểm tra các hoạt động như xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, tránh hệ lụy. Đồng thời thực hiện nghiêm quy tắc vận hành an toàn hồ chứa”, người đứng đầu HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị.
THIỆN THÀNH