Gia đình xã hội
Chú trọng công tác gia đình để phát triển bền vững
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, công tác gia đình luôn được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện với việc quán triệt sâu sắc quan điểm: Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững, đảm bảo nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Theo đó, ngày càng có nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) được thành lập và nhân rộng với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Phụ nữ TX Thái Hòa hưởng ứng mô hình “Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế” |
Công tác xây dựng gia đình từ lâu đã trở thành một nội dung quan trọng trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung và chương trình hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội nói riêng; qua đó đạt được một số thành tựu nhất định. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 32 mô hình gia đình hạnh phúc; 55 mô hình điểm như CLB “5 không, 3 sạch”, CLB “Ẩm thực, văn hóa, văn nghệ”, các mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng gắn với nhóm phản ứng nhanh”, “Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế”...
Theo đó, trên cơ sở thực tế của các địa phương, hình thức tập hợp, sinh hoạt… của các mô hình, CLB cũng rất linh hoạt, đa dạng. Đơn cử như mô hình gia đình hạnh phúc tại nhiều địa phương được thành lập và duy trì trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tổ chức sinh hoạt định kỳ thông qua việc lồng ghép với sinh hoạt của chi hội phụ nữ. Nội dung sinh hoạt cũng rất phong phú, từ tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác gia đình, dân số - KHHGĐ đến trao đổi các kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kiến thức sức khỏe sinh sản, các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Thông qua đó, các hội viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.
1 CLB khác cũng nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt thành của đông đảo người dân trên khắp các địa bàn là CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Tại huyện Diễn Châu, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học) và 3 sạch (sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường) đã trở thành cuộc vận động mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện không chỉ hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà còn tích cực chung tay với cộng đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Để cuộc vận động phát huy hiệu quả thiết thực, Hội LHPN huyện nghiên cứu xây dựng các mô hình theo các tiêu chí phù hợp với thực tế cơ sở. Đơn cử như mô hình liên chế biến hải sản của chị em phụ nữ xã Diễn Bích - địa phương có nghề truyền thống khai thác, chế biến hải sản lâu năm. CLB chế biến hải sản tiến hành sinh hoạt mỗi quý 1 lần để tuyên truyền cho chị em về quy trình chế biến sạch, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến; đảm bảo vệ sinh môi trường.
Không chỉ tích cực lao động để thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, các chi hội phụ nữ còn đảm nhận nhiều mô hình như “Đoạn đường tự quản” xanh, sạch, đẹp, “Tổ tự quản về bảo vệ môi trường”, “Bờ biển không rác thải”...; góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn văn minh, sạch đẹp. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tạo được sức lan tỏa sâu rộng là nhờ Hội Phụ nữ huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng kế hoạch giúp gia đình hội viên nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi; giúp các hộ dân thực hành sản xuất sạch, chế biến sạch; thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, xây dựng thùng rác tại gia...
Huyện Diễn Châu cũng là địa phương duy trì, nhân rộng nhiều mô hình tuyên truyền của phụ nữ mang lại hiệu quả cao như mô hình: “Địa chỉ tin cậy”, "Gia đình không có người sinh con thứ 3 trở lên” và các CLB như “Phụ nữ với pháp luật”; CLB “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”... Cũng như các mô hình, CLB nói trên, mô hình “Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế” (BHYT) của Hội LHPN huyện Nghi Lộc, Hội LHPN TX Thái Hòa… tuy mới đi vào hoạt động thời gian ngắn song cũng được đánh giá cao về tính nhân văn. Dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và xã hội hóa, các thành viên tiến hành thu gom, bán phế liệu, rác thải để tạo ra nguồn quỹ mua BHYT cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm không có điều kiện tham gia BHYT.
Không chỉ hướng hoạt động vào lĩnh vực KT-XH, thời gian qua, nhiều CLB “Ẩm thực, văn hóa, văn nghệ” cũng đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân trong việc thụ hưởng, gìn giữ các hoạt động cộng đồng và giá trị văn hóa dân tộc. Điển hình như CLB “Giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca Khơ Mú” được thành lập tháng 3/2018 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ngoài các nội dung sinh hoạt liên quan đến hoạt động bảo tồn các làn điệu dân ca Khơ Mú, CLB còn phát động sáng tác lời với các chủ đề tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, các cấp và các kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa, gia đình “5 không, 3 sạch”.
Cũng trong thời gian qua, công tác gia đình còn đặc biệt chú trọng nội dung tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật về gia đình và triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình dựa vào cộng đồng. Thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của UBND tỉnh, các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới cũng được triển khai sâu rộng; trong đó phải kể đến mô hình “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng” để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới…
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình, CLB kể trên không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, góp phần giải quyết nhiều vấn nạn mà còn phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Đơn cử như tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, nhiều mô hình tự quản như “Gia đình trẻ”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “Liên thế hệ”… do Ban Công an xã tham mưu Đảng ủy, UBND xã xây dựng đã được duy trì và hoạt động hiệu quả. Cũng nhờ đó, hơn 10 năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ trọng án nào; tình hình ANTT cơ bản được đảm bảo.
Năm 2018, với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, tỉnh Nghệ An đã tập trung nguồn lực, triển khai các kế hoạch về hoạt động truyền thông Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các hoạt động năm 2018 thuộc Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” trên địa bàn tại 7 xã thuộc các huyện: Hưng Nguyên, Anh Sơn, Yên Thành, Quỳ Hợp, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Thanh Chương.
Theo đó, song song với duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB đã phát huy hiệu quả, cần nghiên cứu xây dựng các mô hình, CLB mới trên cơ sở thực tế từng địa phương, trong đó chú trọng hướng đến mục tiêu giảm thiểu và tiến tới chấm dứt các vấn nạn làm xói mòn giá trị truyền thống của gia đình.
Thùy Dương