Gia đình xã hội
Báo động tai nạn đuối nước ở trẻ em
09:17, 10/08/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong nhiều năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xảy ra các vụ trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Mặc dù chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo sâu rộng nhưng do Nghệ An là địa phương có nhiều ao hồ, sông suối, mương máng và địa hình hiểm trở nên thực trạng trẻ em chết đuối vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2017, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Riêng trên địa bàn Nghệ An, bình quân hàng năm có khoảng 50 trẻ em tử vong vì lý do này và được đánh giá là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước nhất trong cả nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỉ lệ tử vong cao là từ 5 - 14 tuổi.
Thực hành hướng dẫn sơ cứu trẻ em khi bị đuối nước |
Khoảng 9 giờ ngày 29/7, 2 chị em ruột Nguyễn Thị Lan (13 tuổi), học sinh lớp 7 và Nguyễn Văn Đạt (10 tuổi), học sinh lớp 2 cùng em Nguyễn Thị Thùy Trang (13 tuổi) và một số trẻ em ở xóm 11, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương đi cắt cỏ cho trâu, bò. Sau khi cắt cỏ xong, do trời nóng oi bức và trên địa bàn mất điện lưới nên các em đã ra khe nước sau nhà để tắm mát. Quá trình tắm, 2 chị em Lan, Đạt và em Trang bị đuối nước tử vong. Trước đó, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 9/7, 2 cháu Lê Kim Đạt (8 tuổi) và Nguyễn Vĩnh Đức (7 tuổi), cùng trú tại xóm 13A, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành rủ nhau xuống ao nước gần nhà của 1 hộ dân trong xóm để tắm. Do không biết bơi, quá trình tắm cả hai không may bị sẩy chân xuống chỗ nước sâu dẫn đến bị đuối nước thương tâm.
Nguyên nhân các vụ đuối nước dẫn đến tử vong ở trẻ em gia tăng, theo ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nghệ An, trước hết là do các em không biết bơi. Ngoài ra, do sự chủ quan, lơ là và thiếu sự giám sát của bố mẹ, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao hồ. Môi trường sống xung quanh cũng luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người đã để lại các hố sâu gây nguy hiểm, không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước. Hầu hết số trẻ em bị chết đuối đều là học sinh vùng nông thôn, miền núi và đều không biết bơi. Đại đa số các em không được học bơi trong nhà trường. Vì vậy, giải pháp cơ bản là phải phổ cập bơi lội cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mặc dù vậy, hiện nay, việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa thực hiện được. Chưa có trường học nào có bể bơi để đảm bảo cho việc dạy học bơi lội nên việc đưa môn bơi lội vào dạy ngoại khóa cho học sinh còn khó, chưa nói đến học chính khóa. Các trường cũng không mặn mà trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như tổ chức các khóa học bơi cho học sinh, do phần lớn thời gian năm học diễn ra trong thời ()tiết lạnh, không thích hợp cho việc học bơi. Chính vì thế, cơ hội học bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học, THCS còn rất khó khăn.
Để giảm thiểu tai nạn thương tâm do đuối nước, hằng năm, Tỉnh đoàn Nghệ An đều phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em, với các hoạt động chính như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước cho các bậc phụ huynh và trẻ em; tăng cường cảnh báo cho phụ huynh cũng như tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý các em; tiếp tục khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; hướng dẫn các em nâng cao ý thức chấp hành, khuyến khích tạo điều kiện để các em học bơi, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước.
VIỆT ANH