Gia đình xã hội

Nâng cao chất lượng công tác phụ nữ trong tình hình mới

07:51, 26/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc phát huy vai trò và vị trí của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội đã nhận được sự quan tâm thực hiện của các cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác phụ nữ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sớm giải quyết.

Cần tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nhóm phụ nữ yếu thế
Cần tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nhóm phụ nữ yếu thế

Thời gian qua, thực hiện Thông tri của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, kết quả rõ nét nhất là nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò, vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Minh chứng cho điều đó là tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, cấp ủy các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước; tỉ lệ nữ được giải quyết việc làm hàng năm chiếm 42,6% tổng số lao động; có 80% tỉ lệ nữ vùng nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề. Mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững được tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng. Đáng lưu tâm là các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ sau khi bị bán ra nước ngoài trở về thông qua giải cứu và trao trả tái hòa nhập cộng đồng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ…

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nói trên, thời gian qua, công tác cán bộ nữ vẫn còn bộc lộ mặt hạn chế. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được chú trọng; tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch còn thấp; một số cấp chính quyền chưa có các giải pháp hữu hiệu trong thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách về bình đẳng giới. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe đối với một bộ phận phụ nữ còn chưa thật sự hiệu quả, nhất là phụ nữ vùng dân tộc, miền núi, lao động nữ trong các doanh nghiệp.

Đáng lưu tâm là mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp, song các vấn nạn như mua bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em vẫn còn diễn biến khá phức tạp… Theo thống kê, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 10 vụ việc liên quan đến tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có dấu hiệu tội phạm, 1 vụ bạo lực trẻ em, 4 vụ mua bán người, mua bán trẻ em... Nạn nhân của các vụ việc trên chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái với 14/15 nạn nhân (chiếm 93,3%).

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác phụ nữ trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; hoàn thiện và giám sát định kỳ, hàng năm các chính sách về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ, tư vấn hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ.

Theo đó, trên cơ sở nhận thức đúng, đủ và toàn diện về nguồn nhân lực nữ, cần xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý có tính đến đặc thù giới tính nữ và thiên chức người mẹ. Trong đó, chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ cần nghiên cứu thực hiện với hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Để phụ nữ yên tâm, tích cực tham gia sản xuất thì các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp; vấn đề nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất cần được sớm xây dựng, hoàn thiện.

Điều đáng lưu tâm khác là việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn…) cũng nên tính đến việc tạo điều kiện để bản thân họ chủ động phát huy lợi thế của mình, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Để những chính sách nói trên phát huy hiệu quả, cần xây dựng tiền đề cơ bản là nâng cao thể lực, sức khỏe nguồn nhân lực nữ. Đây cũng là yêu cầu cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

Nhằm thực hiện những mục tiêu nói trên, ngày 22/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 402 về kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) và bình đẳng giới năm 2018. Theo đó, từ tháng 7 - 11/2018, sẽ tiến hành việc kiểm tra nhằm đánh giá thực trạng, tình hình hoạt động VSTBPN ở một số sở, ngành, địa phương và đôn đốc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động VSTBPN và bình đẳng giới. Đồng thời, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến bình đẳng giới và VSTBPN; nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác trên.

Công tác kiểm tra sẽ tập trung vào nhiều nội dung như công tác tổ chức triển khai chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến bình đẳng giới và VSTBPN; công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động của ngành, cơ quan, đơn vị; công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến, giáo dục về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới... Bên cạnh đó, sẽ kiểm tra công tác kiện toàn Ban và Quy chế hoạt động của Ban VSTBPN; kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực năm 2018; những chính sách, giải pháp riêng của cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác cán bộ nữ…

Nâng cao chất lượng công tác phụ nữ trong tình hình mới không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội phát huy lợi thế của bản thân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương.

Thùy Dương

Các tin khác