Gia đình xã hội

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh

Những 'thiên thần áo trắng' mang niềm vui đến với người dân

08:52, 04/06/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-5 giờ sáng, những tia nắng bình minh vừa ló rạng. Đội chiếc mũ cối đứng giữa sân Trạm Y tế xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đôn đốc các y, bác sĩ hoàn tất công tác chuẩn bị khám, chữa bệnh cho bà con nơi đây, bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh tỏ vẻ lo lắng: “Nắng nóng thế này nên bà con sẽ đến sớm. Cả đoàn gồm 30 y, bác sĩ đã sẵn sàng làm nhiệm vụ”. Bác sĩ vừa dứt lời, từ phía cổng Trạm y tế, bà con dân làng đã râm ran tiếng chào hỏi và kéo nhau đến mỗi lúc một đông...

Hơn 400 người dân tại xã Kim Liên đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh khám bệnh và cấp thuốc miễn phí vào ngày 2/6 vừa qua
Hơn 400 người dân tại xã Kim Liên đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh khám bệnh và cấp thuốc miễn phí vào ngày 2/6 vừa qua

Theo chân đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, chúng tôi đến với xã Kim Liên, huyện Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ nên cuộc sống còn vất vả, thiếu thốn. Sắp xếp lại mấy bộ bàn ghế cho bà con ngồi chờ đến lượt khám, bác sĩ Vương Thúc Định, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Liên chia sẻ: “Người dân quê tôi còn khó khăn lắm nên bà con rất mong các y, bác sĩ ở bệnh viện tới khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Mấy hôm trước, thấy đoàn cán bộ của Bệnh viện Đa khoa thành phố đi tiền trạm, bà con mừng lắm, cứ ngóng các y, bác sĩ về làng thật sớm”.

Với nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ như: Máy siêu âm, máy nội soi TMH, máy điện tim, máy test đường huyết mao mạch mang theo, Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đến Trạm Y tế xã Kim Liên, lập những phòng khám “dã chiến” như nội tổng quát, ngoại, cơ xương khớp, mắt, TMH, RHM, siêu âm, điện tim, nội soi TMH, test đường huyết mao mạch… Bệnh nhân sau khi được đo huyết áp sẽ được đưa đến bàn tư vấn. Tại đây, sau khi căn cứ vào những mô tả của bệnh nhân về các triệu chứng bệnh lý cùng với kết quả từ số liệu huyết áp, các bệnh nhân được các y tá nhiệt tình hướng dẫn cụ thể đến các phòng khám để khám bệnh và nhận thuốc. Một đội ngũ y tá thường trực dìu, đỡ các cụ già đi lại khó khăn.

6 giờ sáng, buổi khám bệnh và cấp thuốc miễn phí đã bắt đầu. Tại khu vực ngồi chờ gọi tên theo số thứ tự, các cụ già và trung niên trật tự xếp hàng đợi gọi tên mình. Dưới tán cây bàng, một ông lão chừng ngoài 70 tuổi, bị cụt 1 chân, run run chống gậy đứng chờ nhưng trên gương mặt khắc khổ ánh lên niềm vui rạng ngời. Phát hiện ông lão, cô y tá của Bệnh viện đến bên cạnh nhẹ nhàng nói: “Ông để cháu dìu vào khám trước ạ”, rồi nhanh nhẹn đỡ nhẹ vai ông để ưu tiên vào phòng khám trước.

Một lúc sau, thấy ông ra khỏi phòng khám, bước từng bước khập khễnh ở cầu thang tầng 2 xuống, trên tay cầm túi thuốc, 1 cô y tá chạy lại đỡ và dìu ông. Vừa đi ông vừa bộc bạch: “Ông là Trần Văn Long 76 tuổi, trú tại xóm Mậu 3, xã Kim Liên. Bác sĩ bảo, cái bệnh tiểu đường, trĩ, viêm gan… của ông phải vào bệnh viện nằm điều trị, để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giờ hoàn cảnh khó khăn, vợ ốm yếu, nằm một chỗ, con cái đi làm ăn xa, nằm viện làm sao được… Hôm nay đi khám, được các bác sĩ cấp thuốc miễn phí uống là tốt lắm rồi”. Được biết, nhà ông Long thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì trong xã.

Bước tới bàn khám nội tổng quát, tôi chú ý tới bệnh nhân Nguyễn Thị Thương (68 tuổi) trú tại xóm Mậu 4, xã Kim Liên. Bà tâm sự: Mấy tháng nay thỉnh thoảng bà cứ thấy đau quặn bụng, chỗ hai bên mạn sườn. Cơn đau làm bà không muốn ăn uống gì nên sức khỏe ngày càng suy kiệt. Nhiều lần hàng xóm khuyên đi viện để khám bệnh và điều trị nhưng bà vẫn nấn ná chưa đi; bởi tiền đâu mà nằm viện điều trị? Con lợn, con gà ngoài chuồng ai chăm? Sào lúa, sào lạc ngoài đồng ai thu hoạch? Vì vậy, khi được Trạm Y tế xã thông báo đến khám bệnh và nhận thuốc miễn phí, bà Thương mừng lắm, suốt đêm không ngủ được, chỉ mong trời nhanh sáng để đến khám bệnh.

Sáng nay, bà là một trong những người đến khám bệnh đầu tiên. Khi nghe bác sĩ kết luận bị viêm dạ dày nặng và bị sỏi thận độ 3, bà cứ nằng nặc xin được nhận nhiều thuốc để về uống dần! Bác sĩ đã ôn tồn, giải thích cho bà Thương và các bệnh nhân khác hiểu. Bác sĩ CK1 Nguyễn Đình Tiến cho biết: “Những trường hợp như thế này chúng tôi gặp rất nhiều. Bà con thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Họ cứ nghĩ đơn giản, trữ thuốc trong nhà, khi nào ốm đau là tự lấy ra uống mà không cần tìm hiểu rõ liều lượng, chống chỉ định của loại thuốc đó như thế nào. Vì vậy, trong mỗi lần thực hiện các chương trình khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, chúng tôi đều kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, ăn ở vệ sinh, hướng dẫn bà con tự chăm sóc sức khỏe”.

Gần trưa, cái nắng nóng gay gắt đặc trưng của xứ Nghệ càng làm cho sân Trạm Y tế xã thêm phần ngột ngạt. Dù những chiếc áo blouse trắng ướt đẫm mồ hôi nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh vẫn tận tình, vui vẻ khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Từng hộp thuốc càng vơi dần, tiếng cười, niềm vui trên gương mặt bà con càng thêm phấn chấn.

Đi kiểm tra một vòng quanh khu vực khám và cấp thuốc, bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng đã thăm hỏi, động viên bà con và bộc bạch với tôi: “Phương châm của Bệnh viện trong mỗi chuyến công tác xã hội từ thiện là làm việc không tính thời gian, chỉ khi nào hết bệnh nhân đến khám thì các y, bác sĩ mới được nghỉ. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hơn nữa cho bà con, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Khi mặt trời ngả bóng, bệnh nhân cuối cùng được cấp thuốc rời khỏi Trạm y tế, chúng tôi mới trở về thành phố. Dọc đường đi, nhìn từng tốp bà con trên tay cầm các túi thuốc, ríu rít trò chuyện, gương mặt ai nấy đều phấn khởi, tiếng cười nói râm ran tôi thấy lòng ấm áp lạ thường...

Thu Thủy

Các tin khác