Gia đình xã hội

Cần xây dựng lại một hệ giá trị đạo đức

09:25, 22/05/2018 (GMT+7)
Những ngày gần đây, người dân TP Hồ Chí Minh đang bàn rất nhiều đến chuyện dỡ bỏ dinh Thượng thư cũ, một công trình kiến trúc cổ kính đã gắn liền với lịch sử của thành phố trẻ tuổi này. 
 
Và họ cũng nhắc lại những địa danh khác nữa, đang nằm trong diện giải tỏa, với băn khoăn về những giá trị tinh thần của thành phố đứng trước nguy cơ mai một dần.
 
Những băn khoăn ấy rồi dẫn về đâu? Có lẽ cũng sẽ không khác gì những điều đã xảy ra với thời kỳ họ băn khoăn về Khu thương mại Eden, về Thương xá Tax. Họ có thể cố gắng hiểu rằng để xây dựng cái mới, nhiều khi cần phải biết đau lòng một chút để hi sinh cái cũ.
 
Cũng trùng hợp với khoảng thời gian này, có những bàn luận đó đây về chuyện một địa phương nọ thu phí bò ăn cỏ trong khi tại một tỉnh kia lại có chuyện thu phí vịt ăn mót lúa ngoài đồng. Tất nhiên, con bò và con vịt biết gì mà đóng thuế. 
Minh họa: Lê Phương.
Minh họa: Lê Phương.
Người đóng thuế là người chủ chăn nuôi và câu chuyện đó khiến tôi tự dưng nhớ đến chuyện tức cười ở một xã miền Nam Trung Bộ cách đây xấp xỉ chục năm là ủy ban ra luật cấm dê đi lạc vào khuôn viên UBND xã nhưng lại cố tình trồng bông so đũa (thức ăn khoái khẩu của dê) để nhử dê đi lạc vào đó đặng bắt vạ.
 
Người cầm quyền ở địa phương không bẫy con dê, mà họ đang bẫy chính những người nông dân địa phương thì đúng hơn. Chuyện tức cười đấy, mà đau lòng gấp mấy.
 
Trớ trêu thay, chính cái tỉnh có địa phương thu “sưu thuế bò ăn cỏ” kia lại là một trong hai tỉnh vừa nhận gạo cứu trợ giáp hạt của Chính phủ. Quyết định vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ban hành ngay những ngày đầu tháng 5-2018 này thôi và quyết định ấy cho thấy 2 điều. 
 
Thứ nhất, tỉnh ấy dân còn đói. Thứ hai, Chính phủ luôn có những quan tâm sát sườn tới người dân. Nhưng những người đại diện cấp thấp của bộ máy nhà nước, là chính quyền xã, chính quyền huyện thì sao? Họ có quan tâm đến nhân dân hay không?
 
Tôi mở đầu câu chuyện bằng toà nhà dinh Thượng thư cũ ở TP. HCM và “sưu thuế” ăn mót của gia súc, gia cầm bởi chúng có liên quan. Cái liên quan mà tôi muốn nói tới chính là tài sản của nhân dân, thứ tài sản cả vô hình lẫn hữu hình. Và dường như đang có những xâm phạm trắng trợn đến tài sản đó trong suốt nhiều năm qua.
 
Một người nghèo ở TP HCM có thể chẳng có nhiều nhặn gì để tự hào nếu họ tự nhìn vào hoàn cảnh riêng của mình. Song, nếu đón tiếp một người bạn từ địa phương khác tới nơi mình sinh sống, chắc chắn họ sẽ dẫn người bạn kia đi thăm thú những “danh thắng” nội đô, tức những kiến trúc đặc trưng, mà những điểm như Bưu điện Thành phố, trụ sở UBND Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật hay dinh Thượng thư cũ dù cái dinh ấy chưa bao giờ được cấp chứng nhận di sản.
 
Nghèo thì nghèo nhưng họ vẫn có quyền tự hào về những di tích kia, coi đó như tài sản tinh thần của mình, tài sản văn hoá của mình. Thành phố mà họ sinh sống có thể chưa cho họ cơ hội sung túc hơn nhưng ít ra nó cho họ những thứ như thế để tự hào. 
 
Và chúng ta nghĩ sao nếu mình là người có thẩm quyền và lạnh lùng tước đoạt dần đi cái quyền được tự hào nhỏ nhoi trên những tài sản vô hình của người dân như vậy?
Tương tự, quê là quê của chung, cánh đồng có thể thuộc quyền canh tác của ai đó cụ thể, bãi cỏ có thể là tài sản tập thể nhưng nó có những giá trị riêng nhất định đối với mỗi cư dân địa phương ấy. Với họ, đất công là sở hữu chung của họ, theo đúng tinh thần hiến pháp. 
 
Vậy thì nếu con bò họ nuôi ăn cỏ trên phần đất mà họ cũng có 1 phần sở hữu nhỏ xíu xiu thôi, mà lại là thứ cỏ chả ai vun trồng, thứ trời sinh ra thế thì hà cớ gì họ phải đóng sưu nộp thuế. 
 
Hạt lúa mót cũng vậy thôi, nó là tài sản của người chủ cánh đồng canh tác những cây lúa ấy, chứ không phải của chính quyền. Người chủ sở hữu không đòi tính phí đồng hương của mình, lý lẽ nào để quan chức địa phương áp ra cái lệ còn phi lý hơn thời phong kiến?
 
Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về quyền lợi và tài sản chung, cả tài sản vô hình lẫn hữu hình, cả tài sản mang tính tinh thần lẫn vật chất. Đó là tài sản của nhân dân mà những người quản lý nhà nước chỉ là những người làm thuê, canh tác thuê, khai thác thuê, điều hành thuê mà thôi. 
 
Lẽ ra chủ nhân phải được hưởng hoa lợi (thông qua những tái đầu tư và an sinh xã hội) mới đúng. Đằng này, chủ nhân lại phải đóng phí, những khoản phí vô luật vô lề mà các cấp địa phương đang áp đặt vào dân theo đúng kiểu “ông kễnh”.
 
Tôi mới xem xong một bộ phim dài tập của Argentina có tên Gọi tôi là Francis. Đó là bộ phim kể về cuộc đời của Đức Giáo hoàng hiện nay. Trong phim có hai chi tiết rất đáng chú ý. Ở thời độc tài quân sự của Argentina (thập niên 70 và 80), chính Đức Giáo hoàng (khi đó mới chỉ là một linh mục dòng Tên), đã che chở những người cộng sản Argentina bị đồ sát, truy nã. 
 
Ông cũng là người đấu tranh với chính quyền độc tài quân sự (đấu tranh khôn khéo và mềm mỏng) để đòi thả người và lý lẽ ông đưa ra thường là “uy tín thanh danh của chính quyền cần được bảo vệ”. Và ông cũng bị phản bội, bởi chính người cấp dưới của mình (cũng là linh mục) trong giáo phận. 
 
Chi tiết thứ hai, khi ông đã là giám mục một giáo phận (khu ổ chuột) ở Buenos Aires, chính ông đã dàn xếp êm thấm một vụ cưỡng chế đất khi cảnh sát thì sẵn sàng tiến lên hành động cứng rắn còn người dân thì đang trong cơn nóng giận với những vũ khí tự chế trong tay. 
 
Rồi sau đó, ông gặp thị trưởng Buenos Aires, thậm chí là cả Tổng thống Menem, để phân tích rằng việc duy trì và nâng cấp khu dân cư kia cần thiết hơn là giao đất cho một nhóm tài phiệt khai thác lợi ích. 
 
Tuyên ngôn “cảm thương và lựa chọn” của ông đã đúng, khi ông cho thấy mình đứng về phe công chính (rất nhiều lần ông đã bị hỏi đứng theo phe nào) để những người cầm quyền quyết định lựa chọn đứng về phía nhân dân. Đó chính là những tích lũy để sau này ông được Mật nghị Hồng y lựa chọn là Giáo hoàng, niềm tự hào của những người Argentina Công giáo.
 
Bộ phim ấy khiến tôi nghĩ nhiều đến những gì xảy ra ở Việt Nam hôm nay. Công cuộc chống tham nhũng vô cùng cam go, và đang bắt đầu cho thấy những kết quả vô cùng tích cực từ sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Nhưng song song với chống tham nhũng, việc xây cũng rất cần thực hành cấp thiết. Đó là xây dựng lại một hệ giá trị đạo đức mà trong đó, quyền lợi của nhân dân phải được tôn trọng tối đa. 
 
Sở dĩ Giáo hoàng Francis làm được những kỳ tích ở Argentina là bởi ông xây dựng, duy trì một cách bền vững giá trị đạo đức đủ để khiến niềm tin của giáo dân vào ông rất bền vững. 
 
Điều đó cho thấy, hệ giá trị đạo đức là thứ nền móng quan trọng nhất trong xã hội và chưa củng cố một hệ giá trị đạo đức vững chắc, pháp luật cũng không cách nào có khả năng phát huy được tác dụng của mình.
 
Mấy ngày lễ lớn vừa rồi, tôi về lại hang Tám Cô (Quảng Bình), ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn và lắng nghe câu chuyện của những thế hệ thanh niên xung phong đã nằm xuống từ nhiều thập niên trước. 
 
Ở Truông Bồn, tôi gặp lại cô Thông, người duy nhất còn sống sót trong tiểu đội Thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317. Tiểu đội ấy 13 người nằm xuống trong ngày 31-10-1968, toàn ở tuổi đôi mươi. 
 
Cô Thông, dáng người nhỏ bé, gương mặt không thể thoát khỏi nỗi buồn trước di mộ đồng đội, cứ đứng như người vô hồn và khiến tôi chợt nghĩ rằng “Nếu những người đã hi sinh máu xương cho thế hệ sau biết rằng bây giờ, chính thế hệ ấy lại đang mưu cầu tư lợi từ những giá trị tài sản chung của nhân dân, họ sẽ nói gì?”. 
 
Có lẽ, họ sẽ nhắc lại rằng, ở thời của họ, đã từng tồn tại một hệ giá trị đạo đức rất lớn lao, một hệ giá trị có sức thuyết phục mạnh mẽ và họ hi sinh cũng để muốn minh chứng sự vững bền của hệ giá trị ấy mà thôi.

Nguồn: Hà Quang Minh/CAND

Các tin khác