Gia đình xã hội
'Dân vận khéo' bắt nguồn từ gần dân
10:10, 19/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Với nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp vận động toàn dân tham gia đảm bảo ANTT, thời gian qua, tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo. Người dân tích cực hưởng ứng nhiều mô hình đảm bảo ANTT tại địa phương và nêu cao tinh thần đấu tranh, cảnh giác với các loại tội phạm.
Về xã Nam Cát, huyện Nam Đàn vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi cảm nhận được không khí bình yên của làng quê nơi đây. Đường vào xã và các thôn đã được trải bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp. Giao thông thuận lợi, hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư, kinh tế phát triển. Đồng chí Phan Văn Huế, Trưởng Công an xã Nam Cát cho biết: Trước đây, điều kiện kinh tế trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, ANTT tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, trộm cắp vặt. Thời điểm những tháng đầu năm 2010, trung bình mỗi tháng có từ 3 - 4 vụ việc thanh, thiếu niên trong xã và các xã giáp ranh như: Hưng Long, Hưng Thông, Hưng Đạo của huyện Hưng Nguyên tụ tập dùng hung khí gây gổ đánh nhau. Trước tình hình đó, để đảm bảo ANTT trên địa bàn, xã Nam Cát đã triển khai mô hình “Tự quản về ANTT”.
Theo đó, mô hình ban đầu được chọn điểm để xây dựng và nhân rộng là “Tổ tự quản về ANTT tại xóm Đa Cát” của Chi hội Phụ nữ, đã tích cực tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư, tạo điều kiện giúp đỡ để họ trở thành người dân lương thiện. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, các “Tổ tự quản về ANTT” trên địa bàn xã Nam Cát duy trì đều đặn sinh hoạt hàng tháng để nắm tình hình liên quan đến ANTT. Từ đó, các thành viên đóng góp ý kiến và tìm ra biện pháp thích hợp và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Công an huyện Quế Phong và Công an xã Mường Nọc đến tận nhà vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc |
Qua đó, đã phát hiện, ngăn chặn và tham gia phối hợp giải quyết nhiều vụ trộm cắp, kịp thời giải tán nhiều vụ thanh, thiếu niên uống rượu tụ tập gây rối đánh nhau. Bên cạnh đó, các tổ tự quản tại địa bàn xã đã hòa giải thành công hơn 10 vụ mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp đất đai. Ngoài ra, các thành viên trong các ban tự quản ở 12 xóm còn chủ động phối hợp với xóm trưởng, Công an viên và các đoàn thể tham gia công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, giúp đỡ các thanh niên cá biệt, thanh, thiếu niên chậm tiến tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.
Xã Thông Thụ, huyện Quế Phong là một trong những xã tiêu biểu trong việc kết hợp có hiệu quả các phong trào “Dân vận khéo” với củng cố, phát triển các tổ chức cơ sở Đảng. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến Thông Thụ là sự ngăn nắp, sạch đẹp trên các tuyến đường cũng như trong từng nếp nhà sàn. Để có được sự bình yên hôm nay là nhờ cán bộ xã đã phối hợp với lực lượng Công an vận động người dân xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Nổi bật là các mô hình: Đảm bảo ANTT, tăng cường đối ngoại ở bản Mường Phú, kết nghĩa bản - bản với bản Nậm Táy, nước bạn Lào; mô hình không sinh con thứ 3 ở bản Mai và đã duy trì 17 năm liền không có người sinh con thứ 3; điểm bản không có ma túy ở 2 bản Na Lướm và Ca Na, 5 năm nay không có người nghiện… Được biết, toàn huyện Quế Phong xây dựng được 750 mô hình dân vận khéo, với 371 mô hình cấp huyện, 384 mô hình cấp cơ sở. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới có 423 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội 76 mô hình, trong đó có 52 mô hình tập thể, 14 mô hình cá nhân; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 105 mô hình, trong đó có 67 mô hình tập thể, 38 mô hình cá nhân.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang thành lập và duy trì hoạt động 38.578 tổ tự quản nhằm giải quyết tốt các vấn đề về ANTT, các mẫu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Xây dựng 52 mô hình điển hình tiên tiến trong tập hợp quần chúng tham gia đảm bảo ANTT và nhân rộng ra 928 điểm. Việc triển khai, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn toàn tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an cơ sở, vai trò quan trọng của các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT tại địa phương; xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng và kiện toàn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Có thể kể những mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả như: “Giảm tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Giáo xứ, giáo họ bình yên không có tội phạm và TNXH, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Tự quản về ANTT”; “Tiếng kẻng bình yên”; “Quản lý giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại địa bàn dân cư gắn với xây dựng tổ nhân dân tự quản không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT”; Câu lạc bộ “CCB với công tác đảm bảo ANTT”… Phần lớn những mô hình “Dân vận khéo” được chỉ đạo thực hiện tại các địa bàn phức tạp về tình hình ANTT, với mục tiêu làm chuyển biến thành địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, quần chúng nhân dân đã góp phần cùng với lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, tỉ lệ điều tra phá án hình sự đạt 82,5%. Trong 5 năm (2013 - 2018) lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ 4.739/5.744 vụ tội phạm về TTXH; bắt 8.833 đối tượng, thu nhiều tài sản có giá trị trên 54,5 tỉ đồng; phát hiện, bắt 5.381 vụ, 6.310 đối tượng phạm tội về ma tuý; phát hiện, bắt 5.381 vụ, 7.038 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, chức vụ và môi trường; bắt, vận động 1.538 đối tượng truy nã…
Theo lãnh đạo Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh: Tại những địa bàn đã thực hiện thành công các mô hình “Dân vận khéo”, tình hình ANTT có bước chuyển biến tích cực, các loại tội phạm từng bước được kiềm chế và đẩy lùi. Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, lực lượng Công an các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Giảm tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư an toàn về ANTT” và xem đây là chủ trương quan trọng, có tính chiến lược và thiết thực trong xây dựng địa bàn an toàn về ANTT.
Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” theo hướng cụ thể, phù hợp với địa bàn cơ sở, đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trật tự ATGT; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để mô hình “Dân vận khéo” lan tỏa sâu rộng hơn nữa.
Cao Loan