Gia đình xã hội
Nghĩa trang ấm áp tình người
(Congannghean.vn)-Hơn 5 năm qua, hàng trăm ngôi mộ vô chủ nằm rải rác trên cánh đồng hoang đã được ông Trần Xuân Nghiêm trú tại xóm 8, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc cùng nhiều tấm lòng hảo tâm dồn tiền cất bốc đưa về nghĩa trang của địa phương. Với tấm lòng nhân ái cao cả của những người dân giáo xứ Thượng Lộc, một nghĩa trang công phu bằng gạch, cát, xi măng đã được xây dựng tại đây và họ coi người xa lạ như người thân của mình.
Khu nghĩa trang khang trang, sạch đẹp được xây dựng bằng tình người |
Ông Trần Xuân Nghiêm nhớ lại: Vào hàng chục năm trước, nơi xóm ông đang sinh sống là một cánh đồng hoang. Mặc dù không phải là nghĩa trang nhưng mỗi khi có người mất, người dân các xóm 8, 9, 10 xã Nghi Vạn lại đưa đến đây an táng. Năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc, ông xuất ngũ về quê lấy vợ và được xã cấp đất tại khu vực này làm nơi trú ngụ, theo đó nhiều hộ dân cũng được xã cấp ra vùng này.
Từng là bộ đội chiến đấu tại nhiều chiến trường, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh không kịp chôn cất, ông Nghiêm mãi ám ảnh, xót thương. Thỉnh thoảng người dân nơi đây đào móng xây dựng nhà cửa, xuất hiện vài bộ hài cốt nằm phơi sương, bỏ hoang bên bờ ruộng ngập bùn, trâu bò dày xéo mỗi ngày, ông lại không an lòng. Từ đó, mỗi đêm trong giấc ngủ ông luôn ấp ủ sẽ xây dựng một nghĩa trang cho những hài cốt không tên này.
“Đầu năm 2013, con trai tôi đi xuất khẩu lao động nước ngoài, chắt chiu tiền gửi về cho vợ chồng tôi sửa lại căn nhà cấp 4 đã hư hỏng. Bước đầu cầm 50 triệu đồng trong tay, tôi liền nghĩ đến dự định ấp ủ xây dựng khu nghĩa trang bấy lâu nay. Nhìn những mẩu hài cốt mỗi ngày bị trâu bò quật lên tôi thấy đau lòng, chợt nghĩ người sống thì có thể tự xây nhà, chứ người chết làm sao xây được. Đem chuyện này bàn với vợ, may sao vợ tôi cũng đồng ý. Không chần chừ, tôi bắt tay vào việc xây dựng khu nghĩa trang”, ông Nghiêm nhớ lại.
Sau khi đi vận động và được sự giúp đỡ của gần 50 hộ dân giáo xứ Thượng Lộc hằng ngày vác xẻng, cuốc đất tìm những ngôi mộ vô chủ để cất bốc, những “ngôi nhà” đầu tiên được mọc lên trong sự phấn khởi của mọi người. Bà Phạm Thị Dương, vợ ông Nghiêm cho biết: “Thấy chồng cứ ngày đêm trằn trọc vì việc này, người cứ gầy đi mà tôi xót xa lắm. Đến khi có tiền, tôi cùng chồng không chút do dự bắt tay vào việc xây dựng khu nghĩa trang mà bấy lâu nay ấp ủ. Mình phụ nữ chẳng có sức lực thì cùng những phụ nữ trong xóm nấu nướng, sửa soạn bữa trưa và bữa tối cho những người đi bốc mộ. Ngày đầu tiên bốc được hơn 30 ngôi mộ vô chủ. Thuê thợ xây mộ, ốp lát gạch men hoàn chỉnh, mỗi mộ tính ra chi phí cũng gần 1 triệu, theo đó số tiền 50 triệu của con gửi về cũng vơi dần”.
Sau ngày đầu công việc có vẻ nặng nhọc hơn, ông liền đến từng nhà trong làng để thuyết phục, vận động người dân cùng đi bốc mộ với mình. Do không có tiền để trả công, ông Nghiêm nấu cơm mời những người làm cùng để trả ơn. Thấy được sự nhân văn, cần thiết của việc xây dựng nghĩa trang, nhiều người dân nơi đây như gia đình ông Trần Xuân Tiềm, Trần Xuân Liêm... cùng nhau tích cực tham gia vào việc tìm kiếm các ngôi mộ vô chủ. Người góp công, người góp của làm việc nghĩa. Nhiều gia đình có con em đi lao động ở nước ngoài đã vận động họ gửi tiền về để góp vào xây dựng nghĩa trang. Theo thống kê, đã có gần 500 triệu đồng được gửi về từ nước ngoài đóng góp kinh phí để xây dựng nghĩa trang.
Khu nghĩa trang của giáo xứ Thượng Lộc nằm cách nhà dân chỉ mấy bước chân, hằng ngày, mỗi khi rảnh rỗi, ông lại ra đây quét dọn cho sạch sẽ. Những dãy mộ không xác định được tên tuổi nên không gắn bia, được xây cất gọn gàng, ngăn nắp, ngay hàng thẳng lối. Trên nền bê tông rộng chừng 500 m2, cao cách mặt đất khoảng 25 cm là các dãy mộ được ghép bằng gạch hoa sáng bóng. Mỗi hàng có 22 ngôi mộ, tính ra đến thời điểm hiện tại cũng có gần 500 mộ được tập kết về đây. Ông Nghiêm nói, cứ đến ngày rằm, lễ, Tết, việc hương khói cũng do một tay tôi đảm nhiệm... Mình làm việc thiện thì cũng thấy vui và thoải mái hơn hẳn.
Đến năm 2014, khi căn nhà cấp 4 đã chuẩn bị sập, xét thấy việc xây dựng nghĩa trang cho những hài cốt không tên căn bản đã hoàn chỉnh, ông Nghiêm mới tính đến xây nhà cho bản thân. “Để có tiền làm nhà, ngoài tiền của con trai gửi về mỗi tháng, ông phải đi vay khắp nơi. Như được các linh hồn cầu phù giúp, căn nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi cũng được xây dựng nhanh chóng, con cái làm ăn cũng thuận lợi”, ông Nghiêm chia sẻ.
Đến với giáo xứ Thượng Lộc, hình ảnh người đàn ông dáng người mảnh khảnh, làn da nâu sạm, len lỏi đi bên những dãy mộ, luôn nở nụ cười mãn nguyện, làm chúng tôi nhớ đến câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”...
Nguyễn Quỳnh