Gia đình xã hội
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân: Hiệu quả, thiết thực
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu và kiểm soát bệnh tật. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần sớm thiết lập hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân một cách đồng bộ, rộng rãi.
Từ đơn vị thí điểm Trạm Y tế xã Diễn Vạn, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân sẽ được triển khai rộng rãi (Trong ảnh: Phòng chụp X-Quang tại Trạm Y tế xã Diễn Vạn) |
Tháng 4/2017, Trạm Y tế xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu được ngành y tế tỉnh nhà “chọn mặt gửi vàng” triển khai mô hình lồng ghép: Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh ban đầu song song với khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý theo mô hình bác sĩ gia đình. Qua một thời gian thực hiện, việc lập hồ sơ này đã mang lại hiệu quả bước đầu và từng bước được nhân rộng.
Theo đó, thực hiện chủ trương của tỉnh, địa phương đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ và phần mềm quản lý sức khỏe.
Trong thời gian 1 tháng, được sự hỗ trợ của ngành y tế, Trạm Y tế xã Diễn Vạn đã tiến hành khám tổng quát, đánh giá tình hình sức khỏe và tiến hành các xét nghiệm cơ bản, siêu âm, chụp X-Quang, xác định nhóm máu, các chỉ số về huyết học cho tất cả người dân trong xã. Theo đó, các chỉ số như chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tiền sử bệnh tật, chỉ số sinh tồn... của mỗi người dân đều được ghi đầy đủ, rõ ràng trong hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Mỗi lần tái khám hay điều trị, các dữ liệu này sẽ được cập nhật, bổ sung, giúp người dân nắm và hiểu rõ hơn diễn biến bệnh tật, sức khỏe của bản thân, từ đó chủ động phòng bệnh và tiến hành điều trị sớm. Đặc biệt, với những người không có điều kiện đến Trạm, các y, bác sĩ trực tiếp đến tận nhà thăm, khám. Sau đó, các biểu hiện bệnh đều được y, bác sĩ ghi chép cụ thể, nhập vào hồ sơ trên máy tính.
Theo ngành y tế, nếu có hồ sơ sức khỏe cá nhân, khi cần khám chữa bệnh, người dân có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế. Các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho bác sĩ một cách nhanh chóng, chính xác; tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, đồng thời phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Thông qua đó, giúp cho việc quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT hiệu quả và ngành y tế hoạch định chính sách tốt hơn.
Theo TTƯT-TS Dương Đình Chỉnh, quyền Giám đốc Sở Y tế: Ngành Y tế Nghệ An hiện đã đề ra lộ trình để thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân. Sau khi tham quan học hỏi địa phương đã thực hiện xong việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân toàn dân, ngành Y tế tiến hành xây dựng phương án trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai trong năm nay, trước hết là thực hiện ở 6 xã điểm tại huyện Nam Đàn. Cùng với đó, lựa chọn nhà cung cấp phần mềm và triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ thực hiện.
Trên thực tế, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được thí điểm thành công, song để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần sớm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khám định kỳ, nhập các thông số sức khỏe vào phần mềm và trang thiết bị y tế cần thiết như máy xét nghiệm, siêu âm, X-Quang…, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích của mô hình cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao tỉ lệ tham gia.
Có thể nói, dự án lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân là giải pháp hay nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT thông qua việc người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, để mô hình phát huy hiệu quả, rất cần sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân nhằm hướng tới việc xây dựng cộng đồng có đủ trí lực, phục vụ đắc lực sự phát triển của địa phương.
Thùy Dương