Gia đình xã hội
Hơn 1,3 nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục
09:10, 19/01/2018 (GMT+7)
Theo Cục Trẻ em-Bộ LĐTB&XH, năm 2017, toàn quốc xảy ra 1.592 vụ xâm hại trẻ em, so với năm 2016 giảm 49 vụ; 1.642 trẻ em bị xâm hại trong đó trẻ em bị bạo lực: 245 em, giảm 171 em so với năm 2016; nhưng trẻ em bị xâm hại tình dục là 1.397 em, so với năm 2016 tăng 186 trẻ.
Ảnh minh họa |
Đến cuối tháng 12/2017, cả nước có 26.285.632 trẻ em, trong đó có 1.450.749 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích...
Ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em cũng như Quy chế hoạt động của Ủy ban…
Ngay sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Cục Trẻ em đã phối hợp triển khai Tổ chức hội thảo phổ biến các nội dung của Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP cho 63 tỉnh/thành phố. Đặc biệt, năm 2017, tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, có 200 trẻ em đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An tham gia.
Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã tiếp nhận 370.556 cuộc gọi đến trong năm 2017. Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã được nâng cấp thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với số ngắn 111, gồm 1 tổng đài chính tại Hà Nội và 2 trung tâm vùng tại Đà Nẵng và An Giang chính thức khai trương vào ngày 6/12/2017.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Cục Trẻ em, tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em, tỷ suất trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước. Hiện nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, đầu tư nguồn lực cho trẻ em.
Năm 2018, Cục Trẻ em đặt mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Góp phần đảm bảo cho mọi trẻ em được chăm sóc toàn diện và sống trong môi trường an toàn không bị tai nạn, thương tích. Đảm bảo việc can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có nguy cơ cao, trẻ em bị xâm hại. Trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan đến trẻ em thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể ở các cấp.
Nguồn: Nhật Thy/Chinhphu.vn