Gia đình xã hội
Phía sau một phiên tòa
Phía sau một phiên tòa
14:22 11/01/2018
Đặng Văn Hiến, hung thủ chính trong vụ việc gây chấn động dư luận vào tháng 10-2016 khiến 3 người tử vong và 13 người khác bị thương tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vừa bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án “Tử hình” ở phiên Sơ thẩm.
- Cuộc đầu thú kỳ lạ và đẫm nước mắt
- Thu 10 khẩu súng tại nhà nghi can trong vụ nổ súng ở Đắk Nông
Phiên tòa và bản án ngay lập tức tạo thành cơn bão thông tin trên báo giới lẫn mạng xã hội. Vẫn đau đáu và chưa có lời giải hợp lý nhất đối với những câu chuyện liên quan đến đất đai.
1. Hôm Tòa tuyên án tử đối với Đặng Văn Hiến, Mai Quốc Ấn gọi điện thoại cho tôi hỏi: “Uống rượu không, buồn quá”. Tôi nhiều việc nên từ chối, lại nữa tôi vốn không ham thích những cuộc rượu với mục đích giải tỏa cơn hiu hắt. Mai Quốc Ấn, bạn tôi, là người cùng Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, nhà báo Trương Hữu Danh, nhà báo Hứa Phương đưa Đặng Văn Hiến ra đầu thú với sự tiếp nhận của các điều tra viên thuộc Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an).
Khuya ấy, chắc say nên Ấn nhắn, “Đang khóc”. Tôi không biết khuyên bạn mình sao đành phản hồi: “Cố vậy, lâu rồi đời mình cũng qua”.
Cái đận Ấn đưa Đặng Văn Hiến ra đầu thú, Ấn bị tấn công nhiều phía, phía trước và cả phía sau. Thú thật không hiểu tại sao Ấn lại bị như vậy.
Ấn là con độc đinh của một nhà báo rất đáng kính trọng là Mai Sông Bé. Nhà báo Mai Sông Bé đến tuổi hưu, lui về ở ẩn tại cù lao Con Rùa (Bình Dương), cất cái nhà gạch bé xíu do bà con trên cù lao thương yêu xây nên, trong nhà thờ Ngũ vị Văn nhân của miệt đất đầu nguồn Đông Nam Bộ này. Hôm tân gia, có cả một nguyên lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước đến dự, tình thân như ruột rà.
Về hưu, nhà báo Mai Sông Bé xin sách cho trẻ con trên cù lao đến đọc, xin đồ chơi, xin xe đạp cũ, biến nhà mình thành cái thư viện nhỏ, cái công viên xinh xinh cho người cù lao. Căn nhà không bao giờ đóng cửa, bất kể gió mưa, bất kể ngày đêm.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã gặp nhiều người, vẫn chưa thấy có nhà báo nào được bà con trong vùng yêu quý như nhà báo Mai Sông Bé. Coi vinh hoa như không, coi quan lộ như không, thênh thênh đường rộng sông dài mà tiến tới.
Trong nếp nhà ấy, Mai Quốc Ấn tuyệt đối không thể là người xấu được. Nhất là khi càng chơi thân với nhau, tôi càng hiểu Ấn nhiều hơn.
Tội nghiệp, người bạn của tôi, người anh em của tôi.
2. Câu chuyện của Đặng Văn Hiến bắt nguồn từ mối mâu thuẫn giữa người dân canh tác và doanh nghiệp được giao đất, tức Công ty Long Sơn nhưng sự giám sát của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND Huyện Tuy Đức và UBND Xã Quảng Trực quá yếu kém, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - ông Lê Diễn vào thời điểm vụ việc xảy ra đã phải thốt lên: “Công ty Long Sơn đã tự ý san ủi mà không báo chính quyền địa phương. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, Thường trực Tỉnh ủy đã giao chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và các ngành liên quan khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp giữa dân và doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Ngoài ra, tôi cũng đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm lãnh đạo chính quyền địa phương để xảy ra vụ việc đau lòng này”.
Đặng Văn Hiến ôm con khóc khi ra đầu thú. |
Còn ông Ngô Xuân Lộc – Chánh Văn phòng UBND Tỉnh Đắk Nông thừa nhận: “Cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác khu vườn xảy ra tranh chấp thuộc quyền quản lý của Công ty Long Sơn hay không. Vì khi giao đất cho công ty, tỉnh chỉ xác định tọa độ trên bản đồ còn mốc ở thực địa thì chưa cắm nên cần xác định lại tọa độ mới có thể khẳng định chính xác”.
Có thể hiểu, Công ty Long Sơn được giao đất dựa trên tọa độ của bản đồ chứ không phải là khảo sát thực tế của các đoàn liên ngành.
Trước khi xảy ra va chạm giữa nhóm của Đặng Văn Hiến và mấy mươi người được trang bị vũ khí của Công ty Long Sơn, đã có rất nhiều lần chạm trán khác xảy ra mà phần chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là người dân ở Quảng Trực.
Điển hình nhất là trong bài báo “Chuyện của Thanh “đầu móp”” đã được đăng tải trên Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng vào tháng 11-2016, tôi trích lại một chút để bạn đọc dễ mường tượng:
“Thanh và người nhà bị một nhóm bảo vệ của Công ty Long Sơn hóa thân như giang hồ gồm tám người dùng rựa chém, gậy tầm vông vụt vào người khi bảo vệ mảnh đất của mình. Bị chấn thương sọ não sau một cú quật gậy và hai nhát chém vào đầu nhưng Thanh may mắn không chết. Tuy vậy khả năng nói của Thanh mất đi sau nhát chém ấy. Thanh bị thương tật vĩnh viễn 90%.
Hai em trai của Thanh là Trần Văn Hanh, Trần Văn Huỳnh kể lại vào ngày 3-3-2015, một đối tượng tên Đào Công Bắc nhờ tám đối tượng đến "đòi rẫy" nhưng thực chất là cướp đất. Những người này đến rẫy của Trần Văn Hanh (là em ruột Thanh) và đánh người, cướp đất. Tám đối tượng này cũng là bảo vệ Công ty Long Sơn - công ty có 3 người chết, 19 người bị thương trong vụ nổ súng chấn động ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào ngày 22-10-2016 vừa qua.
"Chúng chém anh Thanh của tôi chấn thương đầu gục xuống, đánh tôi gãy xương bàn tay trái, đánh vợ chồng anh Hanh dập cơ đến mức cả nhà dìu nhau đi cấp cứu" - Huỳnh vừa kể vừa cho tôi xem những giấy tờ liên quan chứng minh mảnh đất ấy là của gia đình mình.
Tôi nhìn Thanh. Chính xác là nhìn sâu vào đôi mắt vô hồn của Thanh khi Huỳnh kể lại câu chuyện. Trước đó Thanh từng bị chém hụt cũng vì giữ đất nhưng may mà chạy thoát. Huỳnh cũng có báo Công an huyện nhưng cơ quan chức năng có phản ứng "rất kỳ lạ". Giang hồ ở đây ngang nhiên vào chặt cây, chiếm đất, Huỳnh gọi báo cơ quan chức năng ở địa phương thì nhận được những phản hồi đại loại như: "Chứng cứ đâu, vết thương đâu mà thưa" rồi cho tôi về" - Huỳnh nói”.
Lần gần nhất mà các công nhân của Công ty Long Sơn đánh người dân tại nơi này gãy tay phải nhập viện là vào tháng 10 – 2017, nghĩa là gần một năm sau vụ nổ súng của Đặng Văn Hiến xảy ra.
Theo hồ sơ của vụ án Đặng Văn Hiến thì, “Ngày 23-10-2016, nhóm công nhân Công ty Long Sơn hơn 30 người đưa máy móc, khiên, hung khí vào khu vực nhà bị cáo Hiến và một số hộ dân tại tiểu khu 1535 tự ý san ủi cây trồng, giải tỏa đất.
Hiến cùng Ninh Viết Bình mang súng bắn chống trả lại nhóm người Công ty Long Sơn khiến 3 người chết tại chỗ, 13 người khác bị thương”.
Nhưng còn một hồ sơ khác là những người dân như Đặng Văn Hiến sợ mất đất, Công ty Long Sơn muốn lấy đất và sự bàng quan của chính quyền địa phương đã khiến mâu thuẫn kéo dài.
Bất chấp trước đó UBND Tỉnh Đắk Nông đã phải phát đi công văn yêu cầu Công ty Long Sơn phải có hướng thương lượng với người dân: “Trong tháng 8 và tháng 9-2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã hai lần có văn bản chỉ đạo UBND huyện Tuy Đức phối hợp với Công ty Long Sơn tiến hành rà soát, ngăn chặn người dân xâm lấn đất và giải quyết dứt điểm vụ việc.
Đến ngày 5-10-2016, UBND huyện Tuy Đức đã tổ chức đối thoại với các hộ lấn chiếm đất của Công ty Long Sơn. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân đều yêu cầu công ty bồi thường về tài sản và công trình trên đất, cho dù là đất do người dân mới lấn chiếm. Nhiều hộ dân còn đề nghị thu hồi đất của Công ty Long Sơn và giao lại cho các hộ dân sản xuất... Tuy nhiên, Công ty Long Sơn không chịu mức bồi thường các hộ dân đưa ra và công ty này cũng cho rằng đất công ty đã bị người dân lấn chiếm”.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo rất rõ, “ Yêu cầu việc sớm ổn định các cụm dân cư trên địa bàn xã Đắk Ngo, Quảng Trực của huyện Tuy Đức trên cơ sở khảo sát, điều tra, tiến hành định cư, định canh tại chỗ, không lập và đầu tư dự án mới. Yêu cầu cao nhất là ổn định đời sống cho bà con, người dân được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Cách làm phải hết sức dân chủ, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”.
Vậy là, câu chuyện bế tắc dẫn đến xung đột nghiêm trọng ấy vẫn xảy ra.
Điều đáng kinh ngạc hơn là phía Công ty Long Sơn tại phiên Tòa hồn nhiên thừa nhận, “Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn cho rằng, diện tích đất tại tiểu khu 1535 không thuộc diện được đền bù, trước khi thực hiện việc san ủi công ty đã có báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông, trong báo cáo có xin cho san ủi diện tích đất tại tiểu khu 1535. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn trả lời yêu cầu các có quan chức năng huyện Tuy Đức phối hợp để giải tỏa diện tích đất trên. Nghĩ rằng UBND tỉnh đã cho phép san ủi diện tích đất đó nên bị cáo đã cho người vào tiến hành giải tỏa”.
Một công văn yêu cầu phối hợp với chính quyền địa phương được hiểu là, “Đồng ý cho công ty tự cưỡng chế san lấp”, thì tôi cũng đến chịu hẳn với tư duy của lãnh đạo công ty này.
Nạn nhân của Đặng Văn Hiến cũng là những thân phận nghèo khó, nếu không muốn sử dụng cụm từ miêu tả là “rách nát và lầm lụi”.
3. Kết thúc phiên tòa, Đặng Văn Hiến đã có đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo Hiến đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội trở về hòa nhập với xã hội, làm một công dân có ích. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Hiến cũng yêu cầu được xem xét yếu tố lỗi hỗn hợp để giảm một phần trách nhiệm bồi thường.
Sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp trong bất cứ tình huống nào cũng không được khuyến khích hay cổ vũ, đó lại càng không phải là một tình tiết hợp lý để lý giải cho mọi chuyện.
Tuy nhiên, tôi tin rằng rất nhiều người hiểu vì sao lại nảy sinh ra bi kịch này, bi kịch của cả hung thủ và nạn nhân, một bi kịch bắt nguồn từ nguyên nhân không do họ tạo nên.
Nguồn: ANTG/Báo CAND