Gia đình xã hội

Khuyến khích khám sức khỏe trước hôn nhân

09:17, 25/12/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Khuyến khích nam, nữ, người có nguy cơ cao ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, tự nguyện trao đổi thông tin về kết quả khám sức khỏe và những ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh.
 
Đây là đề xuất của Bộ Y tế tại dự thảo Luật dân số.
 
Bộ Y tế cho biết, Bộ đề xuất quy định về tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống, bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, cụ thể là: Bảo đảm cuộc hôn nhân bền vững; sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh; phòng, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đến năm 2030, tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%.
 
Theo dự thảo, tư vấn sức khỏe trước hôn nhân được thực hiện trước và sau khi khám sức khỏe trước hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng nhân thân và bảo đảm bí mật riêng tư, phù hợp với pháp luật hiện hành. Cơ quan quản lý nhà nước về y tế, dân số có trách nhiệm tuyên truyền về lợi ích thực hiện khám sức khỏe trước hôn nhân; giúp đỡ, hỗ trợ người có nguy cơ cao tham gia khám sức khỏe trước hôn nhân.
 
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Chính phủ quy định việc hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe trước hôn nhân cho một số đối tượng.
 
Chăm sóc sức khỏe sinh sản người chưa thành niên, thanh niên
 
Theo dự thảo, người chưa thành niên, thanh niên được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục có chất lượng, thuận tiện, an toàn và thân thiện; được giữ bí mật theo quy định của pháp luật; được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi.
 
Người chưa thành niên, thanh niên có trách nhiệm thực hiện pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; thực hiện nếp sống, lối sống lành mạnh; chủ động học tập, tiếp thu các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; thực hiện phòng, chống ma tuý, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác.
 
Nhà nước có trách nhiệm ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; đáp ứng nhu cầu tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với người chưa thành niên, thanh niên; giảng dạy về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính trong nhà trường, phù hợp với cấp học và bậc học; tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với người chưa thành niên, thanh niên.
 
Các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đổi mới công tác truyền thông, tăng cường giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình, kỹ năng sống cho người chưa thành niên, thanh niên phù hợp với từng độ tuổi, từng địa bàn. Gia đình có trách nhiệm quản lý, giáo dục và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính; phòng, chống ma tuý, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; nâng cao sức khoẻ, phát triển thể chất, thực hiện nếp sống lành mạnh cho người chưa thành niên, thanh niên.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác