Gia đình xã hội
Tạo sức lan tỏa lớn
(Congannghean.vn)-Giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận nhiều chuyển biến lớn về mặt KT-XH ở vùng miền Tây Nghệ An. Những kết quả khả quan đó có sự hỗ trợ, góp sức không nhỏ của các cấp, ngành tỉnh nhà cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc. Quan trọng hơn cả, sự giúp đỡ đó không chỉ dừng lại ở những hỗ trợ về mặt vật chất mà còn tạo sức lan tỏa rộng rãi trong việc huy động sức mạnh của toàn dân chung tay đẩy lùi cái nghèo, cái lạc hậu ở những vùng miền xa xôi của tỉnh nhà.
Phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Tây Nghệ An đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội. |
Những năm qua, chương trình ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như sự chung tay của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Minh chứng cho hiệu quả của hoạt động trên là sự nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2012 - 2017, các cơ quan, đơn vị, cơ sở dạy nghề đã hỗ trợ dạy nghề cho 993 người, giải quyết việc làm cho 29.250 người; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của 110 xã nghèo miền Tây từ 42,26% (năm 2013) xuống còn 39,03% (cuối năm 2016). Thực tế cho thấy, công tác hỗ trợ dạy nghề, tạo sinh kế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp đỡ các xã xóa đói giảm nghèo, đạt nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Cũng trong 5 năm qua, 222 nhà đã được xây mới, 65 nhà tạm bợ, dột nát được sửa chữa; 12.872 suất quà được trao tặng cho UBND các xã, trường học, gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh khó khăn... Gần 204 tỉ đồng là số tiền mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây từng bước vươn lên thoát nghèo để phát triển bền vững.
Dấu ấn của sự hỗ trợ, tiếp sức được thể hiện một cách toàn diện, mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, từ việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn, mặc, ở, đi lại đến việc tạo sinh kế, “cần câu cơm” để họ từng bước tạo dựng cuộc sống ổn định. Chính sách hỗ trợ muối tinh i ốt, bột canh i ốt, giống cây, con hay xây dựng các cây cầu dân sinh phục vụ việc học hành, giao lưu phát triển kinh tế là một trong nhiều hoạt động như thế.
Để các chương trình, hoạt động hướng về đồng bào miền Tây phát huy hiệu quả đồng bộ, thiết thực, UBND tỉnh đã có quyết định phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo. Theo đó, 115 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được phân công nhận hỗ trợ, giúp đỡ 108 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện của tỉnh.
Lựa chọn các phương án, mô hình cây, con giống, kỹ thuật… phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của các hộ nghèo để giúp đỡ họ thoát nghèo bền vững là giải pháp mà nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hiệu quả theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”, với phương châm “xuống tận bản, về từng nhà”.
Không chỉ đồng hành cùng người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo, sự trợ giúp còn hướng đến mục tiêu tạo môi trường, tình hình ANTT ổn định, phục vụ sự phát triển bền vững của địa phương. Đơn cử như việc thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống tội phạm và TNXH”, các mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”.
Từ chủ trương giao các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ các xã nghèo, đến nay phong trào còn có sự nhân rộng về cấp huyện. Chủ trương sáng tạo này đã huy động hiệu quả nguồn lực, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động của các cơ quan, đơn vị; đồng thời góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân.
Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh phối hợp với các tổ chức trao quà cho các hộ nghèo tại bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn |
Để công tác giúp đỡ các xã nghèo miền Tây tiếp tục phát huy hiệu quả sâu rộng, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị được phân công giúp đỡ xã nghèo; đồng thời, nâng cao ý thức của các cấp ủy, chính quyền các xã nghèo, người nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu mục tiêu góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trung bình của các xã nghèo miền Tây mỗi năm từ 5 - 6%.
Không thể phủ nhận sức lan tỏa cũng như hiệu quả thiết thực và sâu rộng của các hoạt động, chương trình hỗ trợ hướng về đồng bào miền Tây tỉnh nhà. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng như xóa bỏ tình trạng người dân ỷ lại, trông chờ vào các khoản tiền được nhận, sự giúp đỡ của các cấp, ngành, tổ chức, nhà hảo tâm cần chú trọng hơn nữa tới việc tạo các giải pháp phát triển kinh tế bền vững cũng như quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tập trung phổ biến các kiến thức khoa học, kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân và phục vụ tốt sự phát triển KT-XH của địa phương.
Hồng Hạnh