(Congannghean.vn)-Theo quy định của các văn bản hiện hành, các trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học (chất độc màu da cam), nếu có con đẻ bị dị tật, dị dạng, không có khả năng tự phục vụ bản thân sẽ được hưởng một khoản trợ cấp “gián tiếp” tùy theo mức độ sức khỏe từng đối tượng. Vậy nhưng, hiện có nhiều trường hợp ở huyện Quỳ Châu dù không bị dị tật, dị dạng, vẫn lấy chồng, lấy vợ, học tập bình thường vẫn được hưởng chế độ trợ cấp dành cho đối tượng là con của người bị nhiễm chất độc màu da cam lâu nay? Vậy trách nhiệm quản lý của Phòng Lao động, Thương binh - Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Quỳ Châu đang ở đâu?
Nhiều chế độ chính sách dành cho người có công đang bị làm giả hồ sơ để trục lợi |
Thời gian qua, Báo Công an Nghệ An nhận được một số thông tin phản ánh về tình trạng không ít trường hợp sinh sống trên địa bàn huyện Quỳ Châu làm giả hồ sơ để hưởng các chế độ chính sách dành cho người có công (thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học…). Qua tiếp nhận, trực tiếp xác minh thông tin, chúng tôi đã có các bài viết phản ánh một số trường hợp có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hưởng các chế độ chính sách nói trên. Từ đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý một số trường hợp, cắt chi trả tiền trợ cấp các trường hợp không đúng đối tượng.
Tuy vậy, mới đây, chúng tôi lại tiếp tục nhận được thông tin phản ánh ở huyện Quỳ Châu có nhiều trường hợp là con đẻ của người đang hưởng chế độ “chất độc màu da cam” được hưởng tiền trợ cấp hàng tháng không đúng đối tượng, bởi các trường hợp này không bị dị tật, dị dạng, thậm chí những người này còn lấy vợ, lấy chồng, sinh con bình thường. Đặc biệt, có trường hợp dù bố mẹ hiện không hưởng chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc màu da cam nhưng con vẫn được hưởng chế độ này từ lâu.
Cụ thể các trường hợp chúng tôi nhận được phản ánh gồm: Chị Phan Thị Lan và chị Phan Thị Lộc trú tại bản Hòa Bình; anh Lang Văn Cương trú tại bản Bình 2; anh Nguyễn Văn Nhật trú tại bản Lầu 1; chị Mạc Thị Hà trú tại bản Khoang; anh Lang Việt Bách trú tại bản Hội 1; chị Hà Thị Thơm trú tại bản Lầu 1, cùng xã Châu Bình… Đáng chú ý, trong các trường hợp trên, anh Lang Việt Bách có bố là cán bộ đang công tác tại huyện Quỳ Châu, bố anh Bách hiện không hưởng chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc màu da cam.
Mới đây, để xác minh thông tin phản ánh, phóng viên đã có mặt tại các gia đình và nơi làm việc của những trường hợp trên để kiểm tra, tìm hiểu sự việc. Kết quả như sau:
Trường hợp thứ nhất, chị Phan Thị Lan (SN 1970) và Phan Thị Lộc (SN 1972), đều trú tại bản Hòa Bình là 2 chị em ruột, hiện chị Lan không lấy chồng, đang ở cùng mẹ đẻ. Chị Lộc lấy chồng, có 2 người con gái, trong đó 1 người đã lập gia đình. Trường hợp thứ hai, anh Lang Văn Cương trú tại bản Bình 2 từng đi nghĩa vụ quân sự tại Thanh Hóa, nay đã cưới vợ và có 1 con gái đã đi học mầm non. Trường hợp thứ 3, anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1988) trú tại bản Lầu 1, hiện đã lấy vợ và có 1 con gái đã đi học mầm non. Trường hợp thứ 4, chị Mạc Thị Hà trú tại bản Khoang là người gốc ở xã Châu Bính về làm dâu tại xã Châu Bình, hiện chị Hà có 2 người con. Trường hợp thứ 5, anh Lang Việt Bách (SN 1992) trú tại xã Châu Hội đã tốt nghiệp Đại học Luật, hiện đang làm hợp đồng tại Huyện đoàn Quỳ Hợp.
Qua trao đổi, tìm hiểu thông tin trực tiếp, gián tiếp các trường hợp trên, khi phóng viên hỏi có ai bị dị tật, dị dạng bẩm sinh hay không? Những người này đều trả lời là họ không bị, họ chỉ cho biết có bị một số bệnh tật khác mà thôi. Riêng trường hợp anh Lang Việt Bách thừa nhận, bố mình không hưởng chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học.
Theo bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Quỳ Châu, mỗi tháng huyện chi trả 800 triệu đồng tiền chính sách cho các đối tượng người có công, trong đó riêng con đẻ của người bị nhiễm chất độc màu da cam là 146 trường hợp.
Như vậy, mỗi tháng Phòng LĐ,TB&XH huyện Quỳ Châu chi trả hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước cho các trường hợp là con đẻ của người bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy nhiên, đối chiếu với các văn bản hiện hành, nhiều trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp nói trên là chưa phù hợp, chưa đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Sở LĐ,TB&XH tiến hành kiểm tra tất cả các trường hợp con đẻ của người bị nhiễm chất độc màu da cam trên địa bàn huyện Quỳ Châu để có đánh giá khách quan nhất, không để hội đồng chính sách các xã tự đánh giá, kiểm tra như hiện nay.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 27 của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, quy định: “Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bao gồm: Con đẻ bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng; được Nhà nước mua bảo hiểm y tế, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào tình trạng dị dạng, dị tật…”. |