Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201710/con-lam-gian-nan-khi-triet-xoa-cay-anh-tuc-764153/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201710/con-lam-gian-nan-khi-triet-xoa-cay-anh-tuc-764153/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Còn lắm gian nan khi triệt xóa cây anh túc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 28/10/2017, 08:54 [GMT+7]

Còn lắm gian nan khi triệt xóa cây anh túc

Nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc trước đây cũng như bây giờ vẫn được ví von là “thủ phủ” của cây anh túc (thuốc phiện) và các cơ quan chức năng ngày đêm phải căng mình chống lại sự “quyến rũ chết người” của loại cây nguy hiểm này. Sau các nỗ lực triệt phá, cho đến nay, diện tích tái trồng cây anh túc ở các tỉnh đã được thu hẹp dần qua từng năm.
 
Tuy vậy, còn quá sớm để có thể nói rằng, cây anh túc không còn “gieo họa” cho người dân ở một số địa phương vùng cao, biên giới.
Tang vật cây thuốc phiện do lực lượng chức năng triệt xóa tại xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu
Tang vật cây thuốc phiện do lực lượng chức năng triệt xóa tại xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu
Thực trạng “nóng”
 
Trước đây, trên mái nhà hay gác bếp của không ít hộ người Mông ở bản Tia Ma Mủ (xã Tà Tổng, Mường Tè) hay bản Khua Chá (xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, Lai Châu) đều có những túi chứa hạt giống cây thuốc phiện để dành cho mùa gieo năm sau. Tập quán này xuất phát từ việc đồng bào ở đây từ xa xưa đã tin rằng, thân, hoa và nhựa của cây thuốc phiện là một loại “thần dược”, đem ngâm rượu uống có thể chữa được nhiều bệnh như viêm khớp, đau bụng kinh niên, viêm tá tràng... Từ quan niệm cổ xưa này, nhiều người dân tộc thiểu số lại vào rừng sâu hiểm trở hay nơi giáp ranh giữa các xã tái trồng cây thuốc phiện để tự đáp ứng những cơn nghiền của các thành viên trong gia đình.
 
Tuy nhiên, ở Lai Châu, không chỉ có bản Khua Chá và Tia Ma Mủ mới “nóng” về tình trạng trồng cây thuốc phiện. Theo báo cáo của cơ quan chức năng địa phương, thời gian gần đây, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Có thể nêu vài con số thống kê để làm rõ thêm hiện trạng này: Trong 5 năm, từ 2010-2015 đã có tới 550.000 m2 cây thuốc phiện được các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu phát hiện, phá nhổ. Riêng trong niên vụ 2015-2016, gần 70.000 m2 cây thuốc phiện bị triệt phá và niên vụ 2016-2017, con số đó là 52.000 m2.
 
Không “nóng” như Lai Châu, nhưng một số địa phương thuộc vùng cao biên giới phía Bắc vẫn còn tồn tại khá nhiều điểm trồng cây thuốc phiện để lấy nhựa và nhiều mục đích khác. Cụ thể, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý 9 hộ dân gieo trồng cây thuốc phiện với tổng diện tích hơn 100 m2, đồng thời, phá nhổ trên 10.000 cây thuốc phiện. Trước đó không lâu, tại huyện Bát Xát, Lào Cai, cơ quan chức năng cũng phát hiện và triệt phá một vườn trồng cây thuốc phiện trái phép tại khu vực thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành với diện tích hơn 400 m2.
 
Tuy đã giảm đáng kể nhưng trong thời gian qua, số người nghiện thuốc phiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai... vẫn còn rất nhiều. Để có thuốc phiện hút, số người này thường lén lút chọn những khe núi sâu, trong rừng già hoặc khuất lối đi, rồi bạt cây cỏ để gieo trồng cây thuốc phiện hoặc trồng xen lẫn cây thuốc phiện với cây rau cải, cây hoa màu khác nên rất khó phát hiện. Thậm chí trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng phát hiện thấy diện tích cây thuốc phiện nhưng không xác định được chủ vì đa số đồng bào dân tộc thiểu số làm nương xa nhà, chỉ những đám ruộng nương đã canh tác nhiều năm thì mới dễ xác định chủ.
BĐBP Hà Giang phối hợp với Công an xã, dân quân trên địa bàn tổ chức triệt phá cây thuốc phiện
BĐBP Hà Giang phối hợp với Công an xã, dân quân trên địa bàn tổ chức triệt phá cây thuốc phiện
Xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện - Còn nhiều khó khăn
 
Thời gian qua, trước vấn nạn tái trồng cây thuốc phiện còn xuất hiện trên địa bàn, UBND các tỉnh miền núi phía Bắc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, triệt nhổ các nương rẫy trồng và tái cây thuốc phiện, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, có một thực tế là năm nào cũng vậy, các ban, ngành chức năng từ huyện đến xã, bản cũng tổ chức những “đội quân” ráo riết đi phá, nhổ cây thuốc phiện, mỗi mùa trồng thuốc phiện đến vài ba lần, nhưng cây thuốc phiện vẫn cứ mọc như thể thách thức.
 
Trước đây, người trồng thuốc phiện biết rằng những người đi phá nhổ chỉ phá những cây đã mọc khá cao, còn những cây nhỏ thì chẳng có sức đâu mà “quan tâm” đến. Từ đó, họ nghĩ ra cách gieo kế tiếp từng đợt, khi cây cao chừng nửa mét thì có một lớp cây mọc xen dưới gốc cao nửa gang tay, phía dưới nữa lại có một lớp cây mới mọc lên hai ba lá. Khi những cây lớn bị phá nhổ đi thì lớp cây nhỏ lại mọc lên. Cứ thế, phá nhổ hết lớp cây thuốc phiện này thì lớp cây thuốc phiện khác lại mọc lên ngay chính trên mảnh nương đó. Còn bây giờ, những cuộc “tổng lực” triệt phá tận gốc cây thuốc phiện với cả nghĩa đen và nghĩa bóng liệu có làm cho những kẻ trồng cây thuốc phiện “chịu thua”?
 
Trả lời câu hỏi này, chắc chắn vẫn phải dùng từ “chưa” vì như trên đã nói, ở vùng cao phía Bắc, hiện vẫn còn khá nhiều người nghiện, trong khi quy định về xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện chưa đủ sức răn đe. Mà một khi còn tồn tại người nghiện thì việc “tuyên chiến” với việc trồng cây thuốc phiện sẽ còn nhiều khó khăn, bởi không trồng thì họ sẽ lấy đâu ra thuốc phiện hút? Đó là chưa kể, những nương thuốc phiện lại được trồng ở nơi hiểm trở, hẻo lánh đi lại khó khăn, các lực lượng chức năng còn gặp phải sự chống trả giấu mặt của các chủ nương bằng cách đặt bẫy. Mặt khác, các đối tượng tái trồng cây thuốc phiện ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng trong khi nguồn kinh phí dành cho chương trình xóa bỏ cây có chứa chất ma túy rất hạn hẹp, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện, phá nhổ cây thuốc phiện.
 
Để loại bỏ cây thuốc phiện ở khu vực miền núi phía Bắc, thiết nghĩ, không chỉ có lực lượng chức năng mà cần có sự tích cực vào cuộc của cả cộng đồng trong việc tuyên truyền về tác hại của ma túy, đồng thời vận động đồng bào nói không với ma túy, tố giác các đối tượng trồng cây thuốc phiện và xét xử các vụ án điểm về lĩnh vực này nhằm tăng sức răn đe, giáo dục. Về lâu dài, địa phương cần có các giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, đặc biệt là tiến hành các biện pháp quyết liệt xóa bỏ nạn nghiện hút ma túy ra khỏi cộng đồng...
.

Nguồn: Tiengchuong.vn

.