Đến 17h chiều 15/9, bão số 10 đã giảm cấp xuống còn cấp 9 và di chuyển qua biên giới Việt - Lào. Hiện hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Bước đầu đã có những con số thiệt hại khủng khiếp do bão số 10 gây ra, ít nhất đã có 6 người đã chết và mất tích, hơn trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái, ít nhất 5 chiếc tàu thuyền bị đắm. Hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh nhiều nơi đang mất điện và mất sóng viễn thông.
Theo thống kê sơ bộ bước đầu, bão số 10 quét qua đã gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương ở Hà Tĩnh. Các huyện chịu ảnh hưởng nhất như Lộc Hà, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà đều có hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái.Đặc biệt, thị xã Kỳ Anh sau bão trên các tuyến đường cây cối đổ gãy la liệt, tôn, bro xi măng, ngói, thậm chí cả mái sắt thép bị bão hất văng ra giữa quốc lộ 1A. Cột ăng ten đài truyền hình thị xã Kỳ Anh đổ sập hoàn toàn; trường học, bệnh viện đều tê liệt. Các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Tại tỉnh Quảng Bình, cơn bão số 10 với sức gió mạnh cấp 12 giật cấp 15 đã ảnh hưởng đến đất liền từ 5h sáng cho đến 13h chiều gây nên những thiệt hại hết sức nặng nề. Theo thống kê của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trên địa bàn đã có 2 người chết và 6 người bị thương. 13 ngôi nhà bị sập và gần 50 nghìn nhà dân bị tốc mái. Tại thành phố Đồng Hới, nhiều cây xanh và cột điện bị ngã đổ, một số nhà dẫn đã bị tốc mái.
Tính đến 20h ngày 15-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1 người chết và 1 người bị thương do ảnh hưởng bão số 10. Đó là ông Ngô Văn Hiền (39 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) bị nước lũ cuốn trôi khi đi cạo mủ cao su gây tử vong và cháu Nguyễn Như Ý (3 tuổi, trú xã Phong Chương, huyện Phong Điền) bị ngói rơi vào đầu do lốc xoáy tốc mái nhà dẫn đến bị thương.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm hơn 600 ngôi nhà dân, trường học sập đổ và tốc mái, tập trung chủ tại các huyện ven biển, như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ, vùng rẻo cao Đakrông. Ngoài ra, các địa phương vùng trung du của các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ có hơn 5000 héc-ta cây cao su bị bật gốc và gãy đổ hàng loạt.
Tâm bão không đi vào Nghệ An nhưng gió lớn cộng với triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đê biển ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu đứng trước nguy cơ bị vỡ. Các nhà máy thủy điện đã có thông báo xả lũ, chính quyền, lực lượng công an và nhân dân đang tích cực dân đến nơi an toàn. Tính đến 16h ngày 15-9, thị xã Cửa Lò đã có 1 người chết, đó là trường hợp bà Đào Thị Thức (84 tuổi, trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) bị tấm lợp bro ximăng của gia đình bay trúng người do gió mạnh khiến bà bị thương nặng, dẫn đến tử vong sau đó, hơn 100 kiot dọc bờ biển đã bị tốc mái và hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường của thị xã ngập sâu trong nước.
.