Gia đình xã hội

'Nóng' trước giờ giải tỏa Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức, TP Vinh

07:41, 15/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Là một trong những “khu ổ chuột” nằm tại vị trí “đất vàng” của TP Vinh, sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, việc chia lô đất ở theo quy hoạch đã được xúc tiến, chấm dứt cảnh sống nơm nớp, lo âu và sợ hãi trong những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp của hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã có những lình xình khiến việc giải tỏa để chia lô vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Một góc Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức
Một góc Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức

“Khu ổ chuột” giữa lòng thành phố

Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức ở khối 12, phường Hồng Sơn, TP Vinh có nguồn gốc được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, hiện có 189 hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong những ngôi nhà cấp 4, được xây dựng từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Theo quan sát của phóng viên, hiện trạng khu tập thể rất chật hẹp, các căn nhà “ổ chuột”, ẩm thấp, xập xệ nằm san sát nhau. Nhiều hộ gia đình có đến 3, 4 thế hệ sống chen chúc dưới những mái nhà đổ nát, chờ sập. Nắng thì nóng hầm hập, nhưng chỉ cần một trận mưa là nước đã ngập băng cả khu tập thể.

Thực hiện Đề án giải quyết các khu tập thể cũ trên địa bàn TP Vinh của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2015, TP Vinh phải hoàn thành việc xóa nhà tập thể, trong đó có Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức. Với chủ trương giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất, UBND TP Vinh đã đưa ra phương án cấp cho các hộ gia đình đã được Xí nghiệp may Việt Đức bán hóa giá 1 lô đất, có khấu trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Ngày 29/11/2013, UBND TP Vinh phê duyệt quy hoạch chia lô đất ở khu dân cư tại khu tập thể này với 186 lô. Do không đủ số lô đất để chia cho các hộ gia đình nên có 3 hộ phải tái định cư tại vị trí khác. Trong đó, hộ bà Phạm Thị Hường và hộ ông Bùi Quốc Việt được giao đất tái định cư tại khu quy hoạch xóm 2, xã Hưng Chính. Riêng hộ bà Bùi Thị Hoa do không đủ điều kiện giao đất tái định cư nên phải lập phương án hỗ trợ, bồi thường để GPMB.

Tính đến thời điểm này, cơ bản đã giao đất cho các hộ gia đình, còn lại 3 hộ chưa xét giao. Cụ thể, hộ gia đình bà Võ Thị Lý do không nộp hồ sơ giao đất và hộ bà Đường Thị Ngân xin rút hồ sơ để bổ sung giấy tờ mua hóa giá nhà ở tập thể. Riêng hộ ông Nguyễn Trọng Hiến không đồng ý nhận lô đất mới, vì cho rằng vị trí gia đình đang ở hiện tại bám mặt đường Cao Xuân Huy nên khi nhận lô mới cũng phải có vị trí tương đương.

Ngày 11/7/2017, UBND TP Vinh đã phê duyệt phương án xác định nghĩa vụ tài chính cho 182 hộ gia đình. Riêng hộ bà Đinh Thị Lan chưa được phê duyệt vì đã xây nhà ở không đúng vị trí đất mà Xí nghiệp may Việt Đức cho mượn. Ngày 3/8, các hộ gia đình Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức đã tổ chức họp và thống nhất tự tháo dỡ nhà cửa, công trình để bàn giao mặt bằng cho UBND phường Hồng Sơn cắm mốc, chia lô theo quy hoạch được duyệt, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 28/8/2017.

Vị trí Khu tập thể tiếp giáp mặt đường Cao Xuân Huy
Vị trí Khu tập thể tiếp giáp mặt đường Cao Xuân Huy

Vẫn “nóng” trước giờ giải tỏa, di dời

Việc GPMB để phân lô cho các hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức là việc làm rất cần thiết, không chỉ giải quyết chỗ ở cho bà con, mà còn góp phần làm khang trang diện mạo TP Vinh. Tuy vậy, quá trình thực hiện, từ năm 2012 đến nay, đã có rất nhiều đơn thư của công dân liên quan đến vị trí phân chia đất ở chưa công bằng và thu tiền hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa.

Cụ thể, gia đình bà Hoàng Thị Mai và ông Nguyễn Sỹ Thanh có đơn gửi cơ quan chức năng và Báo Công an Nghệ An phản ánh: Gia đình bà hiện đang sinh sống có đất bám mặt đường Cao Xuân Huy, nhưng khi phân lô, gia đình bà buộc phải chuyển đến vị trí khác. Và để có được đất bám đường Cao Xuân Huy, gia đình đã phải bốc thăm và cam kết đóng góp tiền tự nguyện 150 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tiến, Bí thư chi bộ và ông Hồ Viết Quảng, Khối trưởng khối 12, phường Hồng Sơn, không có đất bám mặt đường này nhưng được lựa chọn 2 lô đất nằm ở vị trí “đất vàng” và không đóng góp bất cứ một khoản hỗ trợ tự nguyện nào. Còn 6 hộ dân khác, để có được đất bám mặt đường Cao Xuân Huy, đã phải bốc thăm và nếu ai trúng, sẽ phải hỗ trợ tiền theo mức khối đưa ra trước khi bốc thăm. Có ít nhất 6 hộ gia đình đã phải bốc thăm và tự nguyện đóng tiền hỗ trợ, người ít nhất 150 triệu đồng, còn gia đình phải hỗ trợ nhiều nhất là 400 triệu đồng.

Ngày 18/5/2015, tất cả 6 gia đình này phải đóng tiền tự nguyện hỗ trợ, với tổng là 1 tỉ 538 triệu đồng để làm sổ tiết kiệm, gửi ngân hàng đứng tên ông Quảng và bà Hoàng Thị Minh, tổ trưởng Tổ dân cư số 6. Mặc dù biên bản ghi rõ, sau 1 năm dự án không triển khai được thì phải rút cả gốc lẫn lãi về trả cho các hộ dân, thế nhưng đến nay đã hơn 2 năm, dự án chưa triển khai, tiền của các hộ cũng không trả lại.

Ông Nguyễn Trọng Hiến, một trong những người hiện nay chưa nhận vị trí lô đất mới phản ánh thêm: Gia đình ông bám mặt đường Cao Xuân Huy, lẽ ra khi phân lô theo quy hoạch phải nhận được ở vị trí tương đương. Thế nhưng, lấy lý do nhường vị trí này cho các ông khối trưởng và bí thư chi bộ, nên đã “đẩy” ông đến một vị trí khác xa hơn, do đó ông không đồng ý với việc ưu tiên, sắp xếp này. Một số hộ dân cũng cho rằng, hộ bà Nguyễn Thị Nga có nhà ở mặt đường Ngô Đức Kế, nhưng khi quy hoạch lại ưu tiên sang đường Cao Xuân Huy, không phải bốc thăm và đóng tiền hỗ trợ như những hộ gia đình khác.

Đem những vấn đề này trao đổi với ông Hồ Viết Quảng, ông cho biết: Việc ông với ông Tiến, Bí thư chi bộ từ lối sau được ưu tiên 2 suất đất mặt đường và không phải đóng góp ủng hộ là có thật, nhưng việc này đã được nhân dân đồng tình, biểu quyết đạt 100% và bỏ phiếu kín đạt tỉ lệ 80%. Không chỉ vậy, bà con còn nhất trí đồng ý cho bà Sâm, là khối trưởng cũ được ra mặt đường 9 m. “Đây là sự quan tâm, động viên của nhân dân tới anh em khi chúng tôi nỗ lực thực hiện công tác quy hoạch cho nhân dân khối 12”. Còn về số tiền tự nguyện hỗ trợ, ông Quảng cho rằng, các hộ dân này có đơn xin bốc thăm và có giấy xin nộp tiền tự nguyện, chứ không có ai ép buộc như phản ánh (trên thực tế thì các văn bản này đều do khối in sẵn, đến ngày bốc thăm đưa cho các hộ dân ký vào).

Về những kiến nghị của vợ chồng bà Hoàng Thị Mai, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn, các đơn vị chức năng đã tiến hành xác minh, giải quyết và cho thấy, năm 1989, 2 vợ chồng bà Mai mua hóa giá 21,2 m2 nhà tập thể, thuộc lối 1, đường Cao Xuân Huy. Ngoài diện tích này, vợ chồng bà Mai còn tự ý chiếm đất trống của Xí nghiệp với diện tích 22,9 m2, phần diện tích này tiếp giáp với đường Cao Xuân Huy và không liền kề với vị trí mà gia đình đã mua hóa giá trước đó.

Riêng hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga, việc bà này từ đường Ngô Đức Kế chuyển sang Cao Xuân Huy là có thật, song do quỹ đất ở đường Ngô Đức Kế đã hết nên nhân dân khối 12 và bà Nga đã tự thỏa thuận chuyển sang vị trí lô đất ở theo quy hoạch mặt đường Cao Xuân Huy. Về việc các ông bí thư và khối trưởng được 2 suất đất trên mặt đường này, ngay tại vị trí gia đình ông Nguyễn Trọng Hiến đang sinh sống là do đã được sự đồng thuận nhất trí cao của bà con nhân dân trong khối.

Được biết, để đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án, ngày 3/8/2017, UBND phường Hồng Sơn đã có thông báo gửi đến tận các hộ gia đình. Theo đó, các hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức phải tự liên hệ và di dời đến nơi ở mới, tự tháo dỡ nhà cửa, công trình để bàn giao mặt bằng cho UBND phường thực hiện việc cắm mốc lô đất theo quy hoạch. Đến ngày 28/8, nếu các hộ gia đình nào không thực hiện, UBND phường Hồng Sơn sẽ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để cắt điện, cắt nước và các thông tin liên lạc khác, phục vụ công tác GPMB, chia lô đất ở làm cơ sở cho UBND TP Vinh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Thiên Thảo

Các tin khác