Khi quan hệ hôn nhân ngày càng xấu đi, mâu thuẫn các bên trở nên trầm trọng, không thể kéo dài và cuộc sống chung trở thành địa ngục thì giải pháp cuối cùng là ly hôn.
Sự giải thoát này không chỉ mang lại tự do cho hai người, mà còn giúp họ lấy lại thăng bằng để tiếp tục tồn tại. Tất nhiên, khi người này tự gắn cuộc đời mình với người kia, không bao giờ họ nghĩ tới một ngày nào đó sẽ xảy ra kết cục buồn bã này.
Thế nhưng, cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng màu hồng như họ tưởng, bởi sớm hay muộn sẽ nảy sinh nhiều phức tạp, nhất là khi những đứa trẻ chào đời, nhu cầu vật chất tăng lên và rất nhiều những quan hệ xã hội tác động đến cuộc sống gia đình.
Minh họa của Lê Tâm. |
Không khó khăn gì để các nhà nghiên cứu đưa ra hàng loạt nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cặp vợ chồng bị xô đến bờ vực thẳm: bất đồng quan điểm, tranh cãi thường xuyên; kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh và thiếu sự thông cảm chia sẻ lẫn nhau; lạm dụng bạo lực (chủ yếu là người chồng đối với vợ) khiến quan hệ ngày càng tồi tệ; cuộc sống chăn gối vợ chồng không được suôn sẻ; chồng không có trách nhiệm gia đình, bỏ bê trông nom con cái, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút; không có con (do vợ hoặc chồng, hoặc do cả hai); mâu thuẫn mẹ chồng con dâu; một trong hai người hoặc cả hai ngoại tình… Trong những nguyên nhân trên thì có một nguyên nhân chiếm tỷ lệ khá lớn là bạo lực gia đình.
Thống kê từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho thấy, cả nước trung bình mỗi năm có 60.000 vụ ly hôn, tập trung trong độ tuổi từ 20-30 tại các thành phố lớn.
Một thống kê khác chuyên biệt hơn: Trong các năm từ 2012 đến 2016, các địa phương trong cả nước có hơn 120.000 vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình. Rõ ràng đây là những con số đáng buồn, lý giải phần nào về những bế tắc trong cuộc sống và cách hành xử của vợ chồng trước những biến động phức tạp của xã hội hiện đại.
Bạo lực gia đình là một khái niệm rất rộng, bao gồm những hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục. Dù xét dưới góc độ nào thì kẻ sử dụng bạo lực cũng gây tổn thương đến người phải hứng chịu bạo lực.
Có thể coi đó là những vết thương khó lành bởi sự ám ảnh nhiều năm sau đó của các nạn nhân bị bạo hành.
Trong những gia đình có tình trạng bạo lực, sự ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên chính là những đứa trẻ.
Chúng không thể học tập một cách bình thường như các bạn khác và dễ hình thành trong tính cách sự nóng nảy, vô cảm, có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn, xung đột với bạn bè. Phải chăng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian qua.
Trong xã hội hiện đại, khi mỗi người dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động cá nhân, có thể nói, sự liên kết của các thành viên trong gia đình có phẩn lỏng lẻo hơn. Song, gia đình vẫn được coi là nơi gắn kết, là tổ ấm của mỗi người. Bạo lực gia đình xảy ra trong mỗi gia đình là hành vi vi phạm pháp luật của những người gắn bó dưới một mái nhà.
Chính vì thế, để hạn chế, ngăn chặn những hành vi đáng buồn trên, mối quan hệ gia đình rất cần được củng cố để nâng cao năng lực trong việc giải quyết các xung đột, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, gây tổn hại lẫn nhau.
Bên cạnh đó, gia đình là thành tố quan trọng nhất đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của từng cá nhân, là tiền đề để xây dựng đạo đức, lối sống và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn hành vi bạo lực trong gia đình, tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức trong 30 ngày của tháng 6 này trên phạm vi cả nước với chủ đề "Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình".
Cùng với công tác tuyên truyền, mọi người có dịp nhìn lại mình, kịp thời điều chỉnh những "mảnh ghép" chưa phù hợp để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững. Bởi ở đó, những đứa trẻ sẽ sinh ra và lớn lên, tiếp nối những truyền thống văn hóa. Khi các thành viên nói không với bạo lực, trao gửi yêu thương thì cũng là lúc thông điệp tốt đẹp đó được lan tỏa, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái hơn.