Gia đình xã hội

Nước muối sinh lý: Không thể dùng tùy tiện

09:04, 18/05/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Nhiều gia đình hằng ngày vẫn dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để vệ sinh mắt, mũi, họng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, như một biện pháp để phòng bệnh. Tuy nhiên, việc dùng NaCl 0,9% vẫn cần có những lưu ý mà không phải người dùng nào cũng nắm rõ.
 
Có mấy loại nước muối sinh lý?
 
NaCl 0,9% (còn gọi là dung dịch nước muối đẳng trương) có 3 loại: Loại để tiêm truyền, loại để nhỏ mắt và loại để nhỏ mũi, súc miệng, rửa vết thương.
 
Theo PGS. Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Đại học Y-Dược TPHCM, để sản xuất được nước muối sinh lý có chứa muối ăn NaCl ở nồng độ 0,9% (tức là 1 lít dung dịch nước chứa 9 g muối ăn), các chuyên gia phải tính toán sao cho hàm lượng tương đương với nồng độ của dịch cơ thể con người, gồm máu, nước mắt... trong tình trạng hoạt động sinh lý bình thường; đồng thời cần có một dây chuyền vô trùng, đặc biệt khi sản xuất loại dùng để tiêm truyền và nhỏ mắt.
NaCl 0,9%  có 3 loại: Loại để tiêm truyền, loại để nhỏ mắt và loại để nhỏ mũi, súc miệng, rửa vết thương. Không được dùng NaCl 0,9% dùng nhỏ mũi để nhỏ mắt
NaCl 0,9% có 3 loại: Loại để tiêm truyền, loại để nhỏ mắt và loại để nhỏ mũi, súc miệng, rửa vết thương. Không được dùng NaCl 0,9% dùng nhỏ mũi để nhỏ mắt
PGS. Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo: Có thể sử dụng NaCl 0,9% nhỏ mắt để nhỏ mũi họng, nhưng không thể sử dụng nước muối đóng chai 0,5-1 lít - loại để súc miệng, rửa làm sạch vết thương… để nhỏ mắt. Càng không thể tự ý pha chế muối ăn với nước để nhỏ mắt, vì dung dịch tự pha chế có thể bị nhiễm khuẩn, gây hại cho mắt.
 
NaCl 0,9% nhỏ mắt là loại riêng, được đóng chai nhỏ và bán ở nhà thuốc. Vì thuốc dùng cho mắt nên được bào chế trong điều kiện riêng tuyệt đối vô trùng và đẳng trương như thuốc tiêm.
 
Riêng đối với dung dịch NaCl 0,9% là thuốc tiêm truyền (còn gọi là dịch truyền), thì đây là dung dịch tốt nhất, vì phải đạt các tiêu chuẩn của thuốc dùng qua đường tĩnh mạch, đặc biệt là độ vô trùng tuyệt đối để tránh bị lây nhiễm bệnh. Loại này có thể dùng cho mắt, cho mũi họng và sát khuẩn vết thương.
 
Trong trường hợp bất đắc dĩ không mua được dung dịch NaCl 0,9%, khi cần rửa mũi, súc miệng hoặc rửa vết thương ngoài da, ta có thể dùng nước sạch và pha đúng nồng độ, tức pha 9 g muối sạch trong 1 lít nước sạch.
 
Dùng nước muối sinh lý thế nào cho hiệu quả?
 
Theo Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe TPHCM, bác sĩ cho sử dụng dung dịch NaCl 0,9% để súc miệng khi bị viêm họng hoặc rửa vết thương ngoài da, hoàn toàn không vì mục đích sát khuẩn, vì nước muối sinh lý không tiêu diệt được vi khuẩn. Mục đích của việc dùng NaCl 0,9% chỉ có tác dụng làm sạch vết thương, loại bỏ chất bẩn. Nếu muốn sát khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng dung dịch sát khuẩn kèm theo.
 
Mặc dù là thuốc dùng ngoài, nhưng khi dùng NaCl 0,9% vẫn phải thận trọng, đặc biệt cho trẻ nhỏ.
 
Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Trong trường hợp bé không bị bệnh, cha mẹ tuyệt đối không được lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé. Bởi vì trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.
Trên các chai NaCl 09% đều có ghi rõ dùng để nhỏ mắt hay nhỏ được cho cả mắt và mũi
Trên các chai NaCl 09% đều có ghi rõ dùng để nhỏ mắt hay nhỏ được cho cả mắt và mũi
 
Việc thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý để phòng bệnh như nhiều gia đình vẫn làm có thể gây nên 2 nguy cơ. Một là đầu nhựa của bình nhỏ mũi không sạch, hoặc tay người chăm sóc không sạch, sẽ làm trẻ bị nhiễm bệnh. Nguy cơ thứ hai là NaCl 0,9% sẽ làm khô lớp chất nhờn giữ ẩm sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi. Khi có cảm giác khô lặp đi lặp lại, niêm mạc mũi sẽ tự động sinh ra nhiều dịch nhờn hơn, có nghĩa là chảy mũi không vì một nguyên nhân nào cả.
 
Lượng nước mũi bị chảy không cần thiết đó sẽ tụ lại ở mũi họng, khiến trẻ ngạt mũi, hay thở khò khè và hay ho. Nếu lúc này người mẹ lại tiếp tục dùng nước muối sinh lý để làm sạch, sẽ tạo thành vòng lẩn quẩn, gây thêm bệnh cho trẻ, thậm chí dễ gây viêm nhiễm mạn tính.
 
Tương tự như nhỏ mũi, nhiều mẹ thường xuyên rửa mắt cho trẻ bằng NaCl 0,9%, vì tin rằng, nước muối này rất lành tính. Tuy nhiên, BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Chỉ nên sử dụng NaCl 0,9% thường xuyên cho trẻ trong tháng đầu tiên sau khi sinh, vì lúc này, các hốc tự nhiên trong mắt bị dính dịch từ cơ thể mẹ cần được thường xuyên vệ sinh để làm sạch.
 
Ngoài ra, khi trẻ có dấu hiệu viêm nhiễm, đổ dử vàng, đau mắt thì cha mẹ cần dùng NaCl 0,9% loại dành cho mắt để làm sạch lớp bẩn bên ngoài trước khi sử dụng thuốc điều trị.
 
Nếu mắt trẻ bình thường, mẹ thường xuyên nhỏ NaCl 0,9% cho con có thể khiến cho mắt bị khô, viêm giác mạc, ảnh hưởng tới chức năng của mắt khi trẻ lớn lên.
 
Cũng theo BS. Hoàng Cương, NaCl 0,9% có thể dùng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng chỉ dùng trong trường hợp rửa mắt, mũi khi bị bẩn, bụi bặm, viêm nhiễm... Khi dùng để rửa mắt, rửa mũi cho bé, bạn cần lưu ý là phải giữ vệ sinh lọ thuốc thật kỹ, tránh làm nhiễm bẩn đầu chai thuốc.
 
Không được dùng NaCl 0,9% quá 1 tháng sau khi mở nắp. Điều này giúp tránh nguy cơ nhiễm khuẩn vào chai thuốc khi chai đã mở nắp lâu ngày.
 
Chỉ nên nhỏ NaCl 0,9% khi trẻ vừa đi đường xa về hoặc vừa tắm xong. Nếu trẻ có dấu hiệu đau mắt, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và sử dụng thuốc phù hợp với bệnh, độ tuổi của trẻ.
 
Đối với mũi, chỉ nên dùng NaCl 0,9% rửa mũi cho trẻ trong trường hợp trẻ bị bệnh như ho, sổ mũi... Không được tự ý phòng bệnh cho trẻ bằng nhỏ nước muối hoặc dùng xịt muối nước biển sâu nhỏ vào mũi con, vì có thể ảnh hưởng niêm mạc mũi của trẻ.  
 
Khi trẻ có dấu hiệu chảy nước mũi, ho hắt hơi, mẹ có thể nhỏ 1-2 giọt NaCl 0,9% cho trẻ, sau đó yêu cầu trẻ xì mũi thật mạnh để làm sạch. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút đờm trong mũi hoặc làm bấc sâu kèn lấy nước mũi.
 
Lưu ý, khi trời lạnh, nếu muốn nhỏ mũi cho trẻ, mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng để làm ấm trước khi nhỏ cho trẻ.  
 
Khi trẻ bị các bệnh về mũi, xoang, có thể dùng NaCl 0,9% để rửa mũi cho bé nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
 
Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn: Hà Anh/Chinhphu.vn

Các tin khác