Gia đình xã hội
'Tự nguyện' hay bắt buộc nộp tiền mới làm giấy khai sinh cho con thứ 3?
(Congannghean.vn)-Thay vì nộp phạt thì lâu nay những người sinh con thứ 3 ở Nghệ An phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng ủng hộ cho quỹ Dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại địa phương. Tuy nhiên, để người dân tự nguyện nộp theo bản cam kết là rất khó, do vậy hầu hết các địa phương đã có sự liên kết giữa cán bộ Tư pháp và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ để thu khoản tiền này. Nghĩa là sau khi có phiếu thu “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng thì mới làm giấy khai sinh cho con thứ 3. Điều này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các gia đình sinh con thứ 3.
Anh Trần Khắc Đạt trú tại phường Vinh Tân (TP Vinh) bất bình về việc phải nộp số tiền 2 triệu đồng trước khi làm giấy khai sinh cho con thứ 3 |
Qua lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đã gọi điện thoại cho chị Nguyễn Thị Thành (tên nhân vật đã thay đổi - P.V) trú tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương để hỏi về việc gia đình chị vừa nộp số tiền 2 triệu đồng cho cán bộ làm chính sách DS-KHHGĐ xã này để được làm giấy khai sinh cho đứa con thứ 3? Chị Thành không khỏi bất bình cho biết, sự việc gia đình chị phải nộp tiền để làm giấy khai sinh cho con thứ 3 là có thật và mới chỉ diễn ra cách đây vài tháng.
“Khi chồng tôi đi làm giấy khai sinh, cán bộ Tư pháp xã bảo sang bên DS-KHHGĐ ủng hộ 2 triệu đồng rồi mới làm giấy khai sinh”, chị Thành cho biết. Ngoài ra, chị Thành còn dẫn ra một trường hợp khác trong xã khi đi làm giấy khai sinh cho con thứ 3, vì không nộp 2 triệu đồng nên cán bộ Tư pháp không làm, cuối cùng cũng phải vay 2 triệu đồng nộp đủ để làm khai sinh cho con. Chị Thành bày tỏ quan điểm, thực chất của việc này là người ta phạt nhưng cố tình nói tránh đi là ủng hộ, tự nguyện khỏi dư luận bàn tán...
Tuy nhiên, sau khi trao đổi câu chuyện này, mặc dù hết sức bức xúc, bất bình nhưng chị Thành đề nghị với phóng viên là gia đình không muốn đưa danh tính thật lên báo, sợ chính quyền địa phương biết sẽ gây rắc rối về các thủ tục hành chính sau này!
Trường hợp tương tự là chị Nguyễn Thị H. ở xã Viên Thành, huyện Yên Thành cũng đã phải nộp 2 triệu đồng khi làm giấy khai sinh cho con thứ 3. Trò chuyện với chúng tôi, cô gái thế hệ 9x là mẹ của 3 đứa trẻ cho biết, từ khi sinh cháu thứ 3, thời gian cháu ở viện nhiều hơn ở nhà. Mới đây, cháu phải điều trị hơn 1 tháng ở Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nói về việc phải nộp số tiền 2 triệu đồng để làm giấy khai sinh cho con chị, H. tỏ ra bất bình: “Hôm chồng em đi làm giấy khai sinh, họ bảo nộp tiền ủng hộ xong mới làm, còn không thì thôi. Mặc dù con đang đau ốm nhưng không muốn bị gây khó khăn ở địa phương nên gia đình em đã nộp và làm xong giấy khai sinh cho con. Tuy vậy, em cảm thấy việc này không công bằng, vì bản cam kết ghi là “tự nguyện” nhưng không khác nào ép buộc. Mặt khác, có một số người họ kiên quyết không chịu nộp thì cũng chẳng làm được gì họ”. Kết thúc câu chuyện, cũng như chị Thành ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương thì chị H. nói không muốn thông tin lên báo vì sợ bị gây khó khăn ở địa phương!
Nếu như chị Thành, chị H. bức xúc nhưng lo ngại bị gây khó khăn ở địa phương thì mới đây, anh Trần Khắc Đạt (33 tuổi) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh đã công khai bày tỏ sự bức xúc trước việc phải nộp 2 triệu đồng để làm giấy khai sinh cho con thứ 3. "Nói là tự nguyện, nhưng sao lại ràng buộc phải đóng tiền thì mới được nhận giấy khai sinh?", anh Đạt bày tỏ thắc mắc của mình.
Về phía người làm công tác dân số, bà Dương Thị Bích Ngọc, cán bộ DS-KHHGĐ phường Vinh Tân cho biết, không riêng gia đình anh Đạt mà tất cả các hộ dân trong diện sinh con thứ 3 trở lên, khi đến làm giấy khai sinh đều được phổ biến quy định "tự nguyện" đóng khoản phí 2 triệu đồng. Bà Ngọc nói, quy định trên được đơn vị thực hiện dựa vào Nghị quyết số 170 của HĐND tỉnh Nghệ An ban hành tháng 7/2015. Nghị quyết nêu rõ, những người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì "xử lý theo quy định của pháp luật, bản cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và quy ước, hương ước của địa phương, tổ chức đoàn thể cơ sở".
Phiếu thu tiền “tự nguyện” của UBND phường Vinh Tân |
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Điều 4, Chương II, Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 về “Ban hành quy định một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An” có quy định việc “Ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ” cho các đối tượng. Cụ thể, tại Mục 2.4, Mẫu ký cam kết số 2, ghi rõ: Nếu vi phạm “Chúng tôi tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho Ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn để góp phần đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ của địa phương”.
Như vậy, việc cán bộ DS-KHHGĐ thu số tiền 2 triệu đồng của những người sinh con thứ 3 là dựa trên Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND, ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh Nghệ An; Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An và Bản cam kết về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của các địa phương. Tuy nhiên, nếu dựa vào những văn bản trên thì rất khó để thu được số tiền như các gia đình đã cam kết trước đó. Do vậy, các địa phương vận dụng vào việc làm giấy khai sinh cho các trẻ để thu tiền, nếu chưa nộp khoản tiền “tự nguyện” nói trên thì chưa làm giấy khai sinh!
Vậy nhưng, khi được hỏi có sự việc phải “tự nguyện” nộp tiền cho Ban DS-KHHGĐ rồi mới làm giấy khai sinh cho các trẻ thì cán bộ Tư pháp các địa phương đều né tránh và cho rằng đó là người dân “tự nguyện” nộp tiền! Mặt khác, hiện nhiều người dân cũng đang hết sức băn khoăn về số tiền “tự nguyện” đã nộp nói trên đã và đang được các địa phương sử dụng như thế nào?
Có thể khẳng định, bất kỳ trẻ em nào sinh ra đều được quyền làm giấy khai sinh, các cơ quan, tổ chức có liên quan phải chịu trách nhiệm thi hành việc này, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các em về sau. Do vậy, nếu có việc ép buộc các gia đình sinh con thứ 3 phải nộp 2 triệu đồng “tự nguyện” vào Ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn rồi cán bộ Tư pháp mới làm giấy khai sinh cho các cháu là phải xem xét lại.
Đức Thắng