Gia đình xã hội

Tại xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

Xã mượn đất của dân 'quên' trả

15:05, 09/04/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đã hơn 10 năm nay, người dân Bản Bông 2, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu hết sức bức xúc vì chính quyền xã mượn đất nhưng không hoàn trả như cam kết ban đầu.

Xã mượn đất nhưng “quên” trả

Nhận được phản ánh của người dân, ngày 27/3, chúng tôi đã có mặt tại bản Bông 2, xã Châu Thuận để tìm hiểu thực tế. Được biết, gia đình ông Lương Xuân Tuyên (SN 1952) trú tại bản Bông 2, trước năm 1987 có 4,7 ha đất khai hoang được huyện công nhận và giao đất trồng rừng.

Biên bản mượn đất của người dân và diện tích đất xã mượn nhưng không trả
Biên bản mượn đất của người dân và diện tích đất xã mượn nhưng không trả

Ban đầu, trên mảnh đất này, gia đình ông Tuyên trồng lúa và cây quế. Đến năm 1987, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước theo Chương trình 327, gia đình đã đồng ý chuyển đổi canh tác từ cây trồng tự phát sang chuyên canh trồng cây quế theo vận động của UBND huyện Quỳ Châu và UBND xã Châu Thuận.

Cho đến năm 2002, khi thấy cây quế không mang lại kinh tế, cộng với sự vận động của chính quyền huyện Quỳ Châu và xã Châu Thuận, gia đình ông Tuyên một lần nữa chuyển sang trồng cây sở (loại cây chuyên dùng để ép dầu - PV). Thế nhưng, sau 3 năm chăm sóc, cây sở không hợp thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu nên không phát triển như dự kiến, buộc gia đình ông phải chặt bỏ và trồng xen canh các loại cây khác.

Đến năm 2006, UBND xã Châu Thuận vận động gia đình ông Tuyên và một số hộ ở bản Bông 2 ngừng canh tác trên đất nông nghiệp khai hoang để cho xã mượn đất thực hiện chuyển đổi cây trồng. Ngày 16/11/2006, gia đình ông Tuyên đã ký vào giấy cho UBND xã và ông Hồ Văn Thắng (cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu) mượn 4,7 ha đất khai hoang trong 5 năm. Vào thời điểm đó, UBND xã, vị cán bộ ngân hàng đã ký giấy mượn đất và cam kết sau 5 năm sẽ trả lại đất đã cải tạo, cùng toàn bộ cây trồng hiện hữu trên 4,7 ha đất cho gia đình ông Tuyên.

Đến năm 2011, sau khi thời hạn mượn đất đã hết, ông Tuyên có lên xã đề nghị được trả lại đất cho gia đình làm kinh tế thì xã không chịu. “Lúc đó, xã nói đất này là đất của xã, nằm trong quy hoạch, nếu gia đình có nguyện vọng sử đụng đất làm kinh tế thì phải làm hợp đồng thuê đất của xã và trả tiền theo vụ sản xuất. Đến nay, 4,7 ha gia đình khai hoang lại được xã cho người khác canh tác, trong khi gia đình 8 người chúng tôi chỉ có vài m2 đất để trồng lúa, kinh tế không sao phát triển được”, ông Tuyên bức xúc.

Thu thuế trên đất của dân?

Tương tự như trường hợp của ông Tuyên là gia đình ông Lương Xuân Nam (SN 1969). Ông Nam cũng khai hoang 1,2 ha đất hoang làm nông nghiệp phát triển kinh tế. Năm 1999, vì Trường THCS Châu Thuận thiếu phòng học tạm trong lúc chờ xây trường nên ông Nam đã đồng ý cho nhà trường mượn 1,2 ha đất trong thời hạn 3 năm. Sau 3 năm, Trường đã trả lại 1,2 ha đất cho gia đình ông Nam tiếp tục canh tác.

Ông Nam kể: Năm 2006, gia đình tôi trồng cây mía trên đất của mình thì bị cán bộ xã đến đòi tiền thuê đất với lý do đất này xã đã quy hoạch, thuộc xã quản lý. Vụ đầu họ nói mãi nên tôi đành nộp 600.000 đồng cho xã (50.000 đồng/ha), nhưng sau thấy quá vô lý nên tôi không nộp nữa.

“Khi tôi không nộp thì xã cho người xuống thu tiền và dọa sẽ thu hồi đất để cho người khác canh tác. Rõ ràng đây là đất của tôi mà cán bộ nói thế thì không đúng. Giờ thỉnh thoảng họ lại đòi, lại dọa khiến chúng tôi không yên tâm canh tác”, ông Nam cho hay.

Ngoài 2 hộ ông Nam và ông Tuyên, ở bản Bông 2 còn một số hộ khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo ông Hà Văn Hoàn, Trưởng bản Bông 2 cho biết: “Hiện, số đất người dân khai hoang bị xã đưa vào diện đất xã quản lý lên đến 16 ha. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị với xã về vấn đề này nhưng xã trả lời không rõ ràng. Chúng tôi ở đây đều là người dân tộc, trình độ thấp, chỉ mong sao cán bộ làm đúng để người dân có đất làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Đến 14 giờ ngày 28/3, sau khi nhận được phản ánh của người dân bản Bông 2, chúng tôi đã đến trụ sở UBND xã Châu Thuận để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh. Khi làm việc với chúng tôi, ông Cầm Bá Kinh, Chủ tịch UBND xã Châu Thuận cho biết: “Để trả lời vấn đề các anh phản ánh, xã phải thu thập tài liệu. Khi có đủ tài liệu thì xã sẽ trả lời”. Tuy nhiên, ông Kinh không hẹn ngày trả lời cụ thể mà chỉ nói rằng: “Chúng tôi công việc rất nhiều... Việc anh đề cập chúng tôi sẽ phân lịch trả lời sau”. Sau đó, ông Kinh viện lý do để mời chúng tôi ra khỏi phòng làm việc.

Mượn đất “quên” trả là sai?

Trước tình trạng trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu. Ông Sơn cho biết: “Như tài liệu và thông tin cung cấp thì rõ ràng xã đã làm sai. Đất của nhân dân khai hoang dù được hay chưa được sự công nhận của Nhà nước thì vẫn là đất của họ. Khi xã muốn thu hồi hay chuyển đổi mục đích sử dụng phải có sự đồng thuận của người dân, có quyết định của UBND huyện thì mới thực hiện được. Xã chỉ có quyền cho thuê trên diện tích đất thừa (đất 5%) và thu tiền ở diện tích đất này. Trường hợp xã có văn bản mượn đất của dân mà hết thời hạn không trả là sai”.

Ông Sơn cũng khẳng định: “Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất cứ báo cáo nào từ phía xã Châu Thuận về vấn đề trên. Huyện cũng chưa có quyết định thu hồi đất hay có chủ trương để xã mượn đất của dân cho doanh nghiệp khai thác sử dụng. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo huyện và cho kiểm tra xác minh. Nếu đúng đất của người dân khai hoang thì xã phải trả lại cho dân”.

Nguyễn Quỳnh - Tống Trang

Các tin khác