(Congannghean.vn)-Mặc dù đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, song những tồn tại, vướng mắc liên quan đến Dự án Thủy điện Khe Bố vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hàng nghìn hộ dân sống bất an trong khu vực lòng hồ, thậm chí họ còn thiệt thòi về quyền lợi khi có dấu hiệu bỏ sót hạng mục trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bài 2: Nhiều quyền lợi của dân chưa được giải quyết
Mỏi mòn chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và chế độ hỗ trợ vượt qua hộ nghèo, cơ sở hạ tầng tái định cư vừa làm xong đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nước và thiếu đất sản xuất tại nơi ở mới… là những vướng mắc, tồn tại từ năm này qua năm khác ở Dự án Thủy điện Khe Bố, nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng.
“Sống mòn” sau khi nhường đất làm thủy điện
Ông Phan Gia Hào trú tại bản Tân Hợp, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, thuộc diện di dời đến nơi ở mới, được hỗ trợ, đền bù số tiền 250 triệu đồng. Ngày 11/2/2015, gia đình ông nhận được thông báo của Chi cục Thuế huyện Tương Dương, thông báo về việc nộp thuế thu nhập cá nhân để làm bìa đất. Trước đó, ngày 10/2/2015, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) huyện Tương Dương đã có thông báo và chuyển hồ sơ đến cơ quan này để làm bìa đỏ cho thửa đất số 14, tờ bản đồ số 2 tại xã Tam Thái, với số tiền hơn 61,3 triệu đồng.
Dự án đường tránh ngập Quốc lộ 7A thi công dở dang |
Sau đó, ngày 23/3/2016, ông Hào tiếp tục ký hợp đồng kinh tế với Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Tương Dương với số tiền 1,9 triệu đồng để lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Tất cả những khoản tiền này đều đã được ông Hào nộp vào kho bạc Nhà nước, tuy nhiên chờ mãi đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có GCNQSDĐ.
Thực trạng của ông Hào cũng là tình trạng chung của hàng nghìn hộ dân trong khu vực lòng hồ Thủy điện Khe Bố, sau khi chuyển đến nơi ở mới nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ để giao dịch. Ông Vang Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết: Trên địa bàn xã hiện nay đang còn 273 hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ, vấn đề này đã được phản ánh rất nhiều lần trong các đợt tiếp xúc cử tri nhưng chưa được giải quyết. Về nguyên tắc, người dân đã nhường đất để làm dự án thì chủ đầu tư phải đi làm bìa đỏ cho nhân dân.
Tuy nhiên, đến nay, từ phía Ban quản lý Dự án Thủy điện Khe Bố đến UBND huyện Tương Dương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Hệ lụy là muốn có GCNQSDĐ để sử dụng, giao dịch mua bán và vay vốn ngân hàng, các hộ dân phải tự bỏ ra số tiền từ 3 - 5 triệu đồng để thuê các đơn vị đến trích đo, làm thủ tục.
Cũng theo ông Chuyên, liên quan đến Thủy điện Khe Bố, hiện xã Xá Lượng còn 10 điều tồn tại, trong đó có những vấn đề nhân dân hết sức bức xúc như Dự án đường tránh ngập Quốc lộ 7A đoạn qua xã Thạch Giám thi công dở dang (còn 30 m bê tông mặt đường chưa đổ, chưa gia cố mái theo yêu cầu của Cục Quản lý đường bộ II), một số nhà văn hóa ở các bản tái định cư như bản Mác, bản Cây Me chất lượng rất kém, xuống cấp ngay sau khi khánh thành; nhà vệ sinh của các cháu tại các trường học hư hỏng rất nhiều.
Ngoài ra, hiện còn 9 hộ dân ở bản Lau chưa được nhận tiền hỗ trợ, lý do là dự án thủy điện và dự án cầu treo bản Lau chồng lấn, hai bên đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, hậu quả là dân nhận phần thiệt thòi. “Chúng tôi phản ánh những tồn tại này rất nhiều lần, song phía Ban quản lý không chấp nhận, cho rằng đã hết thời gian bảo hành, công trình đã bàn giao nên không chịu trách nhiệm. Mặc dù trước đó, quá trình thực hiện, hồ sơ gốc nhà thầu không bao giờ cung cấp cho chính quyền địa phương để theo dõi”, ông Vang Hồng Chuyên bức xúc.
Một số hạng mục đường giao thông nội vùng tại các Khu tái định cư bản Phủng (Yên Thắng), bản Đình Tiến, Đình Thắng, Đình Hương và Đình Phong (Tam Đình) chưa được phê duyệt. Trong số này, từ năm 2014 đã thi công 2 hạng mục tại bản Đình Thắng và Đình Phong nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt và chưa được cấp kinh phí.
Một góc khu tái định cư bản Đình Thắng, xã Tam Đình |
Thậm chí, công trình cấp nước sinh hoạt ở bản Đình Thắng được BQL Dự án Thủy điện Khe Bố xây dựng từ năm 2012 với kinh phí hơn 2,2 tỉ đồng, đã hoàn thiện đập đầu nguồn, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến bản, tuy nhiên do bản Đình Thắng ở vị trí quá cao nên đã tạm dừng thi công. UBND huyện đã thuê “thần nước” đến khảo sát, lập phương án khoan giếng nhưng không có mạch nước ngầm. Để giải quyết, huyện đã đề xuất chủ đầu tư làm trạm bơm lấy nước từ lòng hồ qua bể lọc để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân nhưng chưa được phía Thủy điện đồng ý.
Chủ đầu tư quay lưng với dân?
Ngoài ra, một loạt tồn tại đến nay chưa được giải quyêt dứt điểm, dù Thủy điện Khe Bố đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2013 nhưng công tác kiểm kê cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, nhà cửa, đất đai, áp giá phê duyệt bồi thường và chi trả cho nhân dân vẫn còn vướng mắc, tồn tại. Đến nay, một số hạng mục như bồi thường đất cho các hộ dân tại thị trấn Hòa Bình vẫn chưa dứt điểm, hiện còn 63 hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù với tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng.
Năm 2016, sau khi chủ đầu tư cắm dày thêm 175 mốc lòng hồ thuộc khu vực dân cư thì một số hộ phát sinh ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu, vật kiến trúc với tổng kinh phí phải đền bù gần 1,8 tỉ đồng, hiện đang thỏa thuận với BQL Dự án thủy điện. Một số hạng mục chủ đầu tư không phê duyệt, dù huyện Tương Dương đã có tờ trình bao gồm: Kinh phí hỗ trợ xây dựng bể nước cho 68 hộ dân bản Đình Phong (Tam Đình); kinh phí di dời đúng tiến độ (đợt 2) cho 137 hộ dân thuộc diện di dời, hỗ trợ tổ dân quân giúp dân tháo dỡ nhà di dời, hỗ trợ cho các hộ dân tự san nền.
Liên quan đến việc đền bù, GPMB Dự án Thủy điện Khe Bố, Quyết định 4027 ngày 18/8/2009 của UBND tỉnh phê duyệt quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy đĩnh rõ: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được giao (hoặc giao khoán) ổn định hiện có mức sống thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí cấp huyện thì ngoài chính sách chung về ưu đãi đối với hộ thu đất và chính sách đối với hộ nghèo, còn được hỗ trợ để vượt qua hộ nghèo tính theo nhân khẩu hiện có.
Mức hỗ trợ cấp một lần, cụ thể hộ nghèo tại nông thôn là 5.760.000 đồng/khẩu; hộ nghèo tại đô thị là 3.600.000 đồng/khẩu”. Theo đó, Dự án Thủy điện Khe Bố có tất cả 1.885 khẩu thuộc hộ nghèo được Phòng LĐ-TB&XH và chính quyền các xã thống kê, đưa vào danh sách đối tượng nhận hỗ trợ vượt nghèo với tổng kinh phí hơn 10,85 tỉ đồng. Dù vậy, dự án đã đi vào hoạt động từ 4 năm qua nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được nhận khoản tiền hỗ trợ vượt qua hộ nghèo này. Thậm chí, ngày 25/11/2016, Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam còn có Công văn số 1156, đề nghị UBND tỉnh và UBND huyện Tương Dương xem xét bãi bỏ chi phí vượt qua hộ nghèo này.
Không chấp nhận điều đó, ngày 8/12/2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 9460 trả lời Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam, nhấn mạnh: “Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, mặc dù dự án đã phát điện từ tháng 5/2013, nhưng đến nay một số hạng mục cơ sở hạ tầng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành, một số chính sách hỗ trợ vẫn chưa được chi trả, trong đó có chính sách hỗ trợ vượt qua hộ nghèo vẫn chưa được thực hiện.
Vấn đề này đã gây bất bình trong nhân dân, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài... Nay Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam có đề nghị bãi bỏ khoản chi phí hỗ trợ vượt qua hộ nghèo lại càng gây bức xúc, làm mất lòng tin trong nhân dân vùng dự án. Để thực hiện lời hứa với người dân tái định cư thủy điện Khe Bố, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ vượt qua hộ nghèo theo phương án bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư đã được phê duyệt”.
Theo ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, sau khi có công văn này của UBND tỉnh, BQL Dự án Thủy điện Khe Bố mới có động thái khởi động trở lại sau gần 10 năm im hơi lặng tiếng về vấn đề này.
.