Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201704/mien-ky-uc-cua-nhung-cuu-tu-phu-quoc-735199/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201704/mien-ky-uc-cua-nhung-cuu-tu-phu-quoc-735199/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Miền ký ức' của những cựu tù Phú Quốc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/04/2017, 09:00 [GMT+7]

'Miền ký ức' của những cựu tù Phú Quốc

(Congannghean.vn)-May mắn sống sót trở về quê hương trong hòa bình, những cựu tù Phú Quốc vẫn không nguôi nhớ về ký ức một thời bom đạn, bị cầm tù. Những câu chuyện từ chốn “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc càng làm rõ thêm chân dung những chiến sỹ cách mạng kiên trung một thời.

Mô hình mô phỏng các chiến sỹ cách mạng thường xuyên phải gánh chịu những trận đòn roi của quân thù
Mô hình mô phỏng các chiến sỹ cách mạng thường xuyên phải gánh chịu những trận đòn roi của quân thù

1. Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã có hàng nghìn người con ưu tú của quê hương tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày. Dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng các chiến sỹ vẫn kiên trung, bất khuất, biến nhà tù thành chiến trường, thành trường học, liên tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi. Trở về địa phương, họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ tham gia kháng chiến bị địch bắt, tù đày, năm 2002, Ban Liên lạc cựu tù binh Nghệ An được thành lập. Năm 2008, Ban Liên lạc được đổi tên thành “Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Nghệ An”. 1 năm sau, UBND tỉnh ra quyết định cho phép thành lập “Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Nghệ An”. Đầu năm 2013, tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Nguyễn Trọng Thành, Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhà tù Phú Quốc được ví như “chốn địa ngục trần gian”, là nơi thử thách bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản; đồng thời là nơi tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của những người yêu nước Việt Nam”.

2. Đã tròn 50 năm trôi qua, nhưng những ký ức về nhà tù Phú Quốc cùng những kỷ niệm về đồng đội, sự tra tấn dã man và những cuộc đấu trí sinh tử để hoạt động cách mạng vẫn hiện hữu trước mắt ông Nguyễn Nhất Thắng trú tại số nhà 30, đường Nguyễn Sinh Sắc, TP Vinh.

Ông Nguyễn Nhất Thắng ôn lại những kỷ niệm ở nhà tù Phú Quốc
Ông Nguyễn Nhất Thắng ôn lại những kỷ niệm ở nhà tù Phú Quốc

18 tuổi, Nguyễn Nhất Thắng rời quê hương Hưng Lợi (Hưng Nguyên) đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1965, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Ông Thắng bồi hồi nhớ lại: “Tháng 3/1967, trong một lần đánh thủy quân lục chiến Mỹ, tôi bị thương nặng. Do đơn vị không đưa về được nên tôi cùng một số đồng đội bị bắt. Lần ấy, tôi đã là Trung đội trưởng với cấp bậc Chuẩn úy. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, để an toàn cho bản thân cũng như hoạt động cách mạng về lâu dài, tôi phải thay tên đổi họ là Phạm Văn Thăng, quê ở Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) với cấp bậc Binh nhất. Sau một thời gian tra khảo với đủ mọi cực hình rồi chuyển sang dụ dỗ nhưng không khai thác được gì, chúng đưa tôi về giam giữ tại Non Nước (Đà Nẵng)”.

Tháng 10/1967, ông được chuyển ra Phú Quốc. Tại đây, hàng ngày những người chiến sỹ cách mạng phải đối diện với cảnh tra tấn thừa sống, thiếu chết… Ông Nguyễn Nhất Thắng được xếp vào những tù binh “cứng đầu” nhất của nhà tù Phú Quốc. Cũng trong thời gian này, ông được kết nạp vào tổ chức hoạt động bí mật của Đảng và được kết nạp vào Đảng. Khát khao trở về bầu trời tự do, được cầm súng chiến đấu trả thù, ông đã cùng đồng đội tìm cách vượt ngục.

“Sau khi được lệnh của tổ chức, tháng 8/1968, tôi và 2 đồng đội của mình là anh Trần Văn Thắng và anh Hòa cùng đưa 1 đồng chí tên An vượt ngục bằng cách chui qua hàng rào thép gai của địch. Tuy nhiên, khi đã vượt qua hào và hàng rào kẽm gai cuối cùng, chúng tôi vướng phải dây pháo sáng của địch. Một tiếng nổ giòn, pháo sáng bay vụt lên trời soi rõ mặt từng người. Tiểu đoàn quân cảnh cho xả súng, xe tăng bao vây, bắt gọn chúng tôi. Đồng chí An bị thương nặng, còn 3 chúng tôi da bị rách toạc. Khi đó chúng tôi tự nhủ, thế là hết. Sau nhiều trận đòn roi, chúng nhốt chúng tôi vào két xô - loại hòm kim khí đựng khí tài. Trời nóng lại bị khủng bố tinh thần bởi tiếng búa đập bên ngoài rung chát chúa thấu óc. Ai cũng tự nhủ rằng: “Nhà tù khổ quá không chịu được, chúng tôi phải bỏ trốn”. Ông Nguyễn Nhất Thắng nhớ lại.

Bằng ý chí sắt đá, hầu hết những chiến sỹ tù yêu nước ở Phú Quốc đã giữ trọn khí tiết để có quyền ngẩng cao đầu trở về đội ngũ cách mạng trong ngày trao trả sau Hiệp định Pari 1973. Sau khi được trao trả, ông Nguyễn Nhất Thắng về làm trợ lý tác huấn Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hưng Nguyên. Năm 2002, ông Thắng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, góp phần vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

“Điều may mắn với tôi là được gặp lại người bạn tù cùng vượt ngục năm xưa sau 40 năm tìm kiếm. Đó là vào năm 2009, sau chuyến trở lại thăm đảo Phú Quốc và làm lễ an táng hơn 300 hài cốt liệt sỹ do Nhà nước tổ chức, tôi gặp lại ông Trần Văn Thắng. Lúc đó, chúng tôi ôm chầm lấy nhau rồi xúc động nghẹn ngào”, ông Nguyễn Nhất Thắng chia sẻ.

3. Mặc dù tuổi đã cao, không còn được minh mẫn nhưng mỗi lần nhớ về chốn “địa ngục trần gian”, ông Nguyễn Trường Tộ trú tại khối 9, phường Đội Cung, TP Vinh vẫn nhớ như in “đó là ký ức không thể quên về khoảng thời gian phải chịu đựng tột cùng về thể xác. Cảnh đồng chí, đồng đội bị bầm dập bởi đòn roi, những vết thương lở loét, rỉ vàng vì thiếu kháng sinh, những thân hình chỉ còn da bọc xương khiến tôi day dứt, trăn trở...”.

Tuổi cao, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ông Nguyễn Trường Tộ vẫn nhớ như in những ký ức ở chốn ngục tù
Tuổi cao, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ông Nguyễn Trường Tộ vẫn nhớ như in những ký ức ở chốn ngục tù

Học xong lớp 10, Nguyễn Trường Tộ lên đường nhập ngũ, trở thành lính quân y, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên. Ngày 29/5/1968, trong một trận chống càn không cân sức, ông bị thương, không may sa vào tay giặc và bị giam ở Non Nước. Không khai thác được gì, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc. 5 năm trong chốn lao tù, chứng kiến cảnh đồng đội vật vã bởi những trận đòn roi, những vết thương, những cơn ho kéo dài…, ông Tộ không cầm được nước mắt. Với vốn kiến thức về y học có được, ông đã đề xuất Đảng bộ nhà tù cho anh em tù binh đấu tranh yêu cầu địch cấp phát thuốc và chữa bệnh. Kiên trì đấu tranh, cuối cùng những người bệnh nặng cũng được khám và cấp thuốc.

“Trong tù không có dụng cụ chữa bệnh nên tôi bí mật nhặt nhạnh những mẩu thép nhỏ, tán mỏng rồi mài sắc thành chiếc kim, dùng để châm cứu cho những người bị đánh đập bầm dập, thương tích tụ máu. Hay tận dụng những chiếc xi lanh vứt đi, sửa sạch để làm dụng cụ chữa bệnh.”, ông Tộ kể.

Quá trình cứu chữa đồng đội trong tù đã cho ông nhiều bài học quý. Mong muốn lưu giữ những kinh nghiệm chữa bệnh, ông nảy sinh ý tưởng ghi chép lại vào một tập giấy nhỏ. Nhưng trong chốn lao tù lấy đâu ra giấy, bút, mực để viết. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng ông tìm ra cách ghi chép độc đáo. Những bao thuốc lá được làm thành những mảnh giấy. Mực viết được lấy từ con mực, còn bút được vót từ thanh tre, mài nhọn đầu. Cẩn thận ghi chép những kinh nghiệm có được, tập giấy nhỏ trở thành một báu vật vô giá được ông lưu giữ cho đến nay…

Sau khi được trao trả, với mong muốn được cống hiến cho ngành y, ông Nguyễn Trường Tộ thi đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Sở Y tế Nghệ An rồi làm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh. Ông đã tham gia biên soạn nhiều công trình về Đông y và được Bộ Y tế trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, Hội Đông y Việt Nam tôn vinh danh hiệu Lương y tiêu biểu.

Ông Nguyễn Nhất Thắng và ông Nguyễn Trường Tộ chỉ là 2 nhân chứng sống trong số hàng nghìn chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt, tù đày. Từ trong gian khổ, họ đã tỏa sáng bởi ý chí kiên trung, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Chiến tranh đã lùi xa, nhắc tới những con người đã đổ máu, hy sinh để đất nước được độc lập, tự do cũng là nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải sống làm sao cho xứng đáng với quá khứ hào hùng của cha anh...

.

Phan Tuyết

.