Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201703/nguoi-gac-tau-tham-lang-729245/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201703/nguoi-gac-tau-tham-lang-729245/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người gác tàu thầm lặng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 24/03/2017, 10:12 [GMT+7]

Người gác tàu thầm lặng

(Congannghean.vn)-Hơn 12 năm qua, thương binh 1/4 Nguyễn Huy Chi (78 tuổi) trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vẫn tình nguyện làm nhiệm vụ cảnh giới đường ngang qua đường sắt, đảm bảo an toàn cho mỗi người dân khi tham gia giao thông qua đây. Với ông, dù có nhiều vất vả, áp lực nhưng sự an toàn của người dân mỗi lần qua đường ray chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc ông thầm lặng gắn bó với công việc gác tàu bao năm qua.

 Cựu chiến binh - thương binh Nguyễn Huy Chi vẫn ngày ngày cần mẫn làm nhiệm vụ gác tàu
Cựu chiến binh - thương binh Nguyễn Huy Chi vẫn ngày ngày cần mẫn làm nhiệm vụ gác tàu

Cung đường ngang Km 253+030 nối giữa 2 xã Quỳnh Tân và Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu là địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn đường sắt hết sức thương tâm. Để giảm thiểu những vụ tai nạn xảy ra, ngành Đường sắt đã phối hợp với chính quyền xã Quỳnh Tân tổ chức cảnh giới đường ngang dân sinh và giao cho các tổ chức đoàn thể đảm nhận.

Sau thời gian đầu thử nghiệm, chính quyền xã Quỳnh Tân đã giao hẳn công việc này cho Hội Cựu chiến binh xã. Trên cơ sở tự nguyện của người dân, Hội Cựu chiến binh đã phân công 2 người đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới đường ngang này, trong đó có cựu chiến binh - thương binh Nguyễn Huy Chi.

Để hỗ trợ cho công việc của ông Chi, chính quyền địa phương đã xây cho ông một cái chòi nhỏ gần đường ngang. Trong căn chòi đơn sơ, hầu như chẳng có thiết bị gì, ông Chi vẫn hàng ngày cần mẫn với nhiệm vụ cảnh giới đường ngang qua đường sắt, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông qua đây. Và trong suốt 12 năm qua, dù trời mưa to gió bão, cứ 5 giờ sáng hàng ngày, cùng với chiếc xe đạp cũ kĩ, ông cần mẫn đi trên con đường trơn dốc để ra cho kịp chuyến tàu sáng đầu tiên. Và cũng nhờ những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của ông, suốt 12 năm qua, cung đường sắt qua điểm giao nhau với xã Quỳnh Tân này trở nên an toàn hơn.

Chia sẻ về những kỷ niệm trong suốt thời gian gắn bó với công việc, ông Chi cho biết: “Cách đây khoảng 2 năm, có người phụ nữ ở xã Quỳnh Thọ đi xe máy chở muối qua đường ngang. Biết có tàu chuẩn bị tới, mặc cho tôi thổi còi ra hiệu nhưng chị vẫn cứ muốn vượt qua cho bằng được. Thế rồi, vì va phải đá mà cả người và xe ngã trên đường ray. Biết tàu sắp chạy qua, tôi nhanh chóng chạy tới đỡ chị và xe vào phía trong. May mắn, tính mạng chị ấy an toàn, chỉ có bao muối là bị tàu tông tung tóe”.

Ngoài lần cứu người phụ nữ đó, ông còn nhiều lần đứng chắn trước đường ray không cho xe đạp, xe tải cũng như những em học sinh cấp 3 trên đường đi học về chủ quan lao xe qua đường khi tàu chuẩn bị chạy qua. “Họ cứ nghĩ tôi bị gì nên vẫn cố tình băng qua đường ray. Nhiều người còn đòi đánh tôi vì làm trễ mất thời gian của họ. Chỉ khi mọi người nhìn thấy tàu chạy qua, biết được ý tốt của tôi mới xuống xe xin lỗi, rồi cảm ơn rối rít”, ông Chi tâm sự.

Mỗi ngày điểm đường ngang ông Chi gác chắn có hàng trăm người dân qua lại, trong khi đó trung bình có 7 chuyến tàu khách chạy qua, đó là chưa kể đến các chuyến tàu hàng đột xuất. Vì thế, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nếu không có người cảnh giới là rất cao. Công việc gác tàu tốn nhiều thời gian, lại cần sự cẩn trọng, nên con cháu khuyên ông nên ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng cứ về nhà, nghĩ đến sự an toàn tính mạng của người dân, ông lại vội vàng đạp xe ra gác tàu. Ông Chi tâm sự: “Chừng nào tôi còn khỏe, còn đi lại được thì tôi vẫn còn gác ở đây. Ngày ngày được nhìn thấy những chuyến tàu an toàn đi qua là niềm vui lớn của tôi”.

.

Việt Hà

.