Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh
(Congannghean.vn)-Trong cuộc đời của mỗi người, chúng ta khó tránh khỏi những phút giây yếu lòng, bị cám dỗ. Có người cứ mặc dòng đời xô đẩy, chẳng thể nào thoát khỏi những ám ảnh quá khứ, nhưng cũng có rất nhiều tấm gương điển hình, đã nỗ lực vươn lên, đấu tranh với bản thân từng ngày, từng giờ và quyết tâm cùng gia đình dựng xây lại hạnh phúc. Câu chuyện về nghị lực của chị Nguyễn Thị Tân tại xóm 15, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành mà chúng tôi phản ánh dưới đây chỉ là một trong nhiều điển hình về công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hy vọng rằng, hạnh phúc của gia đình chị Tân sẽ là động lực để những người từng có quá khứ lầm lỗi thêm tin yêu và cố gắng hơn nữa, hướng tới ánh sáng tương lai phía trước.
Là điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của địa phương, ít ai biết được rằng, chị Nguyễn Thị Tân (SN 1968) trú tại xóm 15, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành từng phải chấp hành án phạt tù. Trở về cuộc sống đời thường, từ hai bàn tay trắng, chị đã đứng dậy sau vấp ngã bằng chính nghị lực của mình. Hiện tại, gia đình chị đang sở hữu khối tài sản khá lớn, là chủ của một xưởng cưa, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tân tại xưởng cưa gỗ của gia đình |
“Vì nông cạn, thiếu hiểu biết”
Tìm về xóm 15, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, khi hỏi về xưởng cưa Thủy Tân của gia đình anh Nguyễn Văn Thủy - chị Nguyễn Thị Tân, hầu như ai cũng biết. Họ biết đến chị không phải vì chị từng có một quá khứ lầm lỗi mà bởi vì gia đình chị là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi tại địa phương. Qua thời gian hoạt động, xưởng cưa của gia đình anh chị đã tạo nên những sản phẩm có uy tín, thương hiệu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa mới hoàn thành, chị nhẹ nhàng chia sẻ về những thăng trầm mà bản thân đã trải qua, về những cố gắng, nghị lực vượt qua gian khó, với không ít mồ hôi, nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Tân sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, chị là con thứ 3, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Học chưa hết cấp 3, chị lấy chồng rồi sinh con. Lần lượt 2 đứa con ra đời trong tình cảnh liên tiếp mất mùa, hạn hán. Áp lực kinh tế cũng như gánh nặng mưu sinh khiến nhiều đêm chị trằn trọc, ước mong một ngày cuộc sống bớt khổ cực hơn. Nghe theo lời khuyên của mọi người, chị lên Mường Xén, Kỳ Sơn nhập phế liệu xây dựng. Rồi trong một lần đi nhập hàng, nghe theo lời xúi giục của người xấu, chị quyết định mang theo ít ma túy. Suy nghĩ nông cạn, thiếu hiểu biết, cộng với ước mong có bát cơm đủ đầy cho con mỗi ngày đã khiến chị phải trả giá đắt.
“Ngay cả khi bị lực lượng Công an bắt, tôi cũng chỉ nghĩ, họ bắt vài ngày là thả ra. Việc học hành không đầy đủ khiến tôi không biết tác hại ghê gớm mà ma túy gây ra cho mọi người. Đó thật sự là những ngày khó khăn, cùng cực nhất cuộc đời tôi”, chị Nguyễn Thị Tân tâm sự. Với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, năm 1997, chị bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 48 tháng tù giam, phải chấp hành án phạt tù tại Trại giam số 6, Bộ Công an.
Trong quá trình cải tạo, chị được phân công về Đội sản xuất gồm 25 người. Nhờ gương mẫu trong lao động, chấp hành kỷ luật nơi giam giữ cải tạo và tuyên truyền, vận động các phạm nhân chấp hành nghiêm các quy định nên chỉ một thời gian ngắn, chị đã nhận được sự tin tưởng của cán bộ quản giáo và sự quý mến từ các phạm nhân. Qua các lần bình xét giảm án, chị Tân được Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xét giảm 2 lần, năm 2000, chị được trở về đoàn tụ cùng gia đình trước thời hạn 17 tháng.
Công an huyện Yên Thành trao đổi với chị Nguyễn Thị Tân về công tác đảm bảo ANTT tại địa phương |
Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực
Trở về quê, những ngày đầu, chị gặp không ít khó khăn bởi một số người còn tỏ ra e ngại, kỳ thị, họ không tin rằng những người "ở trại" về có thể “cải tà quy chính”... Hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi số tiền nợ vẫn chưa thể trả hết. Buồn nhất là lúc nhập trại, các con còn quá nhỏ để nhớ mặt mẹ, sau 3 năm trở về, dù đã được bố và người thân nói chuyện, nhưng cậu con trai út vẫn không chịu nhận mẹ. Nhiều đêm ngủ cùng con, muốn ôm con vào lòng mà cậu bé cứ quay đi từ chối, trái tim người mẹ như có ai xát muối. Chị chỉ dám lặng im ngắm con trai khi nó đã tròn giấc. Tủi phận, xót xa, nhưng chị chẳng dám nói con nặng lời. Chị tin rằng, sẽ có ngày, bằng nỗ lực và yêu thương, con trai sẽ đón nhận mình.
Với đàn ông, việc làm lại cuộc đời đã khó, với người phụ nữ, khó khăn càng nhân lên gấp bội. Nhưng chính trong quãng thời gian gian nan, thử thách, đầy khắc nghiệt ấy của cuộc sống, tâm hồn chị lại được sưởi ấm nhờ tình yêu thương, lòng vị tha, rộng lượng từ người chồng thủy chung và người thân. Đó còn là sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và anh em họ hàng thân thích.
Họ không chỉ động viên về mặt vật chất mà còn bằng tình thương và trách nhiệm trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời anh chị. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã cũng động viên, tạo điều kiện cho chị vay thêm số tiền 10 triệu đồng để mở xưởng cưa tại nhà. Dần dần, xưởng cưa từng bước được mở rộng trên diện tích 700 m2. Ngoài việc tạo thu nhập ổn định cho gia đình, chị còn tạo công việc ổn định cho 3 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm của xưởng cưa gia đình chị từng bước tạo dựng uy tín và thương hiệu, được người dân lựa chọn tin dùng.
Để tạo thêm thu nhập và công việc ổn định cho con trai út, chị quyết định vay vốn ngân hàng, mua thêm chiếc xe tải để chuyên chở vật liệu xây dựng. Từ chỗ gặp vô vàn khó khăn, chỉ trong thời gian ngắn, đến nay, gia đình chị đã có cơ ngơi khang trang với nhiều phương tiện sinh hoạt có giá trị. Năm 2016, chị hoàn thiện xong căn nhà hai tầng khang trang, tiện nghi.
Để có những “quả ngọt” như hiện tại, chị luôn thầm cảm ơn anh Nguyễn Văn Thủy - người chồng, người bạn đồng hành thủy chung trong suốt những năm qua. Anh đã bên cạnh chị những lúc tăm tối nhất cuộc đời, cùng chị vực dậy sau bao khó khăn, vấp ngã và sẻ chia với chị những nỗi niềm. Anh luôn là bờ vai vững chắc để chị có thêm động lực, quyết tâm hơn nữa trong chặng đường xây dựng hạnh phúc. Hiện, anh Thủy đang là Xóm trưởng xóm 15, xã Mỹ Thành.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Thành cho biết: Vượt qua những mặc cảm, chị Nguyễn Thị Tân đã luôn nỗ lực, quyết tâm trở thành công dân tốt. Ngoài thời gian làm kinh tế, chị còn tham gia các phong trào của địa phương, tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và đảm bảo ANTT trên địa bàn. Với những cố gắng trên, năm 2014, chị vinh dự được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Chia tay với chị Nguyễn Thị Tân khi đã về chiều, tôi vẫn nhớ như in cái nắm tay thật chặt, nụ cười hiền lành của người phụ nữ đậm nét chân quê. Hạnh phúc giản dị, ấm êm mà chị và gia đình đang có chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi. “Quả ngọt” sau năm tháng khó khăn, lầm lỗi chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng vẫn luôn để dành cho những ai có nghị lực, niềm tin vào ánh sáng và hướng thiện...