Gia đình xã hội

Đề án 52 góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe dân cư vùng biển

09:11, 16/02/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm qua, thực hiện Đề án 52 của Chính phủ về kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS). Nhờ vậy, sau 7 năm triển khai công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của các xã vùng biển đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuyên truyền chính sách DS - KHHGĐ cho thanh niên vùng biển
Tuyên truyền chính sách DS - KHHGĐ cho thanh niên vùng biển

Trong những năm qua, công tác DS - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các xã ven biển. Đây là những xã có tỉ lệ gia tăng dân số và số gia đình sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Nguyên nhân là do đặc thù nghề nghiệp, nhiều gia đình muốn có nhiều con, muốn có con trai để đi biển và nối dõi tông đường. Nhận thức của hầu hết chị em phụ nữ còn hạn chế trong việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ. Do đó, mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại các xã vùng biển còn cao, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai khá thấp.

Năm 2009, thực hiện Đề án 52 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án tại 10 xã biển và ven biển gồm: Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Sơn Hải, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng.

Nhận thức rõ những trở ngại trong việc triển khai thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền và Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã xác định việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa công tác này. Phối hợp với các ban, ngành cấp huyện, các địa phương tổ chức nhiều loại hình hoạt động, nhiều kênh truyền thông khác nhau nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền.

Hàng năm, huyện phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em (SKBMTE), SKSS/KHHGĐ tại các xã vùng biển, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên tham gia; tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ; truyền thông, lồng ghép các sự kiện về DS - KHHGĐ tại 10 địa phương thuộc Đề án.

Xác định nam giới và trưởng tộc có vai trò quan trọng về công tác DS - KHHGĐ, năm 2010, huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo thành lập CLB Nam giới để tăng cường công tác tuyên truyền tại 2 xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Thọ, ưu tiên những người trong độ tuổi, đặc biệt là các đối tượng đông con chưa thực hiện các biện pháp tránh thai, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia.

Đây được đánh giá là cách làm mang lại hiệu quả, bởi từ trước đến nay, đối tượng này hầu như rất ít khi được tuyên truyền về công tác dân số. Phần lớn mọi người đều nghĩ thực hiện chính sách DS - KHHGĐ là việc của phụ nữ. Mô hình các CLB này đang được huyện Quỳnh Lưu nhân rộng và thu hút đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả Đề án này, huyện Quỳnh Lưu còn đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc SKBMTE/KHHGĐ. Thành lập đội tuyên truyền lưu động cung cấp các dịch vụ về công tác DS - KHHGĐ, thường xuyên tổ chức các hoạt động ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu về công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ SKSS cho bà mẹ, các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi có nhu cầu sử dụng. Triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai an toàn.

Sau 7 năm triển khai Đề án, công tác DS - KHHGĐ tại các xã vùng biển và ven biển Quỳnh Lưu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên của huyện giảm còn 0,9%; tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 2,5%; tỉ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng. Trong 5 năm (2010 - 2015), đã tổ chức khám phụ khoa 74.095 lượt người; trong đó có 34.687 ca được cấp thuốc điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, 6.799 ca được siêu âm phát hiện sớm để chăm sóc SKSS, 23.204 ca đặt dụng cụ tử cung, 262 ca cấy thuốc tránh thai, 6.098 ca tiêm thuốc tránh thai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số miền biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Đình Tùng, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu cho biết: Cũng như các địa phương khác, nhu cầu có con trai nối dõi và sinh thêm con để đi biển của các cặp vợ chồng tại các xã ven biển vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường. Hầu hết trang thiết bị tại một số trạm còn thiếu, chưa được nâng cấp, không đủ đáp ứng việc khám, chữa bệnh cho người dân. Những người đi biển lâu dài nên ít được tiếp cận với công tác truyền thông và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Đề án 52 về kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tăng cường và thống nhất vai trò quản lý Nhà nước về dân số. Có thể khẳng định, Đề án 52 đã được triển khai kịp thời, sâu rộng và vận dụng có hiệu quả. Chính sách dân số đã được cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm của các xã vùng biển huyện Quỳnh Lưu. Từ đó, đã xây dựng được chính sách  huy động nhân lực, tài chính để thực hiện công tác dân số, lồng ghép các yếu tố dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các xã vùng biển cũng như huyện Quỳnh Lưu.

Thanh Toàn

Các tin khác