Gia đình xã hội

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh vào mùa xuân

07:46, 15/02/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện đang là thời điểm giao mùa Đông Xuân, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan. Thời điểm này cũng đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp, thủy đậu, rubella, tiêu chảy… Bởi vậy, việc chủ động phòng dịch, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh có thể lây lan thành dịch chiếm vai trò hết sức quan trọng.

Phụ huynh đưa trẻ đi đăng ký thăm khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An
Phụ huynh đưa trẻ đi đăng ký thăm khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu năm mới, tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ ngày 28/1- 9/2, thời điểm Tết Nguyên đán đã có gần 8.500 trẻ thăm khám tại bệnh viện, trong đó có đến 1.709 trẻ phải nhập viện, chủ yếu liên quan các bệnh về hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản).

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Do thời tiết vào mùa xuân thường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp rất thích hợp cho các vi sinh vật phát triển. Khí hậu thất thường càng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài bệnh cúm, còn có bệnh tay chân miệng, thủy đậu, đau mắt đỏ… Hiện, các ca mắc bệnh thủy đậu đã xuất hiện rải rác, trong 7 ngày (từ 3 - 9/2) đã có 28 ca mắc bệnh thủy đậu vào khám và điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Có thể thấy, tại thời điểm này vào các năm trước, một số loại dịch bệnh mùa xuân - hè diễn biến rất phức tạp, khó lường. Như thời điểm này năm 2014, dịch sởi bùng phát trên toàn quốc; dịch sốt xuất huyết có ở một số địa phương như Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… Bên cạnh đó, dịch đau mắt đỏ và thủy đậu cũng đã bùng phát, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Một phần nguyên nhân vì trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ. Khi đã bùng phát thành dịch, công tác dập dịch và kiểm soát tránh lây lan thường khó khăn và tốn kém hơn.

Biện pháp phòng, chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chú ý tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, ho gà. Do đó, các gia đình nên đưa con đi tiêm theo chương trình tiêm chủng quốc gia tại trạm y tế các xã, phường theo đúng lịch; tránh tình trạng đợi tiêm vắc xin dịch vụ hoặc đến lúc có dịch, mùa cao điểm của dịch mới cho trẻ đi tiêm gây tình trạng quá tải và thiếu hụt vắc xin. Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn, nhất là phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng các bệnh như cúm, sởi, rubella, thuỷ đậu.

Các đơn vị, địa phương và người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo ăn chín, uống sôi, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em… để phòng, chống dịch bệnh.

Ông Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã yêu cầu trung tâm y tế các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Sởi, ho gà, thuỷ đậu, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người tại cộng đồng, các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu có ca nhiễm phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Hiện nay, trang thiết bị máy móc phòng, chống dịch bệnh ở các tuyến trên địa bàn được trang bị khá đầy đủ, vật tư, hoá chất, trang phục bảo hộ… luôn được dự trữ sẵn sàng.

Bác sĩ Trang cũng khuyến cáo thêm: Người dân cần chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho chính mình và người thân; cần từ bỏ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh như ăn tiết canh, gỏi sống... để tránh mắc một số bệnh như liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp; đồng thời, cần chủ động tiêm chủng các loại bệnh dễ có nguy cơ bùng phát như: Cúm, thuỷ đậu, rubella...

Mai Hậu

Các tin khác