(Congannghean.vn)-Thông tin về xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có tỉ lệ hộ nghèo cao, có 13/14 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, là “ngưỡng” chênh lệnh lớn so với các địa phương trong vùng đặc thù khiến dư luận không khỏi băn khoăn, cần được các cấp, ngành liên quan giải trình rõ.
Nghịch lý từ những con số
Từ trung tâm UBND xã Thanh An, chúng tôi ghé vào thôn 9, là một trong những thôn nằm ở trung tâm của xã. Thực tế ghi nhận đây là địa bàn thuận lợi về giao thông cũng như cơ sở vật chất đối với một xã trung du miền núi. Đi trên con đường liên thôn không khó để nhận ra nhiều ngôi nhà cao tầng và những ngôi nhà ngói khang trang, rộng rãi. Thế nhưng, khó có thể tin rằng, thôn 9 chính là một trong 13 thôn đặc biệt khó khăn của xã Thanh An, huyện Thanh Chương.
Một góc xã Thanh An, Thanh Chương |
Qua thống kê, thôn 9 có 135 hộ, trong đó tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 59,16%. Được biết, năm 2016, thôn mới "được công nhận" thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Cách thôn 9 không xa là thôn Thượng Lâm, một trong những thôn khó khăn nhất của xã Thanh An. Được biết, hiện Thượng Lâm có 44 hộ, tất cả đều canh tác chè với tổng diện tích trên dưới 75 ha.
Theo người dân ở đây cho biết, bình quân mỗi ha chè cho thu hoạch từ 4 - 5 lứa/năm, năng suất trên 17 tấn. Với mức giá dao động khoảng 3.500 đồng/kg chè búp tươi thì mỗi ha mang lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư vẫn còn lãi xấp xỉ 50 triệu đồng/năm. Con số này có thể khẳng định một điều, nếu tính mặt bằng chung của vùng trung du thì thu nhập này ở mức trung bình khá.
Thống kê của xã Thanh An cho thấy, hiện tại mức thu nhập bình quân của xã là 17,9 triệu đồng/người/năm. Bình quân thu nhập xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập đối với hộ cận nghèo là 500.000 đồng. Bởi nếu xét riêng về tiêu chí thu nhập theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 700.000 đồng/tháng; hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 700.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Cùng với mức thu nhập, hiện tại ở xã Thanh An có một thuận lợi quan trọng, đó là lực lượng lao động. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có trên dưới 50 lao động tham gia thị trường lao động nước ngoài. Riêng năm 2016 có trên 60 người xuất khẩu lao động. Hiện, Thanh An có khoảng 300 lượt người đi lao động tại nước ngoài, mỗi người có mức thu nhập bình quân trên dưới 150 triệu đồng/năm. Hiện tại, số người trong độ tuổi lao động trong toàn xã Thanh An là 2.680/3.190 người, đạt tỉ lệ 84%. Điều đó chứng tỏ lực lượng lao động ở Thanh An đang là nguồn lực mạnh để phát triển kinh tế, từ đó kéo giảm hộ nghèo.
Còn theo các quy định để công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều, đối với mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội, ở Thanh An có thuận lợi về hạ tầng trường lớp, công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như tỉ lệ hộ được hưởng lợi từ nước sạch, vệ sinh môi trường; người dân hầu như đã được tận hưởng từ hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông.
Những năm gần đây, cây chè mang lại hiệu quả kinh tế và còn là điểm du lịch hấp dẫn ở Thanh An |
Đánh giá đã khách quan?
Theo tìm hiểu, áp dụng các quy định và hướng dẫn theo Quyết định 447/2013-QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, xã Thanh An có 6 thôn thuộc trong diện đặc biệt khó khăn gồm các thôn 1, 2, 3, 8, 14 và thôn Thượng Lâm. Tuy nhiên, đến nay, dựa theo Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 thì toàn xã có 13/14 thôn đặc biệt khó khăn (tăng 50%). Tỉ lệ hộ nghèo ở mức 27,68% (chiếm 359 hộ); cận nghèo là 36,59% (chiếm 475 hộ).
Trước những mâu thuẫn giữa thực tiễn và con số thống kê hộ nghèo của địa phương, tại Hội nghị Thẩm định kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các huyện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 5/12, nhiều đại biểu đã tỏ ra băn khoăn, nghi vấn về kết quả điều tra, rà soát và kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Thanh An.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Từ đánh giá ở địa phương và thẩm định của các ngành chức năng cho thấy, ở xã chúng tôi có 13/14 thôn đặc biệt khó khăn là phản ánh hoàn toàn đúng tình hình theo tiêu chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.
“Việc rà soát hộ nghèo và cận nghèo, xã đã thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội. Các bước được tiến hành theo Thông tư 70 của Bộ LĐ,TB&XH như xác định, lập danh sách các hộ gia đình cần điều tra, rà soát; tổ chức điều tra, rà soát; lập danh sách phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả điều tra; niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; kết quả thẩm định của UBND huyện và công nhận danh sách của UBND xã rồi báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo”, ông Nam cho biết thêm.
Thực tế, xã Thanh An nằm cách trung tâm huyện Thanh Chương gần 15 km và có đầy đủ tiềm năng về kinh tế, đặc biệt là thế mạnh về cây chè nhưng toàn xã có tới 13/14 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 92,8%) là điều bất thường.
Qua so sánh với một số xã thuộc các huyện biên giới, vùng cao và các xã nằm trong diện 30a có thể thấy, số liệu về tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở một xã trung du của huyện Thanh Chương như xã Thanh An là một sự khập khiễng, cần được xem xét. Còn so sánh trong một vùng có điều kiện tương tự như các xã lân cận Thanh Chi, Thanh Thịnh, Thanh Thủy, Thanh Khê thì hộ nghèo ở Thanh An là chênh lệch rất lớn (Thanh Thịnh 37,69%, Thanh Chi 51,14%, còn Thanh An là 64,27% - P.V).
Mặc dù cho rằng việc đánh giá hộ nghèo, thôn nghèo ở xã Thanh An của người đứng đầu địa phương là chính xác, khách quan, tuy nhiên thực tế đã cho thấy điều trái ngược.
Điều mà dư luận đặt ra là có hay không việc làm bất minh trong vấn đề này. Ông Đặng Văn Lập, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Thanh Chương cho biết thêm: Dư luận cho rằng, ở xã Thanh An có tỉ lệ hộ nghèo quá cao khi có 13/14 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn là một sự nghi vấn cần được địa phương và ngành liên quan giải thích. Tuy nhiên, dưới góc độ của ngành tham mưu cho UBND huyện công nhận hộ nghèo cũng như các thôn bản, tôi thấy kết quả này là chính xác, khách quan. Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở LĐ,TB&XH và Ban Dân tộc tỉnh cũng đã về địa phương làm việc và kết luận con số trên.
“Điều làm dư luận băn khoăn là do thời điểm áp dụng điều tra, rà soát hộ nghèo. Bởi con số hộ nghèo trên 60% ở xã Thanh An là kết quả được tổng hợp, báo cáo vào tháng 11/2015, còn thực hiện theo Quyết định 50/2016/TTg là vào tháng 11/2016. Do đó, để có kết quả công nhận hộ nghèo, thôn đặc biệt khó khăn cho giai đoạn 2016 - 2020 thì phải sử dụng số liệu của tháng 11/2015. Nghĩa là quyết định có hiệu lực sau này mà con số được áp dụng thực hiện lại có trước”, ông Lập cho hay.