Gia đình xã hội
Việt Nam đứng trước nguy cơ phải 'nhập khẩu cô dâu'
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã đến mức nghiêm trọng, điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế khi nam nữ bước vào độ tuổi kết hôn, thậm chí sẽ dẫn tới nguy cơ phải "nhập khẩu cô dâu".
Đó là những cảnh báo của BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tại Hội thảo "Báo chí với chính sách dân số và phát triển trong thời kì mới theo định hướng của Đảng", diễn ra sáng 14-12 tại TP.HCM.
Theo số liệu thống kê, dân số Việt Nam đang có tốc độ già hóa thuộc diện nhanh nhất thế giới nhưng không có thời gian để ứng phó với thực trạng này. Trong khi đó, chất lượng dân số chưa cao.
Hội thảo "Báo chí với chính sách dân số và phát triển trong thời kì mới theo định hướng của Đảng" |
Cụ thể, tuổi thọ bình quân tương đối cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt Nam là khá thấp; tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5 dân số và hàng năm tiếp tục tăng thêm, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng. Cụ thể, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110%, liên tục tăng và còn tiếp tục tăng. Riêng năm 2015, số bé trai/100 bé gái là 112,8%.
BS Mai Xuân Phương cảnh báo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… khi nam nữ bước vào độ tuổi kết hôn.
Với tình trạng mất cân bằng giới tính ở cả thành thị và nông thôn như hiện nay, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì khiến trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, nguy cơ phải "nhập khẩu cô dâu".
TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình nhận định: Việt Nam đang đứng trước 2 nguy cơ về dân số: Mất cân bằng giới tính khi sinh và tốc độ già hóa dân số nhanh.
Tốc độ “già hóa dân số” nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, đời sống...
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh đang ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai. Sức ép kết hôn sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như phá vỡ cấu trúc gia đình; gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; số người di cư ra nước ngoài ngày càng nhiều sẽ gây nên những bất ổn về chính trị - xã hội.
Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong việc ngăn chặn lựa chọn giới tính thai, Luật Bình đẳng giới và nhiều văn bản khác. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản trên vào thực tế chưa đem lại kết quả như mong muốn. Hiện nay, bằng nhiều cách, phụ nữ mang thai vẫn biết được giới tính thai nhi.
TS Lê Cảnh Nhạc cũng cảnh báo, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2 - 2,1 con. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các vùng miền trong cả nước. Nơi có chất lượng dân số cao thì mức sinh lại thấp và ngược lại, nơi có chất lượng dân số chưa cao thì mức sinh lại cao.
Cụ thể, tại TP.HCM, mức sinh chỉ vào khoảng 1,45 con (số liệu năm 2009), Đông Nam Bộ (1,69), Đồng bằng sông Cửu Long (1,85), Bình Dương (1,70); trong khi đó, Kin Tum (3,45), Hà Giang (3,08), Tây Nguyên (2,65),...
Do đó, để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý, cần tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế.
Đáng lưu ý, thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp, như TP.HCM.
Ngành Dân số hiện đang nỗ lực truyền thông nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn hệ lụy của tình trạng quá dư thừa nam giới và tốc độ dân số già hóa nhanh.
Nguồn: Báo CAND