Gia đình xã hội
Phòng, chống bệnh nghề nghiệp: Còn thờ ơ
(Congannghean.vn)-Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc sử dụng, tiếp xúc với nhiều loại hóa chất trong các ngành nghề công nghiệp mới là tác nhân chính làm tăng khả năng mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN). Với số lượng lớn nhà máy, khu công nghiệp, Nghệ An tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bùng phát” BNN nếu cả doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) còn thờ ơ với công tác phòng, chống, làm giảm thiểu tác hại của loại bệnh này.
Kinh doanh xăng dầu là một trong nhiều ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao |
Hệ lụy lâu dài
BNN là bệnh đặc trưng của một nghề do yếu tố độc hại của nghề đó tác động thường xuyên, từ từ vào NLĐ mà gây nên bệnh. Trường hợp chị Nguyễn Thị Phương trú tại xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu là một điển hình. Làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, do đặc thù công việc phải đứng một chỗ trong thời gian dài, chị bị mắc bệnh xương khớp - một loại bệnh do đặc thù nghề nghiệp gây ra.
Chị Phương chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp NLĐ trên địa bàn tỉnh phải gánh thêm hệ lụy về sức khỏe do cuộc sống mưu sinh. Đến đầu tháng 8/2016, tổng số DN đăng ký trên địa bàn là 15.200 DN. Tuy nhiên, hàng năm, chỉ có chưa đến 10% trong số này đăng ký, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện BNN cho NLĐ.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2015, tổng số lao động trên địa bàn tỉnh được khám sức khỏe định kỳ là gần 24.000 người, tại 45 DN. Riêng với một số ngành nghề đặc thù cần phải khám, phát hiện BNN thì như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 6 đơn vị DN đăng ký khám BNN cho NLĐ. Cụ thể, có tổng số 1.433 người được khám, trong đó phát hiện 113 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Con số này cho thấy, vấn đề chăm lo sức khỏe, phòng ngừa BNN cho NLĐ chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tế trên dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài. Bởi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, các loại bệnh này sẽ tiến triển nặng, nhiều trường hợp không có khả năng phục hồi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất lao động của DN mà còn tạo ra áp lực lớn đối với ngành y tế và công tác an sinh xã hội.
Doanh nghiệp và người lao động còn thờ ơ
Hệ lụy của BNN rõ ràng là vậy; song, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả DN lẫn NLĐ còn xem nhẹ công tác khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Theo kết quả khảo sát về các yếu tố liên quan đến môi trường lao động tại 20 đơn vị của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong năm 2015, có đến 5,51% tỉ lệ mẫu về độ ồn không đạt tiêu chuẩn cho phép, độ ẩm có đến gần 11% mẫu không đạt chuẩn, tốc độ gió trên 8% mẫu không đạt chuẩn…
Cũng qua công tác kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động tại các DN trên địa bàn cho thấy, việc khám sức khỏe cho NLĐ chủ yếu được thực hiện ở các DN lớn, DN Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài; còn lại gần 80% DN vừa và nhỏ hầu như không thực hiện.
Trên thực tế, chi phí khám, phát hiện BNN cho NLĐ không hề nhỏ. Đây là tác nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều DN còn “ngó lơ” quy định trên; đó là chưa kể đến việc nhiều đơn vị cố tình né tránh vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Về phía NLĐ, do nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống BNN còn hạn chế nên một bộ phận còn chưa có ý thức phòng bệnh.
Ngoài lý do về mặt nhận thức, nguyên nhân khác khiến việc khám chữa BNN còn chưa được quan tâm đúng mức là do phần lớn NLĐ được chẩn đoán mắc BNN là những người có kinh nghiệm, thâm niên làm việc lâu năm, khi được chẩn đoán mắc loại bệnh này, họ phải chuyển sang công việc khác. Điều này đồng nghĩa với việc mức lương cũng thay đổi, thu nhập sẽ giảm đi.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trên đã từng bước được tháo gỡ khi Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, BNN bắt buộc có hiệu lực (từ ngày 1/7/2016).
Theo đó, NLĐ khi đi khám BNN sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm NLĐ khám BNN sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám. Không những thế, NLĐ còn được hưởng các chế độ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động khi xảy ra tai nạn lao động hoặc mắc các BNN.
Hồng Hạnh