Gia đình xã hội

Làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo ANTT

09:53, 07/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, phối hợp với các cấp, ngành, Công an Nghệ An đã tập trung nhiều giải pháp, kế hoạch triển khai tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù. Thực tế cho thấy, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống là giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật của những con người từng có quá khứ lầm lỗi, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Khen thưởng các cá nhân, điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại huyện Hưng Nguyên
Khen thưởng các cá nhân, điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại huyện Hưng Nguyên

Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an Nghệ An đã phát huy vai trò thường trực, tích cực tham mưu hiệu quả việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù.

Hiện nay, trong năm 2016, trên địa bàn Nghệ An, tổng số người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá về cư trú tại địa phương là 2.641 người. Trong đó, số người chấp hành xong án phạt tù (trại giam thuộc Bộ) 2.369 người; số người chấp hành xong án phạt tù (trại tạm giam thuộc tỉnh, thành phố) 266 người. Theo trách nhiệm được phân công, Công an các đơn vị, địa phương đã cấp, đổi chứng minh nhân dân (CMND) cho 743 trường hợp; hướng dẫn các thủ tục đăng ký hộ khẩu, xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp 750 trường hợp và giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật 116 trường hợp.

Xác định công tác tạo việc làm cho những người lầm lỗi là cơ sở quan trọng để họ tránh xa cạm bẫy cũ, vươn lên thành người có ích cho xã hội, trong thời gian qua, Công an Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Theo đó đã có 1.546 người có việc làm.

Nhiều người ngoài việc tạo thu nhập cho bản thân còn giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh có công việc ổn định, hỗ trợ cho gia đình, xã hội… Nhiều mô hình đã phát huy vai trò là cầu nối để các trường hợp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, như “Vòng tay nhân ái”, CLB “Thắp sáng ước mơ”, mô hình “Bạn giúp bạn”…

Tuy nhiên, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Hiện, vẫn còn 1.024 người chưa có việc làm. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là thiếu vốn sản xuất kinh doanh và tâm lý chưa ổn định của người chấp hành xong án phạt tù.

Hiện, không chỉ tại Nghệ An mà trên cả nước, việc giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn, tổ chức dạy nghề chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu các đối tượng phải tự tìm việc làm hoặc nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ gia đình để ổn định cuộc sống. Trong khi, đa số các doanh nghiệp không muốn tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đã được chú trọng nhưng vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng.

Có thể thấy, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, pháp lý, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Đây là quá trình mà Nhà nước, cộng đồng xã hội thực hiện tổng thể các biện pháp nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần nhằm động viên, khích lệ họ ăn năn hối cải, tích cực cải tạo, rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản để những người từng có quá khứ lỗi lầm hướng thiện. Những định kiến tâm lý, sự phối hợp thiếu đồng bộ và thiếu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương khiến công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn vẫn còn thiếu hiệu quả bền lâu. Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác này, ngoài vai trò nòng cốt, trực tiếp của lực lượng Công an, đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của toàn dân cùng tham gia thực hiện.

Mai Hậu

Các tin khác