Gia đình xã hội

Trẻ nghiện smartphone/ipad: Không nên chủ quan

14:49, 29/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Không thể phủ nhận tầm quan trọng của smartphone hay các thiết bị công nghệ thông minh trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, mặt trái của nó đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm lý của trẻ nhỏ. Sự xuất hiện của những thiệt bị công nghệ thông minh vô hình trung đã thay đổi phương pháp giáo dục trẻ nhỏ trong gia đình, nhất là những gia đình ở thành phố.

Phụ huynh nên hướng dẫn, quản lý con trong việc sử dụng máy tính, smartphone/ipad đúng mục đích để vừa hỗ trợ trong việc học tập vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí (Trong ảnh: Học sinh tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn” trực tuyến trên máy tính)
Phụ huynh nên hướng dẫn, quản lý con trong việc sử dụng máy tính, smartphone/ipad đúng mục đích để vừa hỗ trợ trong việc học tập vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí (Trong ảnh: Học sinh tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn” trực tuyến trên máy tính)

Hàng ngày, để dỗ con ăn cơm, chị Nguyễn Thị Phương ở phường Vinh Tân, TP Vinh phải cho con chơi ipad. Cô bé chỉ say sưa, chăm chú vào màn hình ipad mà không để ý đến mọi thứ xung quanh. Chị Phương chia sẻ, ngoài giờ con đi học, mỗi khi về nhà, để rảnh tay làm việc nhà hay để cháu tập trung ăn cơm cho nhanh, chị đều đưa ipad cho con sử dụng.

Vì vậy, không biết từ bao giờ, con gái của chị chỉ thích chơi ipad mà không tham gia vào các hoạt động nào khác. Biết như vậy là không tốt nhưng chị cũng chưa có cách nào khác để con từ bỏ thói quen, sở thích này.

Những trò chơi hấp dẫn, những ứng dụng nổi bật, bắt mắt phù hợp với trẻ nhỏ được cài đặt trên smartphone/ipad luôn có sức lôi cuốn đối với trẻ nhỏ khiến chúng quên đi thế giới bên ngoài và không có nhu cầu nào khác. Với những gia đình bận rộn, bố mẹ do bận công việc mà không có ngày nghỉ, không có thời gian đưa con đi chơi, tham gia các hoạt động vui chơi bên ngoài thì chiếc smartphone/ipad là một cách hiệu quả để giúp con giải trí, vừa để quản lý con ở nhà, thậm chí, đó còn là một cách để ra điều kiện với con. Đây là một phương pháp giáo dục không hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng.

Theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thanh Thanh, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Vinh: “Chúng ta không thể phủ nhận giá trị của smartphone hay ipad, trong đó có cả giá trị về mặt giáo dục. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng những thiết bị này, nhất là ở lứa tuổi còn quá nhỏ sẽ gây ra những tác hại rất lớn. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây các bệnh về mắt thì “nghiện” ipad còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, khiến trẻ lười vận động, không có hứng thú tham gia các hoạt động khác. Điều này gây cản trở đến quá trình giao tiếp của trẻ, trẻ không có nhu cầu giao tiếp xã hội ngay cả với chính bố mẹ của mình”.

Hiện nay, ở Việt Nam, số lượng trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân được cho là dẫn đến tình trạng này đó là trẻ ít có cơ hội tiếp xúc, giao tiếp với môi trường bên ngoài. Ngoài ra, nước ta còn có gần 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị...), trong đó tỉ lệ cận thị chiếm đến 2/3. Đáng báo động là tật khúc xạ đang có chiều hướng gia tăng đột biến, lan rộng từ thành thị sang cả khu vực nông thôn. Một trong những nguyên nhân là do trẻ tiếp xúc sớm với tivi, máy tính, smartphone/ipad với cường độ quá nhiều.

Cũng theo số liệu thống kê, hiện nay trên thế giới, trẻ em và thiếu niên dành quá nhiều thời gian cho công nghệ, sử dụng gấp 4 - 5 lần so với cường độ cho phép. Điều này có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, nghiện smartphone có thể gây ra các triệu chứng rối loạn thị giác, đau cơ, mệt mỏi và rối loạn tâm lý. Sự lệ thuộc vào chiếc điện thoại, ipad là nguyên nhân gây ra biểu hiện rối loạn hành vi, cáu giận vô cớ, giảm hành vi giao tiếp bên ngoài, trầm cảm… Thiết bị di động thông minh cũng là tác nhân khiến giới trẻ thành nạn nhân của các mạng xã hội.

Sự yêu thương, dành thời gian quan tâm tới con trẻ và sự tương tác thường xuyên giữa bố mẹ và con cái là nhân tố hướng con đến những hoạt động vui chơi bổ ích khác để con được phát triển đầy đủ, toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Các bậc làm cha mẹ đừng vì những mục đích trước mắt mà “tiếp tay” cho những tác nhân xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ nhỏ.

Anh Quân

Các tin khác