(Congannghean.vn)-Ly hôn, không thể cùng nhau trọn vẹn xây dựng hạnh phúc, đó là điều chẳng ai mong muốn. Nhưng vì muôn vàn lý do khách quan và chủ quan mà những người làm cha, làm mẹ đành chấp nhận rời xa nhau, chia nhau trách nhiệm chăm sóc con cái không chung một mái nhà. Chẳng ai mong muốn, nhưng vô tình, họ đã để lại trong tâm trí đứa con hình ảnh về một gia đình thiếu trọn vẹn. Và rồi, có những đứa trẻ đã trượt dài vào những sai lầm, bi kịch...
Tỉ lệ ly hôn tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây - Ảnh minh họa |
Ngồi đối diện với tôi tại cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn, trên gương mặt của Lê Đức Anh (SN 2000) trú tại khối Quang Trung, thị trấn Nam Đàn khá mệt mỏi. Đó là hậu quả của những đêm dài “cày game”, bỏ học, lang thang học những thói hư tật xấu. Sau khi bố mẹ ly dị, Đức Anh ở với mẹ nhưng 2 năm trở lại đây, em chuyển sang ở với bố. Thiếu sự chăm lo, bảo ban đầy đủ của bố mẹ, Đức Anh ngày càng chểnh mảng việc học hành, theo đám bạn xấu lang thang, lêu lổng đua đòi ăn chơi.
Thiếu tiền tiêu xài mua sắm, đi bar, em nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nhà hàng xóm… Khi tôi hỏi em nhận thức về hành vi mà mình gây ra, em cúi gằm mặt, tỏ vẻ ân hận. Chẳng biết tương lai cậu bé sẽ ra sao khi tôi động viên em quay trở lại học tập, hoặc học một nghề nào đó cho ổn định, em lắc đầu từ chối: Em chán học lắm rồi…
Đức Anh chỉ là một trong nhiều trường hợp trẻ vị thành niên lớn lên trong “gia đình khuyết” vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2016, đã có đến 2.149 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có 74 đối tượng phải xử lý hình sự. Chủ yếu các đối tượng vi phạm đều không được đi học, lang thang cơ nhỡ.
Theo kết quả điều tra về gia đình Việt Nam được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, tỉ lệ ly hôn tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Tỉ lệ ly hôn trong độ tuổi từ 18 - 60 là 2,6%, tỉ lệ này ở thành thị là 3,3%, ở nông thôn là 2,4% và tỉ lệ phụ nữ xin ly hôn cao gấp 2 lần so với nam giới. Trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ chồng trong độ tuổi từ 22 - 30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1 - 5 năm và hầu hết đã có con. |
Theo Đại úy Hoàng Minh Tú, cán bộ Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Nghệ An, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật xuất phát từ yếu tố gia đình. Trong những năm qua, vấn đề giáo dục con cái trong nhiều gia đình chưa thật sự được chú trọng.
Đa phần trẻ em phạm tội thường có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em thiếu sự quan tâm của gia đình (bố mẹ ly hôn, ly thân); trẻ em lang thang, không được quan tâm, dễ làm thân và tụ tập thành băng nhóm tội phạm, những em bỏ học, bỏ nhà sống lang thang… Trong khi đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi người chưa thành niên đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần, khả năng phân biệt và nhận thức đúng, sai, hợp lý và không hợp lý còn rất hạn chế nên phần lớn chưa làm chủ được bản thân.
Với lý do sinh ra, trưởng thành trong gia đình thiếu hoàn chỉnh, có một điều đáng báo động hiện nay là tỉ lệ các cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ ly hôn có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến đầu tháng 10/2016 đã có 6.120 vụ ly hôn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những vụ việc được công nhận thỏa thuận của đương sự không phải xét xử, có rất nhiều vụ việc giữa hai bên đã phải nhờ tòa án xét xử do có những tranh chấp về kinh tế, quyền nuôi, chăm sóc con… Có những vụ án hết sơ thẩm, phúc thẩm kéo dài từ năm này qua năm khác. Sự thiếu đồng nhất trong giải quyết vụ việc vô tình tạo tâm lý đè nặng lên những đứa trẻ.
Theo một chuyên gia tâm lý, những thiếu hụt về mặt tinh thần, những mặc cảm về gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ ám ảnh những đứa con khiến chúng luôn tự ti, sống ẩn mình hơn, ít giao tiếp hơn. Và dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì những trẻ em này đều bị ảnh hưởng từ hoàn cảnh gia đình của mình, bởi điều mất mát lớn nhất từ sự ly hôn của cha mẹ đối với con cái, là chúng mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển - đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ.
Hàng loạt nghiên cứu chỉ ra những tác động tiêu cực của những gia đình có bố mẹ ly hôn tới con cái: Tăng khả năng bỏ học, hút thuốc lá sớm, xu hướng phạm tội tăng, tăng khả năng ly hôn sau này…; đồng thời, khi những điều tiêu cực kia ngày ngày được đưa vào tâm trí những đứa trẻ này, chúng sẽ mất dần hình ảnh đẹp của bố mẹ, nhất là khi chúng gặp những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Ảnh hưởng này sẽ khiến các em có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân và gia đình. Các em sẽ không tìm được một mô hình gia đình và hôn nhân hạnh phúc. Ý nghĩa và đặc tính của hôn nhân cũng sẽ được diễn dịch một cách lệch lạc khi các em nhìn vào bố mẹ mình và đời sống hôn nhân gia đình của bố mẹ sau khi đã ly dị. Và có thể, những hậu quả tiêu cực này dẫn đến hiện tượng đồng tính và hôn nhân đồng tính, tệ nạn phá thai và ly dị hiện nay…