(Congannghean.vn)-Mỗi ngày, trung bình cả nước có 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT). Những gia đình đang yên vui bỗng chốc tan vỡ, những đứa trẻ thơ đang thơm mùi sữa mẹ phải bơ vơ, thiếu đi sự chăm sóc của bậc sinh thành, người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh… Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn trường hợp phải chịu mất mát do TNGT gây ra. Mất đi người thân là nỗi đau không gì tả xiết. Đó là chưa kể đến những gánh nặng về vật chất mà các gia đình phải giải quyết sau mỗi vụ tai nạn. Ám ảnh về những hậu quả do TNGT gây ra vẫn cứ day dứt khôn nguôi cho người ở lại…
Thăm, tặng quà cho anh Nguyễn Hữu Phú bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông tại xóm 14, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu |
1. Chị Phan Thị Huyền trú tại phường Quang Trung, TP Vinh vẫn nhớ như in khoảnh khắc chị nhận cuộc điện thoại vào chiều tối 9/2/2016. Nghe thông tin bố chị, ông Phan Đăng Kỷ (SN 1957) bị tai nạn, chị ngỡ ngàng, không tin vào tai mình. Tất tả chạy đến hiện trường xảy ra tai nạn, rồi ra bệnh viện, dù đã rất cố gắng bình tĩnh nhưng nhìn người bố thân yêu đang mạnh khỏe trước đó ít giờ, nay nằm bất động trên giường, chị nức nở không thôi. Các bác sĩ thông báo, ông Kỷ bị gãy chân, gãy hàm và chấn thương sọ não.
Chị Huyền cho biết, chiều hôm đó, bố chị nhận đưa đón cháu ngoại. Nhà có 2 người con, người con trai đầu đã mất cách đây 10 năm nên mọi tình yêu thương ông bà dồn vào đứa cháu ngoại bé nhỏ. Chiều 9/2, trong lúc bố chị vừa cho xe vào lề đường, đi lấy đồ cho cháu từ cốp xe thì bất ngờ bị một người từ phía sau đâm sầm vào. Cú va chạm quá mạnh khiến ông gãy chân tại chỗ, đầu bổ ngửa ra phía sau. Nguyên nhân chính được xác định là do người gây ra tai nạn hôm đó đã bị “ma men dẫn lối” nên thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ. Hậu quả, gia đình chị vốn đã neo người nay lại càng vất vả hơn. Số tiền 100 triệu đồng bồi thường chỉ phần nào xoa dịu nỗi đau lớn trong gia đình nhỏ.
Từ đó đến nay, một tay chị Huyền phải sắp xếp thời gian để chăm sóc bố vì ông Kỷ phải nằm một chỗ. Căn nhà nhỏ của ông bà tại khu chung cư Quang Trung vốn đã ít tiếng nói cười, nay lại càng hoang hoải hơn khi vợ ông Kỷ phải xuống Bệnh viện Ung bướu Nghệ An để điều trị căn bệnh ung thư quái ác…
2. Liên quan đến các vụ TNGT, chúng ta thường xót xa, day dứt với các nạn nhân, gia đình nạn nhân phía bị hại. Thế nhưng, với người gây ra những vụ việc đau lòng trên, họ cũng bị ám ảnh khôn nguôi.
Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2015 đến 31/10/2016, đã có 145 vụ với 146 bị cáo liên quan đến tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý có tới 38 đối tượng từ 18 - 30 tuổi và 4 đối tượng từ 16 - 18 tuổi vi phạm. Đã có 77 trường hợp được hưởng án treo, 49 đối tượng bị xử phạt từ 3 năm trở xuống và 6 trường hợp bị phạt từ 3 - 7 năm tù.
Ngày 18/11/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Hoàng Văn Tình (SN 1993) trú tại xóm 11, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu về tội “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Theo nội dung cáo trạng, vào ngày 4/3/2013, Hoàng Văn Tình điều khiển xe môtô BKS 37L1-030.45 chở theo anh Trần Quang Khánh. Đi đến KM 27+200 Quốc lộ 48C thuộc địa phận bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp thì gây tai nạn làm ông Mạc Văn Hưng tử vong. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xác định, bị cáo là người không có giấy phép lái xe theo quy định, khi điều khiển xe môtô đi lấn đường của xe đi ngược chiều, phán đoán xử lý kém nên đã gây ra tai nạn. Với hành vi phạm tội của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và bồi thường tổn thất cho gia đình bị hại.
Với một thanh niên trẻ mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, những ám ảnh về vụ tai nạn sẽ còn khiến Tình day dứt mãi về nỗi đau mà mình đã gây ra cho gia đình bị hại. Bản án 3 năm tù cũng là bài học đắt giá mà Tình phải trả cho những lỗi lầm mà mình đã gây ra.
3. Những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT năm 2016 mà Đoàn UBND tỉnh - Ban ATGT tỉnh Nghệ An đến thăm hỏi, động viên vừa qua, đa phần đều rất khó khăn. Ngoài trường hợp của ông Nguyễn Đăng Kỷ, còn có rất nhiều gia đình rất gian truân trong việc vượt qua những nỗi đau do TNGT để lại. Là những cái chết tức tưởi của những cô gái, chàng trai mới ở độ tuổi đôi mươi, là rất nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não phải nằm bất động một chỗ, trông chờ cả vào sự chăm sóc của người thân…
Ai cũng sợ mình là nạn nhân hoặc có người thân là bị hại trong các vụ TNGT. Mỗi lần nghe những con số thống kê về người chết và bị thương trên các cung đường, chúng ta đều lắc đầu sợ hãi. Nhưng thái độ phải đi liền với hành động. Bởi ý thức của người tham gia giao thông là yếu tố quyết định đến việc kéo giảm số vụ, việc, số người chết, bị thương, hoặc giảm gánh nặng, hậu quả do tai nạn gây ra…
Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân bị tử vong do TNGT là hoạt động thường niên hàng năm để nhắc nhớ chúng ta về nỗi đau day dứt cho người ở lại vì TNGT. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở một ngày, hoạt động đảm bảo ATGT phải tiến hành thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ trong mỗi chúng ta. Để nhắc nhớ mỗi người về một nỗi đau có thật và cũng rất gần: Nỗi đau TNGT.