Gia đình xã hội

Say mê với nghề đóng tàu thuyền

09:06, 13/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con của dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc vẫn đam mê, thủy chung với nghề truyền thống của cha ông xưa để lại, đó là nghề đóng tàu thuyền. Nghề này đã góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với những đóng góp đó, dòng họ Nguyễn Trọng xứng đáng được nhận “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.

Vừa qua, dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng là Dòng họ “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”. Đây cũng là dòng họ duy nhất của tỉnh Nghệ An được phong tặng danh hiệu này. Niềm tự hào, xúc động hiện lên trên nét mặt của những người con mang dòng họ Nguyễn Trọng.

Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Nguyễn Trọng Nhỏ vẫn say mê với nghề đóng tàu thuyền
Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Nguyễn Trọng Nhỏ vẫn say mê với nghề đóng tàu thuyền

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Nhỏ (70 tuổi) cho biết: Tiểu chi dòng họ Nguyễn Trọng có 78 hộ với 230 nhân khẩu, sống quây quần tại xóm Đình, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Dòng họ này có bề dày lịch sử hàng trăm năm gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên. Ngay từ thời phong kiến, dòng họ Nguyễn Trọng đã có nhiều thợ đóng tàu thuyền có tay nghề giỏi, đạt đến độ tinh xảo, đã từng đóng tàu chiến cho triều Nguyễn. Đặc biệt, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các thợ đóng tàu thuyền giỏi chủ yếu là con cháu trong dòng họ đã cùng với nhân dân làng nghề đóng hàng nghìn phà phao, sà lan, tàu thuyền vận tải đường biển, đường sông phục vụ đánh bắt thủy, hải sản và phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, đã tham gia đóng được nhiều chiếc tàu trong đoàn tàu “không số” huyền thoại.

Bản thân nghệ nhân Nguyễn Trọng Nhỏ, khi mới 13 tuổi đã theo các cụ đi làm nghề, cũng từ đó mà yêu thích, gắn bó với nghề cha ông để lại. Chỉ cần nghe tiếng cưa, bào, đục đẽo, ông Nhỏ đã cảm thấy “ngứa ngáy” chân tay. Lúc bấy giờ, tranh thủ một ngày đi học, một ngày theo học nghề, 16 tuổi, ông Nhỏ đã được xem là một thợ giỏi của làng… Nhưng rồi, gác công việc một bên, chàng trai làng biển lên đường nhập ngũ khi mới 19 tuổi. Đi khắp chiến trường từ chiến trường B, nước Lào, sang Campuchia, đến Tây Ninh, Gia Lai, Đắk Lắk… đi tới đâu, ông vẫn nhớ đến nghề đóng tàu thuyền của dòng họ, của làng quê. Đến nỗi, những con tàu, con thuyền, tiếng đục, đẽo, đi cả vào trong giấc ngủ của ông…

Xuất ngũ, trở về địa phương, được sự tin tưởng của bà con làng xóm, họ hàng, ông được bầu làm Phó phòng Kỹ thuật, rồi lên Trưởng phòng Kỹ thuật của Xí nghiệp Đóng tàu thuyền Trung Kiên. Những năm ấy, nghề đóng tàu thuyền phát triển mạnh mẽ, nhưng rồi trận bão năm 1990 đã cuốn đi tất cả, khiến ông cũng như những người con của dòng họ Nguyễn Trọng đứng nhìn ra biển mà bùi ngùi xót xa. Tưởng chừng như làng nghề truyền thống đã đi vào ngõ cụt thì tia ánh sáng lại nhen nhóm.

Được sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, trước sự đoàn kết một lòng, một dạ theo nghề của cha ông xưa để lại, những người con của dòng họ Nguyễn Trọng đã vực dậy được làng nghề truyền thống. Cũng từ đó, Hợp tác xã (HTX) đóng tàu thuyền mộc Trung Kiên được thành lập. Đến nay, HTX có đến 30 xã viên là con em trong làng cũng như dòng họ Nguyễn Trọng. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, anh em con cháu dòng họ vẫn trọn vẹn, thủy chung với nghề tổ. Năm 2014, ông Nguyễn Trọng Nhỏ vinh dự được công nhận là nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Với những đóng góp đó, dòng họ Nguyễn Trọng xứng đáng được nhận “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.

Ông Lê Trọng Dân, cán bộ văn hóa xã Nghi Thiết cho biết: Dòng họ Nguyễn Trọng là dòng họ tiên phong trong việc xây dựng làng nghề truyền thống. Việc phong tặng danh hiệu “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” không những để tôn vinh dòng họ, gia tộc đã kế thừa, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, mà còn làm tăng sự đoàn kết trong dòng họ, gia tộc; giúp các thành viên thấy được giá trị của cha ông để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau, để từ đó duy trì và phát triển lên làng nghề truyền thống của dòng họ, quê hương mình.

Phan Tuyết

Các tin khác