(Congannghean.vn)-Từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với thương tích đầy mình nhưng khi trở về, từ một nhân viên y tế tới cương vị bác sĩ được giao nhiệm vụ chăm sóc thương, bệnh binh, hàng chục năm qua, anh đã tận tuỵ làm việc để bù đắp những mất mát của đồng đội. Anh là bác sĩ, thương binh Phạm Thành Trụ - Giám đốc Khu điều dưỡng thương, bệnh binh tâm thần kinh Nghệ An.
Bác sĩ Phạm Thành Trụ kiểm tra khẩu phần ăn của các thương, bệnh binh |
Tiếng la hét, âm thanh chói tai từ các vật dụng sinh hoạt hàng ngày lẫn vào tiếng cười, tiếng khóc của các thương, bệnh binh. Có khi, do vết thương tái phát, nhiều thương, bệnh binh đã mất đi khả năng tự chủ… Đó là những điều mà cán bộ, nhân viên hiện đang làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa ở Khu điều dưỡng thương, bệnh binh tâm thần kinh Nghệ An kể lại khi chúng tôi đến thăm Khu điều dưỡng.
Bình thường, việc chăm sóc người lành lặn đã khó, với những thương bệnh, binh tâm thần kinh càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, các nhân viên, bác sĩ nơi đây vẫn ngày đêm tận tuỵ, thầm lặng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thương, bệnh binh được sống khoẻ mạnh. Và, khi nhắc tới bác sĩ, thương binh Phạm Thành Trụ, ai cũng thán phục bởi tấm lòng cao cả của anh.
Anh vừa là người quản lý, vừa là đồng đội của các thương, bệnh binh. Bởi thế, trong những “ca” khó đỡ nhất, anh trở thành điểm tựa, nguồn động viên tinh thần giúp đồng đội vượt qua cơn đau thể xác. Không chỉ vậy, hàng chục năm qua, anh còn tỉ mẩn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của các thương, bệnh binh đang được chăm sóc, điều trị tại đây.
Năm 19 tuổi, Phạm Thành Trụ lên đường nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 869, Quân khu IX, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1993, anh chuyển về địa phương công tác. Ngày trở về đoàn viên, anh chứng kiến cảnh người còn, người mất. Bản thân từng một thời vào sinh ra tử nên anh hiểu hơn ai hết nỗi đau thương, mất mát của đồng đội.
Bác sĩ Phạm Thành Trụ tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, có cha là bộ đội chống Pháp và 4 anh em trai đều tham gia quân ngũ, chiến đấu ở các chiến trường khác nhau. Anh em của tôi có người nằm lại nơi chiến trường, có người trở về là thương, bệnh binh. Vì thế, khi được giao nhiệm vụ chăm sóc thương, bệnh binh tâm thần kinh, tôi càng thấu hiểu nỗi đau mà đồng đội đang phải gánh chịu hàng ngày”.
Vào một chiều cuối thu năm 1988, trong khu rừng ở Campuchia, tình cờ đọc được một bài báo viết về hoàn cảnh thương, bệnh binh tâm thần kinh tại Nghệ An, sau đó, anh bị ám ảnh mãi. Và, như một cơ duyên, sau khi chuyển ngành, anh được cấp trên giao nhiệm vụ trở về quê công tác tại Khu điều dưỡng thương, bệnh binh tâm thần kinh Nghệ An đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.
Thời gian đầu, cuộc sống của thương, bệnh binh tại Khu điều dưỡng hết sức khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất và thuốc men thiếu thốn. Y học chưa phát triển, các y, bác sĩ phải dùng biện pháp trói, xích thương, bệnh binh mỗi khi cường cơn. Hình ảnh đó ám ảnh bác sĩ Phạm Thành Trụ vào tận giấc ngủ. Anh trằn trọc, băn khoăn tìm giải pháp để đồng đội không còn phải chịu đau đớn mỗi ngày.
Sau khi Khu điều dưỡng thương, bệnh binh tâm thần kinh chuyển về xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, bác sĩ Phạm Thành Trụ đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị chuyển từ cách quản lý, điều trị cơ học sang phương pháp y học. Nghĩa là đối với những thương, bệnh binh tâm thần kinh, mỗi khi lên cường cơn sẽ không dùng biện pháp trói, xích mà sử dụng khoa học y tế để điều trị. Phương pháp này vừa giảm thiểu áp lực công việc cho nhân viên chăm sóc, vừa làm cho thương, bệnh binh có cảm giác thoải mái hơn. Sáng kiến của bác sĩ Phạm Thành Trụ được mọi người hưởng ứng và áp dụng trong việc điều trị, chăm sóc các thương, bệnh binh.
Hiện nay, với vai trò là Giám đốc Khu điều dưỡng, bác sĩ Phạm Thành Trụ đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp tâm lý xã hội để giúp người bệnh giảm thiểu cơn đau khi tái phát và bình phục về hệ thần kinh để sống khoẻ, sống vui. Anh chia sẻ: “Trong suốt mấy chục năm qua, được nhìn thấy các thương, bệnh binh tỉnh táo và khoẻ mạnh là niềm vui mỗi ngày của tôi. 63 thương, bệnh binh tâm thần kinh đang điều trị, chăm sóc tại Khu điều dưỡng là những người đã không tiếc tuổi xuân, thể xác đấu tranh cho nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì thế, việc chăm sóc các thương, bệnh binh càng phải tận tuỵ, hết mình hơn nữa. Đó cũng là cách để tri ân đối với thế hệ đi trước...”.