(Congannghean.vn)-Thời gian qua, để tạo chuyển biến về mặt kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi, Nghệ An đã chú trọng công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, so với thực tế thì chất lượng đầu ra để học viên có nghề nhằm tạo công ăn việc làm tại chỗ vẫn còn ít và chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, việc gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của từng địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức…
Nhiều địa phương trung du, miền núi tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ để mở lớp dạy nghề mây tre đan |
Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hiện nay, trên địa bàn 11 huyện, thị miền núi, trung du của tỉnh Nghệ An có khoảng trên 700 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trong tổng số lao động nói trên mới chỉ có khoảng trên 70% người trong độ tuổi lao động được bố trí việc làm ở các ngành nghề khác nhau trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, công tác hướng nghiệp, dạy nghề gắn với tạo việc làm đang được các cấp, ngành quan tâm nhằm từng bước xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân ở miền núi, trung du trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg vào ngày 27/11/2009 về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Chính sách mà Quyết định 1956/QĐ-TTg đưa ra là lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên…
Tiếp đó, vào ngày 30/8/2010, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định 3846/QĐ.UBND và Quyết định số 5918/QĐ.UBND ngày 30/12/2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo nghề và cấp giấy chứng nhận nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó có khu vực miền núi, trung du. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã được Sở LĐTB&XH cấp phép đào tạo 19 nghề nông nghiệp đặc thù trên địa bàn như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản.
Tại cuộc họp tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 7/9 vừa qua cũng đánh giá cao công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lao động trong thời gian qua.
Tuy nhiên, so với thực tế thì đầu ra về nguồn nhân lực, trong đó có lao động ở khu vực miền núi, trung du trên địa bàn đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm giải quyết. Đó là công tác đào tạo nghề cần phải gắn với nhu cầu xã hội, đặc thù của từng địa phương. Hơn nữa, vì thời gian đào tạo ngắn hạn nên chất lượng đầu ra còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nhiều học viên sau khi được đào tạo nghề lại không mặn mà, gắn bó với những gì được học. Do đầu ra sản phẩm kém nên thời gian duy trì của học viên đối với những ngành, nghề đã được học rất ngắn. Nhiều địa phương còn chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của từng người để lập danh sách gửi học viên đi đào tạo nghề…
Để giải quyết những vấn đề nói trên, trước hết các cơ sở dạy nghề cần phải được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để học viên có thể rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế để áp dụng thực hành trong thời gian học tập. Mặt khác, việc lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp gắn đặc thù từng địa phương cần quan tâm hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho học viên sau khi ra trường cũng cần được chú trọng, kịp thời. Và, vấn đề quan trọng là việc liên kết giữa nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm sau khi học viên hoàn thành khoá học trở về địa phương có thể tự đầu tư sản xuất, kinh doanh cần được đẩy mạnh thực hiện.