Gia đình xã hội
Chung tay vì khúc ruột miền Trung…
(Congannghean.vn)-Những ngày này, cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu. Đã được dự báo trước nhưng không ngờ đợt mưa lũ đến nhanh quá, mạnh quá, chẳng ai kịp chống đỡ. Những số liệu thống kê thiệt hại về người và tài sản không ngừng tăng lên qua từng ngày, khiến chúng ta không khỏi xót xa. Hàng chục người bị chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị chìm trong biển nước và đến giờ, hàng trăm hộ dân vẫn đang ngóng chờ được tiếp tế trong hoàn cảnh khó khăn cùng cực. Mùa lũ về cùng bao mất mát, trăn trở với người dân miền Trung…
CSGT Công an TP Vinh hỗ trợ di chuyển phương tiện qua tuyến đường ngập nước |
Thời tiết thất thường, mưa bão liên miên đã trở thành chuyện “quen thuộc” với người dân miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng. Cái eo tựa như chiếc đòn gánh oằn mình chịu đựng cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, rồi cuộc phân chia Nam - Bắc một thời chưa bao giờ thôi khắc nghiệt. Miền Trung “chưa mưa đã ngập lụt, chưa nắng đã khô khan”. Trong lịch sử hàng nghìn năm, mảnh đất nơi đây đã chứng kiến những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất. Những nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ vô danh là minh chứng cho cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ và oanh liệt của những con người quanh năm dầm mưa dãi nắng. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến cái nghèo, cái đói cứ bám riết số phận, cuộc đời những con người khắc khổ.
Suốt thời gian dài đất nước trải qua thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp, người miền Trung thấu hiểu thế nào là ba hạt cơm dính trên một lát sắn, thế nào là ba bữa đói một bữa thèm no, thậm chí bảy bữa đói một bữa lưng bụng. Có phải vì thế mà ngay cả trong ẩm thực của người dân miền Trung, đặc sản thường được nhắc tới vẫn là “nhút mặn chua cà”… Phải chăng vì thời tiết khắc nghiệt nên tính cách con người miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng thường chịu thương chịu khó, thâm trầm nhưng cũng rất bộc trực, nóng nảy…
Để bù trừ cho những khắc nghiệt của thời tiết, tạo hóa đã cho các tỉnh miền Trung những bãi biển tuyệt đẹp với bao cơ hội đầu tư khai phá. Thế nhưng, sau thời gian ngắn, những dự án đầu tư đã tác động không nhỏ tới môi trường cảnh quan nơi đây. Sự cố môi trường Formosa năm qua đã khiến nhiều hộ dân 4 tỉnh miền Trung rơi vào cảnh khốn khó. Hậu quả của sự vụ trên vừa được giải quyết thì thông tin về những cơn bão liên tiếp ập đến. Những cơn bão với cường độ cực mạnh đổ bộ vào cái eo giữa hai đầu đất nước. Hướng đi của bão không mới, song mỗi lần nghe thông tin dự báo, lòng lại quặn thắt niềm lo…
Trong hoạn nạn, khó khăn, người dân miền Trung cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ, sẻ chia của đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trên các trang mạng xã hội, không ai bảo ai, mọi người đều ngóng chờ, lòng hướng về bà con nơi rốn lũ. Những địa chỉ quyên góp, giúp đỡ đồng bào miền Trung được hình thành, những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức doanh nghiệp kết nối với nhau, với mong ước, làm sao đến được với đồng bào miền Trung sớm nhất.
Bạn Nguyễn Thu Thủy, người Việt Nam định cư tại Nhật Bản tâm sự: “Mình quê ở Vĩnh Phúc, lấy chống và sinh con tại Nhật đã 3 năm. Nghe những thông tin về mưa bão miền Trung, mình xót lắm. Đó là đồng bào, là quê hương, dân tộc mình. Nghĩ đến cảnh mình chăn ấm nệm êm mà các cháu bé chẳng có manh áo giữ ấm, chẳng có chút lương thực để ăn, mình trằn trọc mãi. Qua người bạn tại Hội Nhà báo Nghệ An, mình gửi một ít tiền quyên góp cho người dân miền Trung. Chẳng nhiều nhưng cũng mong giúp được bà con từng nào hay từng ấy…”.
Sát cánh cùng đồng bào miền Trung nói chung và xứ Nghệ nói riêng trong hoạn nạn khó khăn là các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương. Đó là hình ảnh lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương về tận nơi, chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ không để người dân bị đói sau mưa lũ. Là những chiến sỹ Công an, bộ đội không quản mưa gió hỗ trợ, di dời bà con khỏi rốn lũ. Là các đồng chí CSGT dầm mình với quyết tâm thông tuyến giao thông, để các hộ dân không bị cô lập dài ngày...
Ông cha ta vẫn bảo “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” để kêu gọi người dân xích lại gần nhau, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Và rằng, “qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”, để biết rằng, trong khó khăn, mới biết ai là người giúp mình, ai tốt với mình thật lòng, chứ không phải những lời xúi giục lúc thảnh thơi… Một vòng tay giang ra, một manh áo ấm đã cũ, một ít tiền trích ra từ chi tiêu hàng ngày gửi cho đồng bào miền Trung, nghĩa là bạn đang dệt rất nhiều niềm tin và ước mơ cho đồng bào nơi rốn lũ!
Tính đến sáng 16/10, mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung đã làm 15 người chết, 9 người mất tích và 18 người bị thương. Mưa lũ cũng làm 7 nhà bị sập, 98.215 ngôi nhà đang ngập trong nước; 1.598 ha lúa, 9.143 ha hoa màu bị ngập. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông. Tối 15/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có mặt tại Quảng Bình để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt. Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Bình cần khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình có người chết, người bị thương; cứu trợ các gia đình bị thiệt hại khó khăn, không để bất kỳ gia đình nào thiếu đói, hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ bị hư hỏng để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống; khẩn trương khắc phục các công trình, đường giao thông bị hư hỏng, sớm tổ chức sản xuất; sửa chữa, khôi phục đường sắt Bắc - Nam và các tuyến đường để sớm lưu thông trở lại. |
Mai Hậu