Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201610/chung-tay-giup-do-tre-bi-nhiem-hiv-den-truong-703220/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201610/chung-tay-giup-do-tre-bi-nhiem-hiv-den-truong-703220/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chung tay giúp đỡ trẻ bị nhiễm HIV đến trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 10/10/2016, 14:43 [GMT+7]

Chung tay giúp đỡ trẻ bị nhiễm HIV đến trường

(Congannghean.vn)-Tự ti, mặc cảm với số phận của mình khi chẳng may là nạn nhân bị nhiễm HIV từ bố mẹ lúc chào đời. Để rồi, khi lớn lên, các em vốn dĩ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng vẫn không ít trường hợp bị chính những bạn bè cùng trang lứa xa lánh, những người thiếu hiểu biết về căn bệnh này tìm cách chối bỏ. Chính vì vậy, việc giúp đỡ trẻ bị nhiễm HIV đến trường đang được các cấp, ngành quan tâm và kêu gọi cả cộng đồng chung tay vào cuộc.

Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ xã hội đối với trẻ bị nhiễm HIV được hoà nhập cộng đồng, có không ít trường hợp đã xoá bỏ được mặc cảm cá nhân để đến trường. Bằng các hình thức vận động, tuyên truyền khác nhau, nhiều trẻ bị nhiễm HIV đã được tạo điều kiện tốt nhất trong cuộc sống sinh hoạt cũng như học tập.

Từ những tình cảm đặc biệt với trẻ bị nhiễm HIV, việc chung tay khoả lấp sự thiếu hụt hơi ấm của cha, tình thương của mẹ cho các em đang được cả xã hội quan tâm. Không chỉ vậy, việc đảm bảo quyền lợi cho trẻ em bị nhiễm HIV cũng là vấn đề đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.

Quyền của trẻ em là được học tập, vui chơi. Ảnh minh họa
Quyền của trẻ em là được học tập, vui chơi. Ảnh minh họa

Để cụ thể hoá chủ trương và hành động, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 84/2009/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Theo đó, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể hoà nhập cộng đồng là điều mà các cấp, ngành đang thực hiện trong thời gian qua.

Tiếp đó, vào ngày 22/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 570/QĐ-TTg, trực tiếp giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ bị nhiễm HIV/AIDS được đến trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách quan tâm kịp thời của Nhà nước thì sự kỳ thị, xa lánh đối với trẻ bị nhiễm căn bệnh nói trên vẫn còn xảy ra. Đã có không ít trường hợp phụ huynh của các em gặp khó khăn khi cho con tới trường. Do vốn hiểu biết chưa đầy đủ, nhiều người vẫn cho rằng, đây là căn bệnh nguy hiểm nên không thể cho con cái mình gần với trẻ bị nhiễm HIV. Chính vì điều này đã vô tình kéo dài khoảng cách đối với những đứa trẻ chẳng may sinh ra bị nhiễm bệnh từ bố mẹ.

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu một đứa trẻ trong quá trình phát triển và trưởng thành, nhất là quãng tuổi thơ rất dễ bị kích động rồi dẫn đến lối suy nghĩ tiêu cực. Đối với trẻ bị nhiễm căn bệnh nói trên cũng vậy, nếu các em không được hoà nhập cộng đồng, không được tạo điều kiện tốt nhất để học tập và vui chơi thì sẽ bị tổn thương rất nặng.  

Đơn cử như trường hợp của cháu T. (SN 2003) ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành chẳng may bị nhiễm HIV từ mẹ nhưng khi đến trường, em lại ít được đón nhận như những học sinh cùng trang lứa. Vì có HIV nên từ năm 2014 - 2015, nhà trường đã vô tình sắp xếp em vào diện bị thiểu năng trí tuệ?! Trong khi đó, em sinh ra vẫn lành lặn như bao đứa trẻ khác. Và, mặc dù nhiễm căn bệnh từ bố mẹ (đã mất) nhưng em vẫn nghị lực vươn lên trong cuộc sống và được ông bà nội cho đến trường để học tập.

Sau khi được dư luận lên tiếng, ngành giáo dục Yên Thành đã kiểm tra lại và đốc thúc nhà trường nơi em đang học tập tạo điều kiện để em có cuộc sống hoà nhập như những đứa trẻ bình thường ở đây. Tuy sự việc chưa đến mức phải báo động, nhưng chính những lối hành xử như vậy đã vô tình khiến em bị tổn thương về mặt tinh thần…

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số trẻ em bị nhiễm HIV nhưng thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận không ít trường hợp cần được quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ kịp thời. Đã có không ít trẻ sau khi cha mẹ mất do HIV đã được người thân đùm bọc, cưu mang và giúp các em hoà nhập cộng đồng tốt hơn.

Cũng trong thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Quyết định 570/QĐ-TTg để giúp các trường hợp trẻ bị nhiễm HIV được đến trường học tập với bạn bè cùng trang lứa. Thông qua nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng, nhiều CLB trợ giúp người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống cũng đã tạo môi trường bình đẳng để các em vui chơi, học tập.

Bác sĩ Trịnh Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: HIV/AIDS không lây qua con đường tiếp xúc thông thường nên việc cho trẻ đã bị bệnh học tập, sinh hoạt chung không hề bị ảnh hưởng. Mặt khác, với trang thiết bị của y tế và giáo dục hiện đại thì việc đảm bảo an toàn cho trẻ được thực hiện rất tốt. Vì vậy, phụ huynh có thể yên tâm khi cho con em của mình học tập chung với những trường hợp trẻ bị HIV. Nếu chúng ta ngày càng xa lánh, kỳ thị thì sự tổn thương về tinh thần cho những đứa trẻ chẳng may bị nhiễm HIV/AIDS từ bố mẹ là rất lớn. Hơn bao giờ hết, việc rút ngắn khoảng cách về môi trường học tập, sinh hoạt đối với trẻ nhiễm HIV trong cộng đồng hiện nay là điều cần thiết.

Trẻ em rất cần sự đùm bọc của gia đình và xã hội để cho các em lớn lên, trưởng thành. Đối với trẻ nhiễm HIV thì sự quan tâm của gia đình, xã hội lại càng phải được nâng cao hơn nữa. Qua đó, với người lớn thì sự hiểu biết về căn bệnh thế kỷ lại càng được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để những đứa trẻ sinh ra có HIV không phải sống côi cút, thiệt thòi trong cuộc sống hiện nay.

.

Ngọc Thái

.